1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đội du kích anh hùng trong rừng trà Phú Hội

(Dân trí) - Đất Phú Hội (Nhơn Trạch, Đồng Nai) không chỉ nổi tiếng với cây trà và nước Mạch Bà “trời cho” mà còn là nơi sản sinh đội quân du kích anh hùng với bao chiến công giòn giã trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Xã Phú Hội nằm theo trục lộ 17 thuộc huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Trong thời kỳ chống Mỹ, địa bàn xã hoàn toàn nằm trong vùng kềm kẹp của địch: một bên là quận lỵ Nhơn Trạch và một bên là Bộ chỉ huy và bãi pháo Bến Sắn của quân lực Sài Gòn tại địa phương. Thế nhưng, phong trào đấu tranh cách mạng của quân dân Phú Hội luôn phát triển mạnh.

Đội du kích xã Phú Hội được thành lập trước năm 1960. Năm 1961, đội phát triển lên 16 đồng chí; trong đó có 3 đảng viên và 8 đoàn viên. Ngày đó, đất Phú Hội toàn là cây trà, trà mọc cao trên đầu người, có thể nói là “trà che bộ đội, trà vây quân thù”. Du kích Phú Hội tổ chức nhiều trận đánh quyết liệt, gây cho địch nhiều tổn thất, chiến công ấy có sự góp sức của cây trà Phú Hội.
 
“Tụi bây hỏi bất thình lình quá! Chuyện xưa quá rồi, sao tao nhớ?” - cụ Phan Văn Tân (85 tuổi) - nở nụ cười móm mém với các bạn trẻ từ TPHCM đến thăm. Trong kháng chiến, cụ làm hậu cần của tỉnh ủy tỉnh Biên Hòa, đến nay đã hơn 40 năm tuổi Đảng.

“Nói vậy thôi, chứ hồi trước ổng có tài kể chuyện cũng cỡ bác Ba Phi đó nghen. Đợi chút con trai ổng về sẽ nhớ nhiều chuyện hơn” - ông Trần Văn Tưng, hội trưởng Hội cựu chiến binh xã Phú Hội vừa nói vừa rót trà - “Uống đi các cháu, trà Phú Hội nổi tiếng đó”.

Cụ Phan Văn Tân và ông Phan Văn Tráng kể chuyện kháng chiến bên chén trà.
Cụ Phan Văn Tân và ông Phan Văn Tráng kể chuyện kháng chiến bên chén trà. Cha đi thoát ly ở trong rừng, con làm du kích ở địa phương, mấy chục năm gặp mặt được 1-2 lần, mãi đến giải phóng hai cha con mới được đoàn tụ.
 
Ông Phan Văn Tráng (57 tuổi), con trai cụ Tân cũng về tới. Ông Tráng kể, các trận đánh của đội du kích Phú Hội chủ yếu là để tiêu diệt lực lượng địch, cướp vũ khí, lấy thuốc pháo địch chế quả đạn, gài đánh và phá hủy xe tăng. Những ngày kỷ niệm lớn như Quốc khánh 2/9 hay sinh nhật Bác 19/5, đội tổ chức đánh lớn để gây chấn động. “Bởi vậy, trước những ngày kỷ niệm, tụi nó đánh mình dữ lắm, hòng ngăn chặn trước nhưng mà đâu có được” - ông Tráng nói.

Có lần, nhóm của ông Tráng theo dõi trong 1 tuần thấy có tốp lính hay hái trái vú sữa bèn tổ chức đánh. Nhóm du kích trải “mìn mo” ở cách cây vú sữa mà chúng thường ghé khoảng 10m rồi cho nổ.

“Trận ấy, 5 anh em du kích tiêu diệt được cả một trung đội mười mấy tên. Chỉ có một tên leo trên ngọn cây vú sữa thoát chết. Đánh xong anh em lập tức chạy trốn vào rừng trà rồi mạnh ai nấy tìm về căn cứ. Người này tưởng người kia hi sinh nhưng cuối cùng về đủ cả 5” - ông Tráng nhớ lại, “Đúng là có nhiều trận nhờ cây trà, núp dưới trà mà đánh. Nhưng giờ cây trà mai một rồi, nhà tôi còn phải đi mua về uống”.
 
