1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Cải tạo kênh rạch ô nhiễm ở TPHCM

“Độc chiêu” tiết kiệm

(Dân trí) - Mới tờ mờ sáng nhưng cả nhà bà Hường ở xã Yên Thịnh (Yên Định, Thanh Hóa) đã đi ra đi vào, nhỏ to bàn chuyện... mổ lợn. Con lợn nhà bà lờ đờ từ mấy hôm nay, bà tỉ tê mời được vài người hàng xóm cùng “đụng”, giá ngả lợn là 20.000đ/cân hơi.

Ăn cả thịt... lợn tai xanh!

Ở làng bà Hường, ngày thường người dân không bao giờ mổ lợn, mà phải chờ dịp giỗ Tết, cưới xin... Nhưng, từ khi dịch lợn tai xanh tràn về thì bà con mới có dịp được thoải mái ăn... thịt lợn!

Lợn nhà nào mắc bệnh tai xanh được chính quyền xã mua lại với giá 20.000đ/cân, lợn gần bị tai xanh thì được bà con chung nhau “đụng” cũng với giá này. Nhưng, nếu con lợn vẫn còn “cứu vãn” được thì không mấy người đành lòng bán để đem chôn, nhất là khi quanh năm họ chỉ ăn rau dưa, mấy khi bữa cơm có được miếng thịt lợn!

“Tai xanh hay không, cứ cho mắm muối, hành khô vào ướp nấu lên vẫn thơm phức, cả nhà no nê mà cũng chẳng bị sao! Bán đi cũng chỉ 20.000đ/cân. Để thì cũng chết, không tranh thủ lúc này ăn thì biết đến lúc nào mới được ăn!”, bà Hường tâm sự.
 
“Độc chiêu” tiết kiệm - 1
Lợn tai xanh "lấm lét" chờ bị làm thịt. (Ảnh: LC)

Quả thật, đến nay cũng chưa có tổ chức y tế nào đứng ra khẳng định rằng thịt lợn tai xanh có thể gây nguy hại cho người. Thậm chí, như nhận xét của ông Trần Đáng, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), nếu ăn thịt lợn bị bệnh tai xanh nấu chín kỹ thì không sao!

Trong khi giá cả tăng cao như hiện nay, việc tiêu hủy tràn lan lợn là... quá lãng phí! Như nhận xét của ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thì mặc dù công văn hướng dẫn tiêu hủy lợn bệnh của Cục có ghi rõ: chỉ tiêu hủy triệt để đối với ổ dịch ban đầu mới phát sinh, chứ không phải tất cả. Nhưng, trên thực tế, cũng có tình trạng các địa phương đang lạm dụng việc tiêu huỷ lợn bệnh, gây thiệt hại cho người dân, khi lợn chỉ cần ốm chết, chưa có kết luận bệnh gì cũng tiến hành tiêu hủy.

Chính vì thế, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình từng có đề xuất thay vì tiêu hủy rất lãng phí, tại sao không bắc lò rán mỡ hoặc luộc chín lợn cho người dân ăn? Cục Thú y cũng tính đến khả năng chế biến lợn dịch thành thức ăn chăn nuôi để tránh lãng phí, nhưng chưa có một nhà máy nào chịu tiếp nhận lợn bệnh để xử lý.

Tuy nhiên, theo nhận xét của một số nhà khoa học thì lợn bị dịch tai xanh cũng có thể gây nguy hiểm cho người trong trường hợp con lợn đó có vi khuẩn liên cầu, vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào cơ thể người nếu có sự tiếp xúc với lợn bệnh, ăn thịt lợn bệnh chưa nấu chín. Kết thúc mùa dịch tai xanh năm 2007 xảy ra ở miền Trung, đã có gần 30 người chết vì nhiễm phải vi khuẩn này. Nhưng, vi khuẩn liên cầu sẽ bị vô hiệu hóa ở ở nhiệt độ trên 100oC (tức là phải đun ít nhất 30 phút) và người làm thịt lợn có đeo găng tay...

Vậy, thay vì để người dân “tự phát” ăn thịt lợn tai xanh như hiện nay, các cấp chính quyền địa phương nên chăng đừng “nhắm mắt” tiêu hủy hàng loạt mà cùng hỗ trợ họ để làm sao ăn thịt tai xanh mà vẫn an toàn, không phải... dấm dúi? Như thế vừa tiết kiệm được tiền của Nhà nước trong việc đền bù, vừa đỡ xót ruột cho bà con trong tình trạng giá thực phẩm leo thang như hiện nay.

Dai dẳng câu chuyện quần soóc!

