Đôi bạn thân biến rác thải nhựa… thành gạch lát đường

Thảo Lê

(Dân trí) - Sáng kiến của Tan và Sabrina là một giải pháp tiềm năng đối với vấn đề rác thải nhựa nhức nhối hiện nay.

Đôi bạn thân biến rác thải nhựa… thành gạch lát đường - 1
Indonesia hiện là quốc gia xả rác xuống biển nhiều thứ hai thế giới sau Trung Quốc. Chính phủ nước này cam kết giảm 75% lượng rác thải nhựa trong vòng 4 năm tới - một nhiệm vụ không hề dễ dàng với quốc gia Đông Nam Á gần 270 triệu dân.
Đôi bạn thân biến rác thải nhựa… thành gạch lát đường - 2
Nhận thức được mối nguy do rác thải nhựa gây ra đối với môi trường, đặc biệt là những vùng biển của Indonesia, đôi bạn thân Novita Tan và Ovy Sabrina (34 tuổi) đã cùng nhau thành lập công ty tái chế Rebricks, biến những chiếc túi nilon và bao bì sản phẩm thành gạch lát đường thân thiện với môi trường.
Đôi bạn thân biến rác thải nhựa… thành gạch lát đường - 3
Tan và Sabrina bắt đầu công việc thu gom rác thải nhựa cách đây hai năm. Họ ghé thăm các quầy hàng thực phẩm trên khắp thủ đô Jakarta, tìm kiếm những bao bì sản phẩm đã qua sử dụng như gói cà phê hòa tan, vỏ mì ăn liền… Theo Sabrina, loại rác thải này có cấu tạo bao gồm các lớp nhựa và lá nhôm khiến chúng rất khó tái chế và tốn kém khi xử lý. Kết quả là chúng bị xả thẳng ra các bãi rác và lò đốt, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trên thực tế, một nửa số rác được tìm thấy trong các hoạt động dọn dẹp bãi biển là loại rác thải này.
Đôi bạn thân biến rác thải nhựa… thành gạch lát đường - 4
Hai nữ doanh nhân cho biết ý tưởng tái chế của họ sẽ giúp "chuyển hướng" rác thải nhựa, thay vì để chúng bị dồn về những bãi chôn lấp hoặc trôi nổi trên đại dương. Chiến dịch Rebricks của cặp đôi sau đó đã được lan tỏa rộng rãi trên các mạng truyền thông xã hội và họ nhanh chóng nhận được rất nhiều bao bì nhựa phế liệu từ những người ủng hộ trên cả nước.
Đôi bạn thân biến rác thải nhựa… thành gạch lát đường - 5
Hiện công ty thiết lập 2 điểm thu gom rác ở Jakarta và một điểm khác ở vùng ngoại ô phía tây thành phố Serpong. "Điều này cho thấy người Indonesia có ý thức mạnh mẽ trong việc tái chế rác thải nhựa nhưng họ không biết phải làm điều đó ở đâu", Sabrina chia sẻ. Đối với đôi bạn thân, điều quan trọng nhất không phải là sản phẩm cuối cùng, mà là phong trào nhỏ họ khởi xướng có thể khơi dậy nhận thức của cộng đồng.
Đôi bạn thân biến rác thải nhựa… thành gạch lát đường - 6
Thay vì biến rác thải thành các mặt hàng nội thất hoặc thời trang như lọ hoa, ô và ví như một số doanh nghiệp Indonesia đang thực hiện, hai người phụ nữ quyết định sản phẩm đầu ra của công ty là gạch lát đường để có thể tiếp cận nhiều đối tượng khách hàng hơn. Ngoài ra, họ cũng nhận được sự hỗ trợ và nguồn lực khi gia đình Sabrina sở hữu một nhà máy sản xuất gạch.
Đôi bạn thân biến rác thải nhựa… thành gạch lát đường - 7
Mặc dù vậy, cả hai vẫn gặp phải vô số khó khăn khi bắt tay vào thực hiện. Họ đã thử nghiệm rất nhiều phương pháp và công thức khác nhau, chi hàng nghìn USD để kiểm tra tính khả thi của các mẫu gạch thành phẩm nhưng đều thất bại. Tháng 11/2019, sau một năm rưỡi thử nghiệm, Rebricks cuối cùng đã cho ra mắt dòng sản phẩm gạch lát đường đầu tiên. Đôi bạn thân đã tìm ra phương pháp tối ưu nhất bằng cách xay mịn bao bì nhựa phế liệu, sau đó trộn với xi măng và cát để đúc thành các khối xây dựng.
Đôi bạn thân biến rác thải nhựa… thành gạch lát đường - 8
Sản phẩm gạch của Rebricks đã vượt qua các cuộc kiểm tra áp lực và đáp ứng Tiêu chuẩn Quốc gia Indonesia của Trung tâm Sản phẩm Vật tư và Kỹ thuật thuộc Bộ Công nghiệp. Chúng trông giống và có mức giá tương đương những viên gạch thông thường nhưng khó vỡ hơn nhờ khả năng chịu được tải trọng lên đến 250kg/cm2, chống cháy và an toàn với môi trường.
Đôi bạn thân biến rác thải nhựa… thành gạch lát đường - 9
Theo Tan, Rebricks có thể sản xuất hàng loạt loại gạch này với công nghệ đơn giản và chi phí thấp, trong khi vẫn tuân thủ quy trình sản xuất "xanh" và các nguyên tắc tuần hoàn. Công ty cũng có kế hoạch cải thiện tỷ lệ nhựa trong mỗi viên gạch, hiện đang là 20%, sao cho vẫn đảm bảo cấu trúc sản phẩm và giá cả cạnh tranh.
Đôi bạn thân biến rác thải nhựa… thành gạch lát đường - 10
Cho đến nay, Rebricks đã tái chế được khoảng 4 tấn rác nhựa và con số này sẽ còn tiếp tục tăng lên. "Mỗi ngày, chúng tôi có thể ngăn chặn khoảng 88.000 mảnh bao bì nhựa xả ra môi trường. Công ty đến nay đã sản xuất được hơn 100.000 viên gạch", Tan nói thêm.
Đôi bạn thân biến rác thải nhựa… thành gạch lát đường - 11
Tan và Sabrina hiện đang có kế hoạch mở rộng công ty và mô hình tái chế bao bì nhựa phế thải của họ. Cặp đôi này cho biết đang đàm phán với một công ty tiêu dùng lớn về khả năng hợp tác trong tương lai, đồng thời xem xét việc tái chế rác nhựa thành gạch rỗng và tấm ốp xây dựng.