Cụ Phan Văn Tân và ông Phan Văn Tráng kể chuyện kháng chiến bên chén trà.
Ông Tư Sáng (76 tuổi, 46 năm tuổi Đảng, Huân chương kháng chiến hạng nhì) cũng tham gia trận đánh ở cây vú sữa. Ông xem cây trà trăm tuổi trong vườn như người bạn già, nhưng cái cây ấy lụi tàn rồi nên ông tiếc lắm.
 

Cuối vườn trà của cô Ba Bé, ở tổ 8, ấp Xóm Hố xưa kia là căn hầm trú ẩn có sức chứa 40 người, sau giải phóng không dùng vào việc gì nên bị lấp từ lâu, cỏ cây rậm rạp nhưng cô Ba Bé nhớ rất rõ vị trí nắp hầm.
 
Cô Ba Bé kể: “Hồi đó tôi mới 17-18 tuổi à, làm thợ may, ngoài việc may đồ cho dân địa phương còn bí mật may cờ, may quần áo cho mấy anh cách mạng. Những “hàng cấm” đó tôi đem giấu ở máng nước trên mái nhà. Có lần lính đi tuần tra bất thình lình, tôi hoảng quá leo lên giường giấu đồ lên máng nước, làm sập luôn cái giường. Nhưng có nhiều anh em, áo chưa may xong thì đã hi sinh mất rồi…”.
 
Sau giải phóng, cô Ba Bé không báo công với chính quyền: “Coi như mình giúp mấy ảnh vậy thôi mà, công cán gì đâu!”. Khi đã có tuổi, cô bỏ nghề may, chuyển sang chăm sóc vườn trà và người mẹ gần 90 tuổi, cũng là nghệ nhân làm trà.
 
Một mình cô Ba Bé chăm sóc vườn trà, duy trì nghề làm trà truyền thống của Phú Hội

Một mình cô Ba Bé chăm sóc vườn trà, duy trì nghề làm trà truyền thống của Phú Hội
 
Cô Ba Bé tâm sự: “Sau tôi thì sẽ có con dâu nối tiếp công việc này. Nhưng sau con dâu thì không biết sẽ đến ai? Mấy đứa trẻ bây giờ đâu có chịu theo nghề này, cực lắm mà thu nhập đâu có bao nhiêu”.
 
Ông Trần Văn Tưng khuyến khích: “Mấy đứa thường xuyên ghé đây chơi nghen, rồi coi có cách nào bảo tồn vườn trà Phú Hội không? Trà này ngày xưa nổi tiếng lắm nên mới có câu nước Mạch Bà - trà Phú Hội - chuối già Long Tân đó. Về đây nghe chuyện du kích Phú Hội nữa chứ, một buổi kể không hết đâu. Mà phải tranh thủ nghen, chứ tụi này “xuống lỗ” là hết người kể chuyện đó” - ông Tưng cười hóm hỉnh.
 

Trong phong trào chống địch càn ủi địa bàn, lấn chiếm căn cứ, đội du kích Phú Hội lấy thuốc pháo địch, chế quả đạn, gài đánh và phá hủy 10 xe tăng địch. Những ngày cuối tháng 4 năm 1975, đội du kích kết hợp với các lực lượng vũ trang cách mạng tấn công hệ thống đồn bót địch, căn cứ Thành Tuy Hạ, hỗ trợ quần chúng giải phóng toàn xã.

Sau ngày giải phóng, xã Phú Hội có 23 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 445 liệt sĩ, 40 thương binh, 8 bệnh binh, 37 người bị địch bắt tù đày. Năm 1978, xã Phú Hội được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.

Đội dân quân du kích Phú Hội được tặng thưởng:
+ 2 Huân chương chiến công hạng I (1965, 1975),
+ 2 Huân chương Chiến công hạng II (1966,1969),
+ 1 Huân chương chiến công hạng III (1975)
+ Và 3 bằng khen tập thể.
 
Một số thành viên đội được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý; tiêu biểu có:
+ 3 đồng chí được tặng Huân chương chiến công hạng III,
+ 6 đồng chí được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ,
+ 1 đồng chí được tặng danh hiệu Anh hùng diệt Mỹ cơ giới,
+ 8 đồng chí đạt danh hiệu Quyết Thắng.

 

Hồng Nhung