“Mỗi bữa ăn của Bác chỉ 2-3 món, sau bữa ăn không có món nào thừa. Đặc biệt, đối với nước mắm cũng vậy, không bao giờ còn thừa sau bữa cơm. Bởi vì ăn tới đâu Bác lấy nước mắm tới đó, lấy từ chén lớn sang qua chén nhỏ. Không chỉ thế, bánh xà phòng tắm, Bác cũng không để nó bị ngấm nước. Lúc đầu các anh em phục vụ để xà phòng vào hộp, nhưng hộp không có lỗ thoát phía dưới nên bị đọng nước, làm xà phòng bị mềm, không sử dụng được lâu. Bác không nói gì chỉ lấy 3 viên sỏi bỏ vào hộp kê bánh xà phòng cho khỏi ướt.

 

Ngẫm những chuyện nhỏ ngày xưa của Bác nhưng bây giờ thấy ý nghĩa của nó không hề nhỏ. Bác thực hiện tiết kiệm từ những việc mà ít ai nghĩ tới. Tôi cho rằng, kinh tế đất nước mình dù phát triển nhanh như thế nào đi nữa nhưng không biết tiết kiệm, cố tình gây thất thoát lãng phí thì những con số tăng trưởng sẽ kém phần ý nghĩa”.

 

Đại tá Lê Hãn (con trai trưởng của cố Tổng Bí thư Lê Duẩn) kể chuyện tiết kiệm của Bác Hồ.

Là một trong những người “yêu” lợn - có thể coi là người “yêu” lợn nhất ở Việt Nam hiện nay bởi sử gia Dương Trung Quốc đang sở hữu một bộ sưu tập về lợn lớn nhất Việt Nam. Bộ sưu tập của ông có tới 2.500 con lợn, làm bằng các chất liệu khác nhau từ tranh đá quý sứ, gốm, vải, gỗ… của hơn 100 quốc gia trên thế giới.

Chứng kiến cảnh “điêu tàn” của đàn lợn Việt Nam, sử gia Quốc chỉ biết thở dài. Ông sống ở thành phố nên không thể tiết kiệm được theo cách của người nông thôn là ăn thịt lợn tai xanh, nhưng không phải là ông không tha thiết tìm cách để tiết kiệm.

Gần 3 năm nay, hè cũng như đông, sử gia Dương Trung Quốc luôn tìm mọi cách để đòi công bằng cho chiếc quần soóc, nhất là trong lúc Thủ tướng kêu gọi “triệt để tiết kiệm trong sản xuất và tiêu dùng”.

Ông bảo: “Ở nước ta, vào những năm đầu cách mạng, Bác Hồ đã nêu một tấm gương sáng về tiết kiệm khi về mùa hè chỉ mặc quần soóc. Năm 1946, trang phục của Hải quan Việt Nam được vẽ là quần soóc, đã có những tấm ảnh các chiến sĩ cảnh vệ mặc quần soóc. Đó là những hình ảnh tiêu biểu về tiết kiệm trong mỗi hoàn cảnh”.

Quần soóc là một câu chuyện dài kỳ của Nhà sử học Dương Trung Quốc, được ông nêu ra vào mùa hè năm 2005, khi ông chứng kiến Thủ tướng Nhật Bản Kuzomi khuyến nghị các công chức hạn chế việc đeo cà vạt để có cảm giác thoáng mát, nhằm giảm bớt nhu cầu phải sử dụng máy lạnh tại công sở, góp phần giảm thiểu tiêu thụ năng lượng, tiết kiệm ngân sách.

Nhưng đã 3 năm nay, ông vẫn phải chứng kiến cảnh “quan chức ở các đô thị lớn thì cứ từ ô tô máy lạnh bước ra là chui vào những toà nhà được ướp lạnh sẵn nên bộ complê đóng hộp vẫn thấy thoải mái. Nhưng khi phải rời khỏi những không gian ướp lạnh ấy để đến với cuộc sống lao động và dân dã thì thật là nhễ nhại...”.

Rõ ràng, tiết kiệm - chuyện tưởng như đơn giản vậy mà thực thi được đúng nghĩa cũng chẳng thể dễ dàng. Bên cạnh việc Chính phủ đã “ra tay” thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, cắt giảm đầu tư công và chi phí thường xuyên của các cơ quan sử dụng ngân sách, kiểm soát chặt chẽ đầu tư của các doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm cân đối cung cầu về hàng hoá... nên chăng Chính phủ cũng phải “ra tay” thực hiện tiết kiệm.

Nếu cứ để tiết kiệm chỉ là là phong trào tự phát, tự giác thì muốn triệt để là điều khó lắm thay!

Lê Châu