1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Huế:

Độc đáo tranh giấy cúng 30 Tết

(Dân trí) - Những ngày cận Tết con rắn này, ở làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế), hàng chục hộ dân đang tất bật những công đoạn cuối cùng để cho ra lò những bức tranh cúng ngày 30 Tết.

Đã hơn 500 năm qua, làng Sình chuyên làm tranh giấy, chủ yếu là tranh tín ngưỡng, để cúng trong các dịp ngày rằm, mồng một, và đặc biệt là ngày 30 Tết. Tranh Sình được cúng cùng với tiền giấy, vàng mã rồi sau đó hóa đi.

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước ở làng Sình làm tranh cúng
Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước ở làng Sình làm tranh cúng (ảnh: Lê Huy Hoàng Hải)

Thể loại tranh cúng rất đa dạng, từ tranh nhân vật như Tượng Bà, con ảnh, ông Điệu, ông Đốc và tờ bếp; tranh đồ vật như áo ông, áo bà, áo binh, các loại cung tên khí dụng; tranh súc vật chủ yếu là gia súc như trâu bò, heo ngựa. Ngoài ra còn có voi, cọp. Một số tranh như con ảnh hay còn gọi là tờ thế mạng được dùng để đốt thế mạng cho người sống. Tương ứng với bao nhiêu người lớn hay trẻ nhỏ, nam hay nữ có ở trong nhà mà mỗi nhà sẽ mua tương ứng với bấy nhiêu con ảnh để cúng trong đêm 30 rồi đốt đi. Nhà có nuôi gia súc thì cũng mua tranh ứng với con vật đó để đốt nhằm phù hộ cho con vật khỏi bệnh tật.

Theo nhà nghiên cứu Huế - Nguyễn Hữu Thông, Phân viện trưởng Phân viện Nghiên cứu Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại Huế - tranh làng Sình chủ yếu là tranh tín ngưỡng. Đường nét và bố cục của tranh toát lên vẻ hồn nhiên, bình dị, lạc quan và những nét thuần hậu chất phát của người nông dân chân lấm tay bùn.

Tranh được làm theo kiểu tô tranh lên các khuôn đã định trước. Khi nhìn hình ảnh nghệ nhân làng Sình tô tranh, người ta dễ bị cuốn hút vì sự lặp đi lặp lại một số động tác nhanh đến mức tưởng như người nghệ nhân đang múa trên giấy.

Đôi tay nghệ nhân thuần thục như đang múa (ảnh: Lê Huy Hoàng Hải)
Đôi tay nghệ nhân thuần thục như đang múa (ảnh: Lê Huy Hoàng Hải)

Và những ngày cuối năm con rồng chuẩn bị bước qua năm con rắn, người dân làng Sình cũng đang hối hả trong việc làm nên những bức tranh sinh động để kịp phục vụ cho tết cổ truyền của dân tộc. Người lớn thì làm nhiều công đoạn chính như pha màu, chà tranh trên mộc bản, phết màu. Trẻ nhỏ thì phụ thêm như lấy tranh ra phơi nắng cho mau khô, đi mua vật liệu nếu thiếu, hay đơn giản là tò mò đứng xem các anh các chú làm tranh cúng

Nghệ nhân Kỳ Hữu Phước, người gắn bó lâu đời nhất với tranh làng Sình cho biết, xưa kia bức tranh làm ra đòi hỏi sử dụng nhiều kỹ thuật công phu. Như giấy dùng để in tranh phải là loại giấy dó hoặc giấy mộc quét điệp. Còn màu sắc được tạo nên từ nhiều chất liệu như sò điệp, các loại lá cây. Quy trình làm tranh trải qua rất nhiều công đoạn như : cào điệp, giã điệp, hồ điệp, pha giấy, phơi giấy, tạo màu, khắc ván, in tranh, tô màu...

Tuy nhiên, xã hội càng hiện đại, phát triển thì tranh Sình cũng dần mất đi kiểu làm công phu đó. Màu đã được thay thế nhiều bởi màu hóa chất ngoài nhưng phải giữ cho được độ tươi khi vẽ lên tranh. Giấy dó cũng không còn, chỉ có ai về đặt mới làm, còn lại là giấy trắng thường. Tuy vậy nhưng năm nào, nhà ông Phước cùng các bạn nghề vẫn tất bật làm không đủ bán vì số lượng người đặt mua nhiều.

Về thăm làng Sình một sáng cuối năm, những bức tranh cuối cùng đang được hoàn thành, chuẩn bị đưa ra chợ quê, lên phố để bán cho kịp ngày cúng Giao thừa. Những hồn xưa, nét cũ của một làng nghề xưa đọng mãi thật nhiều trong chúng tôi.

Khuôn con ảnh thế mạng
 
Khuôn con ảnh thế mạng

Khuôn con ảnh thế mạng
Tranh chúng làng Sình thể hiện sự mộc mạc, bình dị của người nông dân.

Tranh chúng làng Sình thể hiện sự mộc mạc, bình dị của người nông dân.

Tranh chúng làng Sình thể hiện sự mộc mạc, bình dị của người nông dân.
 
Tranh chúng làng Sình thể hiện sự mộc mạc, bình dị của người nông dân.
 
Tranh chúng làng Sình thể hiện sự mộc mạc, bình dị của người nông dân.
Tranh chúng làng Sình thể hiện sự mộc mạc, bình dị của người nông dân.

Đại Dương - Hoàng Hải