1. Dòng sự kiện:
  2. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
  3. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Độc nhất vô nhị du thuyền bằng... gáo dừa

Lần đầu tiên ở Tuy Hòa (Phú Yên), một chiếc du thuyền nội thất toàn bằng gáo dừa đang thành hình và sẽ được hạ thủy trước Tết Tân Mão.

Đó là “chiêu” mới của doanh nhân Phạm Hồng Bình, người đang sở hữu 3 kỷ lục Việt Nam và là chủ thương hiệu dòng sản phẩm mỹ nghệ Bình SVC.

 

Độc nhất vô nhị du thuyền bằng... gáo dừa - 1

Tỉ mẩn xử lý gáo dừa để trang trí du thuyền

 

Khó khăn lắm, tôi mới thuyết phục được ông Bình cho phép “đột nhập” vào khu vực đang đóng du thuyền Lạc Hồng 1, được rào chắn cẩn thận, nằm ngay trên đại lộ Hùng Vương (TP Tuy Hòa). Ông nói: “Công việc đang gấp rút, bề bộn quá... Anh là nhà báo đầu tiên vào đây”.

 

Lai lịch con tàu lạ

 

Theo hồ sơ công trình, du thuyền Lạc Hồng 1 do Công ty Du lịch Lạc Hồng (Phú Yên) làm chủ đầu tư, chính thức khởi công vào cuối tháng 11/2009, với tổng vốn đầu tư trên 10 tỉ đồng.

 

Du thuyền được đóng chủ yếu bằng các chất liệu thân thiện môi trường là composite sợi thủy tinh và nhựa tổng hợp; nội thất bằng chất liệu gáo dừa.

 

Theo thiết kế, du thuyền có dáng hình tượng chim Lạc, dài 25 m, rộng 5 m, cao 6,5 m; gồm tầng hầm, tầng 1 và tầng 2; với sức chứa khoảng 120 người, chuyên phục vụ những món ẩm thực bản địa độc đáo và “khuyến mãi” những tiết mục văn nghệ đặc sắc của Phú Yên, miền Trung. Địa điểm hoạt động là khu vực sông Đà Rằng (hạ lưu sông Ba)...

 

Động cơ nào để một doanh nghiệp “vùng xa” bỏ tiền tỉ đóng chiếc tàu “khơi khơi” này? Ông Phạm Hồng Bình lý giải: “Việc đầu tư đóng du thuyền Lạc Hồng 1 nằm trong chiến lược kinh doanh sản phẩm du lịch mỹ nghệ dừa Bình SVC. Sau 7 năm tạo dựng thương hiệu mỹ nghệ “gáo dừa trên cạn”, chúng tôi quyết định đưa công nghệ sản phẩm “xuống nước”.

 

Thế là Doanh nghiệp Bình SVC “đẻ” ra Công ty du lịch Lạc Hồng, do con trai tôi là Phạm Hồng Bảo làm giám đốc, và bắt tay vào đóng chiếc du thuyền đầu tiên này. Đó cũng là cách hiện thực hóa giấc mơ làm du lịch “không đụng hàng” của tôi”.

 

Còn nhớ, những năm đầu thế kỷ này, Doanh nghiệp Bình SVC đã lầm lụi gian truân bao nhiêu để khẳng định tên tuổi bằng sản phẩm mỹ nghệ từ gáo dừa.

 

Ông Bình đã xoay xở mọi cách để xây dựng thương hiệu, trong đó có việc đoạt 3 kỷ lục Việt Nam; ấy là các tác phẩm chiếc bình hoa “Huyền sử đời Hùng”, chiếc đèn bàn “Nguồn sáng Việt” và con chim yến “Biển gọi” lớn nhất làm từ chất liệu gáo dừa.

 

Còn giờ này, ông cho hay: “Vẫn biết làm du lịch từ nơi “hẻo lánh” như Phú Yên là việc cực kỳ khó khăn, nhưng khó thì mới làm! Chuyện làm tàu “nhậu di động” cũng không phải là mới ở Việt Nam, thế nên, muốn “hút hàng” thì chỉ một con đường: khác biệt!”.

 

Và đây cũng là một cách thể hiện trách nhiệm của một doanh nghiệp góp phần cho sự kiện Năm du lịch quốc gia duyên hải Nam Trung Bộ - Phú Yên 2011 và Kỷ niệm 400 năm Phú Yên (1611 - 2011).

 

Độc nhất vô nhị du thuyền bằng... gáo dừa - 2
Khu vực đang thi công du thuyền Lạc Hồng 1

 

Xưởng đóng tàu giữa phố

 

Từng chứng kiến nhiều công đoạn đóng tàu thủy nhưng các công đoạn đóng tàu Lạc Hồng 1 đúng là... hơi bị khác. Theo ông Bình, những thủ tục đăng ký ban đầu rất “căng”, bởi việc đóng du thuyền chưa có tiền lệ ở Phú Yên, riêng việc đóng thuyền bằng chất liệu composite cũng khá mới ở Việt Nam.

 

Doanh nghiệp đã phải thuê những chuyên gia để thể hiện các ý tưởng về con tàu. Rồi một bộ khung bằng gỗ được tạo tác, sau đó lật ngược lên để làm đáy. Trước khi đổ chất liệu composite, phải được tạo “khuôn” bằng đất sét.

 

Làm đáy xong, con tàu hàng tấn này phải được một số xe cẩu lật ngược trở lại, để tiếp tục thi công phần thân. Bản thân chất liệu composite khá nhẹ nhưng chắc chắn, đã được đổ dày thành nhiều lớp.

 

Điểm độc đáo của tầng 1 du thuyền là một nhà hàng sân khấu được thiết kế - thi công theo kiểu hướng về thiên nhiên. Đầu này là quầy bar, được tạo dáng như xuất hiện từ một gốc đại thụ; đầu kia là sân khấu với bức tranh dừa có chủ đề “Thần biển” và những rễ lòa xòa... trên trời rơi xuống.

 

Thiết kế tiếp theo, tất cả vách, trần, trụ, cửa, bàn, ghế, khu vực vệ sinh... đều được dát... gáo dừa. Công phu hơn, hàng triệu mẩu gáo dừa đã được cắt nhỏ như móng tay, que diêm... để thể hiện sâu sắc thần thái các tác phẩm “muốn nói”. Tầng 2 thì được thi công theo chủ đề “Thần núi”...

 

Cùng lúc đó, 4 chiếc ca-nô để đón đưa khách lên tàu (hoặc đi chơi “lẻ”) cũng đang được thi công theo kết cấu tương tự “chim mẹ đẻ chim con”...

 

“Chúng tôi sẽ tập trung toàn lực để thể hiện sự độc đáo của nét đẹp và công dụng bất ngờ của gáo dừa. Cùng lúc đó, không gian, ánh sáng, âm thanh và phong cách phục vụ của du thuyền sẽ làm sao tạo được sự thư giãn thoải mái nhất đối với du khách” - Ông Bình cho hay.

 

Các công đoạn đóng tàu được tiến hành khắt khe, tỉ mẩn; rồi việc tuyển nhân sự các vị trí phụ trách bến bãi, tài công, tiếp tân, nấu nướng... cũng được tuyển chọn, huấn luyện gian truân không kém.

 

Theo kế hoạch, du thuyền Lạc Hồng 1 sẽ chính thức hạ thủy cách Tết Nguyên đán Tân Mão khoảng 10 ngày.

 

Theo Thanh niên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm