Độc đáo phong tục ở rể của đồng bào Mường ngay giữa thủ đô
Khi sáp nhập về Hà Nội, Yên Trung (huyện Thạch Thất) được xếp là xã nghèo nhất thành phố Hà Nội với giao thông khó khăn, thiếu điện, trường học tạm bợ... Sau hơn 6 năm được quan tâm đầu tư, diện mạo xã vùng cao nghèo này đã có nhiều khởi sắc. Bên cạnh sự tiếp nhận những nét văn hóa mới khi về với thủ đô, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường vẫn được gìn giữ.
Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa tại Yên Trung vẫn diễn ra tự phát.
Xã nghèo chuyển mình, nhưng chưa hết lo...
Tỉnh lộ 446 trải dài, rộng rãi, chạy dọc từ Vai Réo (huyện Quốc Oai, Hà Nội) qua Yên Trung nối với Bãi Nai (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế. Vẫn con đường 446 khúc khuỷu, nhưng hai bên đường đã có sự thay đổi kỳ lạ. Mới ngày nào sống trong ánh đèn dầu tù mù, xã Yên Trung hôm nay đã có ánh sáng của điện, đường sá, trường học khang trang... Đời sống của đồng bào dân tộc Mường đang có những bước chuyển mình, dù chưa hết khó khăn. Hai xóm hẻo lánh, lâu nay vẫn được gọi vui là vùng mù thông tin như thôn Hương, thôn Hội đã có điện, có nước giếng để dùng...
Tiếp chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Yên Trung Hoàng Phương phấn khởi cho biết, toàn xã có hơn 3.600 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm 82%. Từ tháng 8.2008, sau khi sát nhập về Hà Nội, Yên Trung đã nhận được sự quan tâm, đầu tư rất nhiều, đặc biệt là về điện, đường, trường, trạm và kênh mương, 60% đường giao thông trong xã đã được bêtông hóa, trạm y tế, trường học của xã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia… Từ sản xuất 1 vụ lúa, người dân đã mạnh dạn chuyển sang cấy 2 vụ, năng suất đạt 59,7 tạ/ha, tăng hơn 2 lần so với năm 2008. Đến nay, Yên Trung chỉ còn 50 hộ nghèo (chiếm 5%) và không còn hộ đói.
Trên những cung đường trải nhựa nhìn ra xa đến hút tầm mắt, những thửa ruộng đã được phủ bằng màu xanh của cây trồng vụ đông. Ngoài bước phát triển vượt bậc về kinh tế, đời sống văn hóa của đồng bào dân tộc Mường cũng được quan tâm giữ gìn và phát huy. Ông Phương cho biết thêm, nắm bắt được tâm tư của bà con nên năm 2009, huyện Thạch Thất đã đầu tư cho 3 xã vùng cao của huyện, trong đó có Yên Trung, mỗi xã 2 bộ cồng chiêng để đồng bào sử dụng vào dịp Tết và lễ hội.
Mừng với những đổi thay về diện mạo của nơi “địa đầu” thủ đô, nhưng nhiều người cũng không giấu nổi sự lo lắng trước việc, do cơ sở vật chất, hạ tầng tại địa phương được Nhà nước đầu tư trọn vẹn, người dân không phải bỏ tiền túi đóng góp nên nảy sinh tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, người dân chưa có ý thức tự lực vươn lên. Bởi thế, ngoài những gì được Nhà nước, thành phố đầu tư thì người dân vẫn còn thiếu thốn đủ thứ. Cả xã Yên Trung vẫn chưa thể có được một khu chợ đúng nghĩa. Tất cả đều tạm bợ, manh mún. Vẫn là mấy cây cột được dựng tạm, lề đường, con ngõ được tận dụng làm nơi trao đổi hàng hóa của người dân.
Đường vào thôn Hương còn bị chia cắt và chưa được đầu tư, xây dựng.
Tập tục cưới của đồng bào Mường ngay giữa thủ đô
Bên cạnh sự tiếp nhận những nét văn hóa mới khi về với thủ đô, bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mường vẫn được gìn giữ.
