1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đời đá

Đã gần 11h trưa. Nắng đổ lửa dội xuống mấy tấm bạt nhựa che tạm, hầm hập nóng. Nhóm thợ đá vẫn liên hồi tay búa, tay khoan. Lưng áo ướt đẫm mồ hôi, mặt trắng phệch vì bụi đá...

Thợ đá Hơn nói như hét trong tiếng máy khoan ầm ĩ: “Mỗi ngày làm đúng 8 tiếng. Tính công nhật, thợ chính được 60.000 đồng/ngày. Thợ phụ như em chỉ có 25.000 đồng/công thôi”.

 

Hơn 3.000 thợ đá dưới chân Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn - TP Đà Nẵng) ngày ngày vẫn miệt mài với nghề, mang theo khát vọng đổi đời nhờ đôi tay khéo léo và sự dẻo dai...

 

Người như... đá!

 

Hơn quê ở Hòa Quý (Hòa Vang - Đà Nẵng), trước đây đã học nghề thợ đá 3 năm, đã thạo tạc đồ trang trí nội thất, nay về đầu quân cho cơ sở ông Khuynh vốn “chuyên” về tạc thú (chủ yếu là sư tử, ngựa, cá...) nên phải học lại từ đầu, xem như học việc. Một ngày làm việc bắt đầu từ 7h sáng, kết thúc lúc 17h, công việc chính là tạo phôi. Đã hơn một năm rưỡi nay, thu nhập mỗi ngày của Hơn “ổn định” ở mức 25.000 đồng.

 

Theo giới làm đá mỹ nghệ ở Non Nước, những người theo được nghề cần có hai yếu tố quan trọng, đó là sáng ý và kiên nhẫn. Những người thông minh, học hỏi nhanh chỉ cần một năm là có thể trở thành thợ chính, còn những người tối dạ thì có khi học cả chục năm trời vẫn không được “ra trường”, thậm chí bị đuổi sớm vì làm hỏng hàng của chủ.

 

Bính là một trường hợp như vậy. Bảy năm trước, lúc làng đá Non Nước bung ra làm ăn thì Bính rời làng Đồng Kỵ - Bắc Giang vào học nghề ở “lò” B.L. Qua 3 năm, lò B.L cho “ra trường” mấy lứa thợ chính, còn Bính vẫn giẫm chân tại chỗ với việc xẻ đá và ra phôi - 2 công đoạn đơn giản của quá trình cho ra đời một tác phẩm đá.

 

Ông chủ lò khuyên Bính nên tìm chỗ khác, biết đâu nên nghề. Bính chuyển qua thôn Đông Hải học nghề ở cơ sở H.C, chuyên tạc tượng Phật. Mất một năm, Bính lại xin quay lại thọ giáo ông B.L, học nghề tạc tượng thiếu nữ. Sẵn tính chịu khó, lại có “duyên” với con gái nên chưa đầy 2 năm, Bính thạo việc, ra nghề và thuê mặt bằng để mở cơ sở, có đội thợ riêng, đơn hàng nườm nượp.

 

Anh Nguyễn Thành, chủ cơ sở Nguyễn Thành, đúc kết: “Ai bám được nghề, dứt khoát người nớ phải rất yêu... đá, ý chí học việc cứng như... đá và nói thiệt, đầu-mình-tay-chân cũng phải chắc như... đá!”.

 

Hiểm họa rình rập

 

Không chắc như... đá thì bỏ nghề giữa chừng lúc nào không hay vì chịu đau không thấu. Tôi đeo chiếc khẩu trang, lội vào lò Q.Đ để mục kích nỗi vất vả của thợ.

 

Những tảng đá trắng nặng hàng tấn được chở về từ Nghệ An, nay được cưa năm xẻ bảy, chất chồng chồng lớp lớp. “Bò” trên ấy là đám thợ thực hiện công đoạn tạo phôi (hình dáng ban đầu của tác phẩm). Tiếng khoan, tiếng đục đinh tai nhức óc. Dăm đá bay tung tóe. Mỗi khi tiếng rè rè của máy mài vang lên, bụi cuốn trắng mù.

