Độc đáo các sản phẩm làng nghề Việt
(Dân trí) - Những làng nghề truyền thống có tuổi đời hàng trăm năm đã mai một dần, nay chỉ còn là một nhóm sản xuất … Thế nhưng, những sản phẩm được làm ra bởi đôi tay tài hoa của các nghệ nhân vẫn luôn chiếm lĩnh một vị trí đặc biệt đối với người dùng.
Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ X – CraftViệt 2014 đang diễn ra tại số 489 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội thu hút sự tham gia của trên 200 đơn vị, doanh nghiệp với hơn 300 gian hàng đăng ký tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm.
Tượng gốm và tranh gốm được làm từ bàn tay tài hoa của các nghệ nhân
Tranh ghép gỗ
Các sản phầm của làng nghề tham gia triển lãm rất phong phú, đa dạng và được chia thành các khu như: Khu mỹ nghệ kim hoàn: vàng, bạc, đồng, khảm tam khí; khu gốm sứ, pha lê thủy tinh; khu điêu khắc trạm khảm từ đá, gỗ, sừng; khu hàng mây song, tre nứa, dệt thổ cẩm, lụa và các chất liệu khác; khu hoa khô, hoa lụa, hoa đất, hoa gỗ, khảm trai, sơn son thiếp vàng, đá phong thủy, gốm sứ, sừng thủ công mỹ nghệ, khảm trai, mây tre đan, dệt lụa, tranh Đông Hồ, tranh thêu,…
Trong khuôn khổ Hội chợ các nghệ nhân thuộc một số nghề như: Dệt lụa, chạm bạc, mây tre đan, làm tranh Đông Hồ, nặn tò he, khảm trai... tổ chức biểu diễn giúp khách tham quan tìm hiểu về quy trình làm nghề truyền thống.
Sản phẩm trạm khắc từ đồng vàng
Làng nghề truyền thống tò he Xuân La xác lập Kỷ lục Việt Nam
Làng nón lá Mỹ Trạch (Quảng Bình) có tuổi đời hàng trăm năm
Phát biểu tại lễ khai mạc diễn ra tối 11/9, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hoàng Văn Thắng cho biết: “Hiện nay nước ta có trên 3.355 làng nghề, trong đó 1.318 làng nghề được công nhận. Sản phẩm làng nghề Việt Nam ngày càng tinh xảo, với nhiều chủng loại sản phẩm, mẫu mã đẹp, đa dạng phong phú, đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới”.
Tuy nhiên, làng nghề thủ công mỹ nghệ còn gặp nhiều khó khăn thách thức do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và xu hướng thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng. Các làng nghề thiếu thốn về vốn và mặt bằng sản xuất, nạn ô nhiễm môi trường từ các làng nghề ngày càng trầm trọng, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh múm, chậm đổi mới về kiểu dáng, mẫu mã, sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước còn yếu, thị trường tiêu thụ có nguy cơ bị thu hẹp, thiếu bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng không nhỏ đến việc làm, thu nhập và đời sống của nghệ nhân, thợ thụ công và doanh nghiệp.
Gỗ mỹ nghệ và gỗ khảm trai
Gốm sứ Bát Tràng
Máy dệt chiếu cói
Bút tre được làm từ những cành tre nhỏ, sản phẩm được bán phổ biến tại các khu du lịch trên cả nước
Hội chợ được kỳ vọng là cầu nối giữa sản xuất và tiêu thụ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và người sản xuất ký kết nối thông tin về các sản phẩm làng nghề. Đồng thời, đây còn là dịp để tôn vinh các nghệ nhân, thợ thủ công và các làng nghề truyền thống, khuyến khích khả năng sáng tạo của các nghệ nhân, thợ thủ công, giới thiệu hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Thảo Nguyên