Một trong những nét văn hóa truyền thống đặc biệt của dân tộc Mường tại đây còn được lưu giữ là tục cưới xin của người Mường cổ với nhiều nghi lễ cầu kỳ: Trải qua nhiều lần cưới, chàng rể phải ở rể nhà vợ.... Theo Chủ tịch xã Hoàng Phương, do ảnh hưởng của văn hóa vùng xuôi, nhất là chủ trương tuyên truyền về việc xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh, giảm thủ tục cưới xin nên phong tục này đã không còn phổ biến như trước. Nhưng đối với đồng bào dân tộc Mường ở khu vực vùng xa, giáp ranh với huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) như thôn Hội, thôn Hương, phong tục cưới xin vẫn đậm chất truyền thống. Tìm gặp ông Hà Văn Buông - một cao niên trong thôn Hương, chúng tôi được ông kể về những câu chuyện thú vị của tập tục cưới đặc biệt này.
Theo ông Buông, trong lễ cưới của người Mường, không thể thiếu vai trò của bà mối. Bà mối, theo quan niệm là người se duyên, tức là phải mang lại may mắn, quyết định hạnh phúc của vợ chồng sau này. Do vậy, người mai mối được lựa chọn rất kĩ lưỡng. Vai trò của bà mối được người Mường tổng kết trong câu nói “Hèn yếu chớ đi đào dúi. Ngắn tiếng, ngắn miệng chớ đi làm mối”. Lúc bà mối mang đồ lễ đến nhà gái, gia đình nhà gái sẽ xem xét và hẹn bà mối trở lại khi có ý kiến quyết định. Nếu đồng ý, bà mối sẽ thông báo với nhà trai để sửa soạn lễ, khi đó mới là giai đoạn ăn hỏi. Điều đặc biệt, đồ lễ này phải là những vật nhà trai xin được của hàng xóm. “Người Mường vốn sống theo cộng đồng, do vậy, đồ lễ đi xin chính là thể hiện tình cảm giữa các thành viên với cộng đồng và để báo cáo cho cộng đồng được biết tin vui”, ông Buông cho biết.
Cũng theo ông Buông, khi Yên Trung còn là một xã thuộc tỉnh Hòa Bình, phong tục này diễn ra phổ biến hơn. Phong tục bắt nguồn từ truyền thống của người Mường Bi, vốn có gốc tại huyện Tân Lạc (Hòa Bình). Lễ cưới xin của dân tộc Mường Bi phải thực hiện đủ các nghi thức: Chọn mờ (chọn mối), kháo tiếng (dạm ngõ), ti nòm (ăn hỏi), ti cháu, ti du (nhận rể, đón dâu), ti mộng (lại mặt).
Nói về thời gian chàng rể phải ở nhà cô dâu, ông Buông cho biết, thông thường khoảng 3 năm. Trong thời gian ở rể, vào các ngày lễ tết, chàng rể vẫn phải thực hiện đầy đủ các nghi lễ với bố vợ cũng như tham gia vào đầy đủ công việc nặng nhọc trong nhà để có thể vượt qua thử thách. “Đến giờ, chưa có chàng rể nào không vược qua được, vì nhà dâu cũng rất thương và rất tạo điều kiện”, ông Buông cho biết thêm.
Sau khi vượt qua thử thách 3 năm, lễ cưới chính thức mới được bắt đầu. Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến nhà anh Hà Văn Bắc, ở thôn Hương. Quê gốc ở Kỳ Sơn (Hòa Bình), anh Bắc đã thầm thương, trộm nhớ chị Hoàng Thị Hà từ lâu. Theo phong tục của người Mường, anh trải qua 3 năm ở rể nhà chị Hà và nay đã được gia đình nhà vợ tạo điều kiện cho sinh sống và sản xuất tại Yên Trung. Khi hỏi rằng, liệu những thủ tục cưới xin có phức tạp quá không, anh Bắc lắc đầu. “Đây là truyền thống của người Mông từ nhiều đời nay, chúng tôi đã coi đó là nét đẹp văn hóa, không có gì phức tạp, khó chịu. Chúng tôi sẽ tiếp tục gìn giữ nét văn hóa này”, anh Bắc cho biết.
Tuy nhiên, theo anh Bắc, những điều khoản nặng nề về lễ vật đã được giảm bớt cho nhẹ nhàng, còn lại, mọi thủ tục không thay đổi nhiều so với người Mường Bi ở Tân Lạc. “Địa phương cũng rất chú trọng và ủng hộ người dân giữ gìn những phong tục truyền thống. Những gì rườm rà, chúng tôi chỉ góp ý bà con sửa cho phù hợp chứ không cấm cản”, vị chủ tịch xã cho biết.
Theo Bình Minh - Vũ Loan
Lao động