 

Thật lạ, chẳng ai đeo khẩu trang. Tôi bỗng dưng trở thành “dị nhân” giữa đám thợ không kính, không ủng, không găng tay, không quần áo bảo hộ.

 

Thơm, một thợ trẻ, chỉ mặc độc chiếc quần cộc, áo mỏng thủng lỗ chỗ, cúi gập mặt xuống đất, tay trái thò đục xuống đế bức tượng Phật đang tạc dở, tay phải vung búa. Dăm đá và bụi bắn ra xối xả vào mặt và ngực. Một thợ khác kéo chiếc máy mài, dây điện chằng chịt, nằm lùng bùng trên vũng nước.

 

Trước năm 1990, khi còn được phép phá đá trên Ngũ Hành Sơn để làm hàng, những vụ đá lở, đè chết người xảy ra liên miên. Những năm gần đây, đá được mua về từ các tỉnh phía Bắc, lại có thiết bị kỹ thuật hỗ trợ, nguy hiểm ít hơn,. Nhưng trong các công đoạn chế tác hoàn toàn bằng thủ công, tai nạn luôn rình rập thợ.

 

Thơm kể, một anh bạn của anh học nghề cùng khóa, do tay yếu nên khi khoan cắt đá đã để mũi khoan bật chệch ra ngoài, văng vào mặt. Khâu 18 mũi và thương tật vĩnh viễn 27%, bạn anh bỏ nghề. Còn ông Bổn, 20 năm chuyên tạc các bộ Tứ linh và Sư tử hí cầu, chịu bụi đá không nổi, chuyển qua khắc các bộ Tam đa, Tứ bình, Ngũ âm được gần 10 năm. Một hôm ngồi chuốt hàng bằng HCl, thứ hóa chất này đã hạ gục ông.

 

Cả làng đá mỹ nghệ Non Nước có trên 3.000 lao động trực tiếp và tuyệt đại đa số không được ký hợp đồng lao động hay bất cứ một cam kết nào. Chưa có con số thống kê cụ thể về số vụ tai nạn lao động, số người bị mắc bệnh nghề nghiệp..., nhưng điều kiện lao động hiện tại của họ cho thấy đời thợ đá thật khắc nghiệt.

 

Thành danh 

 

Đã qua 400 năm hình thành và phát triển, làng đá mỹ nghệ Non Nước đã khai sinh hàng chục thế hệ thợ đá thành danh. Rất nhiều hộ dân dưới chân núi Ngũ Hành hay ở các thôn Đông Hải, Sơn Thủy... đã sống sung túc bằng nghề của mình.

 

Nghệ nhân nổi tiếng Nguyễn Sang có truyền nhân là con trai ruột - điêu khắc gia Nguyễn Long Bửu - không chỉ ăn nên làm ra nhất vùng mà còn được nhiều nước biết tiếng qua nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật điêu khắc đá. Hoặc như gia đình ông Hai Cảnh có tới 4 anh em ruột là Nguyễn Hùng, Nguyễn Phước, Nguyễn Em, Nguyễn Thành đều theo nghề và hiện liên kết thành một “tập đoàn” mạnh nhất vùng.

 

Khi chúng tôi đến thăm, đám thợ của ông Hùng đang sắp sửa hoàn tất cặp lân đá do một tổng công ty ngoài Hà Nội đặt hàng với giá 60 triệu đồng. Phải mất 150 tấn đá và 240 công, đội thợ của ông mới xong cặp lân. “Lãi không nhiều lắm vì hao công, nhưng anh em có việc để làm quanh năm”.

 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dưới trướng ông Hùng có gần 40 thợ và đội thợ của ông chưa một ngày thất nghiệp.

 

Theo Dương Quang

Người Lao Động