Độc đáo cách dựng nhà sàn cổ của người Mường
(Dân trí) - Về Hòa Bình, nhiều du khách ngỡ ngàng khi bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà sàn cổ và độc đáo. Qua bao thế hệ, người dân tộc Mường vẫn giữ nguyên nét bình dị trong văn hóa xây cất nhà sàn cổ. Trong đó chứa đựng những bí ẩn vô cùng độc đáo.
Câu chuyện này được coi như một điển tích về sự ra đời nhà sàn của người Mường. Nó gắn liền với những phong tục tập quán, sinh hoạt thường ngày của người dân bản. Và cho tới ngày nay, những nếp nhà sàn đó vẫn còn vẹn nguyên với người dân nơi đây. Hình ảnh con rùa cho đến nay không chỉ là con vật linh thiêng được người Mường tôn thờ mà còn sáng tạo ra một cách tính ngày tốt, giờ tốt gọi là phương pháp “trừ đá Rò” (Rò ở đây được hiểu là Rùa). Phương pháp này dùng để tiến hành dựng nhà hay cưới hỏi và làm những việc quan trọng khác của làng và dân bản.
Nhà sàn của người Mường thường phân ra ba mặt bằng: Mặt trên cùng là gác để đựng lương thực, đồ dùng gia đình; sàn nhà là nơi sinh hoạt nghỉ ngơi; còn gầm sàn nhà dùng để các dụng cụ sản xuất, nhốt gia súc, gia cầm. Mỗi nhà có thể bày biện, trang trí khác nhau nhưng cấu trúc cơ bản về gian, buồng giống nhau.
Nhà sàn cổ truyền của người Mường thường cấu trúc một gian hai chái, hai gian hai chái, ba gian hai chái... (tương đương ba gian, năm gian, bảy gian...). Các cửa số, kể cả cửa voóng toong (cửa sổ chính) chỉ làm ở phía trước của ngôi nhà. Giữa các gian thường không có cửa một cách chắc chắn, chỉ có sự phân biệt có tính chất tượng trưng. Riêng buồng con dâu, con gái lớn, mặc dù không có cửa nhưng những quy ước bất thành văn rất chặt chẽ, được tuân thủ nghiêm ngặt rằng, ai khi nào được vào và ai khi nào không được vào.
Trước đây nhà sàn cổ sử dụng đinh gỗ, đinh tre, chêm gỗ để cố định mộng chính và dùng các loại dây leo bện để níu những mộc phụ theo hình chữ X. Hiện nay bà con nơi đây đã biết sử dụng đinh sắt để thay cho dây lạt, dây rừng có tuổi thọ không cao. Mái nhà sàn truyền thống thường được lợp bằng cỏ gianh, lá cọ nên nhà người Mường ấm áp về mùa đông, mát mẻ về mùa hè.
“Màn” hay còn gọi là cầu thang thường được làm bằng gỗ hoặc nguyên thân cây gỗ tròn và tạo bậc trên chính những thân cây đó hay cũng có thể được đẽo thành hình chữ nhật. Cầu thang không dựng thẳng vào cửa chính mà dựng vào mép một cái sảnh gỗ và đặt vuông góc với chiều đòn nóc của nhà.
Theo phong tục của người Mường khi làm cầu thang thì bậc thang nhất thiết phải là số lẻ và được dựng ở các thế đất khác nhau. Theo quan niệm của người Mường, số lẻ của bậc thang thể hiện ước nguyện quy luật vào - ra - vào thì của cải sẽ không đi ra ngoài, gia đình luôn được êm ấm, đoàn tụ, con cháu thành đạt. Số lượng bậc có thể là 3, 5, 7, 9… nhưng tuyệt đối không được là số chẵn.
Điều thú vị nhất trong tổng thể cách xây dựng nhà sàn của người Mường, thì đó là những kết cấu hoàn chỉnh không chỉ tạo dựng nên một ngôi nhà sàn đặc trưng từ cổ kim đến giờ vẫn nguyên vẹn. Lý thú hơn cả, là ở mỗi bộ phận cấu thành nên nhà sàn nó lại mang một ý nghĩa tâm linh sâu sắc gắn kết chặt chẽ với con người hàng nghìn năm không thay đổi.
Cao Châu - Duy Tuyên