Đốc thúc doanh nghiệp trả nợ lương, thưởng cho người lao động
(Dân trí) - Bộ LĐ-TB&XH đang đốc thúc chủ doanh nghiệp có giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh đảm bảo nguồn kinh phí chi trả tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng Tết và các chế độ phúc lợi đối với người lao động theo quy định của Luật Lao động.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2012, số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh là hơn 26.300. Hơn thế, theo báo cáo kết quả rà soát số lượng doanh nghiệp năm 2012 của Tổng cục thống kê cho thấy, trong tổng số hơn 541.100 doanh nghiệp đang tồn tại về mặt pháp lý có tới hơn 92.700 doanh nghiệp hiện nay không thể xác minh được.
Thực tế đang diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế và các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhiều người lao động bị mất việc làm, bị chậm trả lương… trong khi Tết Nguyên đán đã cận kề - là thời điểm chờ đợi nhất trong năm của người lao động để được nhận lương, thưởng cả năm.
Nhìn nhận vấn đề, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền chia sẻ với những khó khăn, thua thiệt mà không ít người lao động đang phải đối mặt.
Theo Bộ trưởng, nhằm tháo gỡ tình hình, Bộ đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố rà soát, nắm tình hình sản xuất, kinh doanh, yêu cầu chủ doanh nghiệp có các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, cố gắng đến mức cao nhất để đảm bảo nguồn kinh phí chi trả tiền lương, phụ cấp, tiền thưởng và các chế độ phúc lợi đối với người lao động. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức công đoàn cơ sở có phương án hỗ trợ người lao động trong dịp Tết.
Đối với những doanh nghiệp nợ tiền lương, nợ BHXH của người lao động, Bộ yêu cầu phải có các biện pháp khắc phục trả đủ tiền lương, BHXH theo quy định của pháp luật lao động.
Bộ LĐ- TB&XH đốc thúc các doan nghiệp đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong thời điểm khó khăn.
Theo Bà Chuyền, trên thực tế tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn, phá sản hoặc chây ỳ, nợ lương người lao động không hiếm, nhưng cũng ở nhiều nơi doanh nghiệp nhận thức rất rõ rằng lao động gắn bó với doanh nghiệp, tình cảm và trách nhiệm của người lao động với doanh nghiệp tốt thì năng suất sẽ được nâng lên, nên họ xác định rằng dù khó khăn cũng sẽ cố gắng dành một khoản tiền hỗ trợ người lao động.
“Đặc biệt, đối với người lao động trong doanh nghiệp có chủ bỏ trốn và bị nợ lương nhưng không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, Bộ đã tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo các địa phương tạm ứng ngân sách để trả lương cho người lao động. Và khi doanh nghiệp giải thể, phá sản, sẽ thanh toán nộp lại ngân sách nhà nước, nếu đơn vị nào không đủ để trả, Nhà nước sẽ cân đối và hỗ trợ”- bà Chuyền cho biết.
Về chính sách xã hội đối với người nghèo trong dịp Tết Nguyên đán sắp diễn ra, Bộ trưởng cho biết, trên cơ sở đề xuất của 10 địa phương (tính đến thời điểm hiện nay), Bộ đã trình Chính phủ hỗ trợ 23.000 tấn gạo cho đồng bào nghèo.
Đối với người dân trên địa bàn 62 huyện nghèo, ngoài việc hỗ trợ gạo, các chính sách đặc thù theo Nghị quyết 30a/CP cũng sẽ được thực hiện. Theo Bộ trưởng, đây là một cố gắng lớn của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn.
Về chính sách với các hộ cận nghèo, Bộ trưởng cho biết chính quyền các địa phương sẽ có trách nhiệm xem xét và hỗ trợ gạo. Ngoài ra, các bộ, ngành đang đề xuất một số chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo như Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách cho vay vốn tín dụng ưu đãi đối với hộ cận nghèo, lãi suất bằng 130% so với lãi suất cho vay hộ nghèo.
Bà Chuyền cho biết thêm, Bộ đang đề xuất lên Chính phủ ban hành thêm một số chính sách hỗ trợ hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo như chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, hỗ trợ sản xuất.
Phạm Thanh