1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Doanh nghiệp XKLĐ “thao túng” phí, thua thiệt đổ lên đầu lao động

(Dân trí) - Để được đi xuất khẩu lao động Đài Loan, không ít lao động phải oằn lưng gánh khoản phí lên đến 7.000 USD. Muốn gỡ vốn, nhiều lao động tìm cách bỏ trốn khi hết hợp đồng, làm việc bất hợp pháp.

PV Dân trí đã có buổi trao đổi  với ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động Ngoài nước (QLLĐNN), Bộ LĐ-TB&XH về thực trạng trên.

Lại thêm thông tin đáng lo ngại: Sau thị trường Hàn Quốc, hiện Đài Loan- thị trường trọng điểm của ngành xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Việt Nam- cũng đang đối mặt với những nguy cơ bị hạn chế tiếp nhận lao động. Một trong nhưng nguyên nhân được xác định là do người lao động đi làm việc tại Đài Loan phải chịu mức chi phí quá cao, khiến nhiều người phải bỏ trốn, kéo dài thời gian làm việc để hoàn vốn. Cơ quan chức năng có điều tra xem khoản phí chênh lệch này chảy vào túi ai không, thưa ông?

Theo số liệu điều tra năm 2010 và năm 2011, mức phí của người lao động Việt Nam trung bình khoảng 5.600-6.000 USD, có một số lao động bị thu đến khoảng 6.500 - 7.000 USD/người; cao hơn quy định khoảng 1.800-2.500 USD, đấy chính là phần tiền môi giới bị tăng cao.

Những nguyên nhân được xác định là: Có quá nhiều đầu mối tuyển chọn đưa lao động đi làm việc ở Đài Loan. Theo báo cáo, hiện nay có tổng cộng 67 doanh nghiệp được Đài Loan cấp phép hoạt động đưa lao động sang làm việc. Tuy nhiên con số thực lên tới khoảng trên 300 đầu mối.

Bên cạnh đó, nhiều DN Việt Nam không còn giấy phép nhưng vẫn móc nối  với các DN khác mượn tư cách pháp nhân, hoặc ngược lại cho các tổ chức, cá nhân Đài Loan mượn tư cách pháp nhân tuyển người. Qua kiểm tra nhiều lao động Việt Nam tại Đài Loan chỉ biết tên công ty Đài Loan đưa đi.

Về phía tiếp nhận cũng còn tồn tại tình trạng một số chủ sử dụng lao động Đài Loan không đủ điều kiện tiếp nhận lao động nước ngoài theo quy định nên vẫn tuyển dụng lao động bất hợp pháp và các cơ quan chức năng chưa tiến hành các biện pháp kiên quyết xử lý các doanh nghiệp này.

Cùng đó, tình trạng các doanh nghiệp dịch vụ việc làm của Đài Loan tùy tiện nâng mức phí môi giới đối với doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi năng lực đàm phán của doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam kém nên khoản phí môi giới bị đội lên.

Doanh nghiệp XKLĐ “thao túng” phí, thua thiệt đổ lên đầu lao động
Lao động muốn thoát nghèo lại phải oằn vai gánh khoản phí môi giới đội cao. (Ảnh minh họa)

Như ông nói thì vấn đề phí mối giới bị thao túng có sự tham gia trực tiếp của các công ty môi giới Đài Loan. Được biết, về phía các DN trong nước cũng đang diễn ra tình trạng tranh không lành mạnh, kiểu “cướp” đơn hàng bằng việc trả phí cho phía Đài Loan cao hơn. Ông nghĩ sao về thực trạng này?

 
Có thực trạng này. Hiện, do nhiều doanh nghiệp Việt Nam khoán gọn cho các chi nhánh, trong đó có cả một số công ty Đài Loan tự đưa lao động sang Đài Loan đã dẫn đến việc các DN này không kiểm soát được chi phí của người lao động. Đây là vấn đề nổi cộm trong cách thức tổ chức hoạt động của các doanh nghiệp XKLĐ của ta. Từ đó dẫn đến tình trạng các doanh nghiệp dịch vụ việc làm của Đài Loan tùy tiện nâng mức phí môi giới đối với các doanh nghiệp Việt nam. Trong khi năng lực đàm phán của các doanh nghiệp XKLĐ Việt Nam kém nên khoản phí môi giới bị đội lên.
 
Cũng không thể chối cãi sự thật chất lượng lao động và ý thức chấp hành kỷ luật của lao động ta còn kém, dẫn tới yếu thế so với lao động các nước khác.

Như vậy mọi thua thiệt đều đổ lên đầu người lao động. Theo ông có cần ngay biện pháp “nóng” từ cơ quan quản lý để kiểm soát khoản thu phí môi giới?

Trước tình hình này, Bộ LĐ-TB&XH đã ban hành công văn yêu cầu các doanh nghiệp chấn chỉnh công tác đưa người lao động đi làm việc ở thị trường trọng điểm này. Cụ thể, từ ngày 1/4/2012, nếu phát hiện DN thu phí cao hơn mức quy định, Cục sẽ xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính. Nếu tiếp tục vi phạm, Cục sẽ phối hợp với phía Đài Loan thu hồi giấy phép của doanh nghiệp và xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo đó, mức phí đối với người lao động đi làm việc tại Đài Loan tối đa là 4.500 USD/người/hợp đồng 3 năm trong các ngành công nghiệp, trong đó phí môi giới không quá 1.500 USD; không quá 3.800 USD/người/hợp đồng 3 năm khi đi làm việc trong gia đình và chăm sóc sức khoẻ, trong đó phí môi giới tối đa không quá 800 USD.

DN cũng có thể thoả thuận với người lao động việc ký quỹ đảm bảo thực hiện hợp đồng nhưng mức tiền ký quỹ tối đa không quá 1.000 USD/người/hợp đồng 3 năm.

Vấn đề kiểm soát số lượng DN đưa lao động sang Đài Loan cũng sẽ được siết chặt; nghiêm cấm tổ chức, cá nhân nước ngoài tự tổ chức tuyển chọn, thu tiền đưa lao động đi làm việc tại Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào. Cục cũng yêu cầu DN Việt Nam thông báo lại những trường hợp đối tác nước ngoài  đòi thu các khoản chi phí cao hơn quy định. Cục sẽ phối hợp với phía Đài Loan xử lý.

Theo ông có cách nào để ngăn chặn tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tại Đài Loan, nhằm giữ được thị trường truyền thống này?

Tính đến hết ngày 31/12/2011, Việt Nam có trên 49.000 lao động bỏ trốn, chiếm gần 41% số lao động nước ngoài bỏ trốn tại Đài Loan. Hiện tượng bỏ trốn tập trung vào những lao động sắp hết hạn hợp đồng. Để ngăn chặn tình trạng này, Cục đang phối hợp với đối tác và chủ sử dụng lao động Đài Loan quản lý, theo dõi tình hình lao động đang làm việc, đặc biệt là số lao động sắp hết hạn hợp đồng; vận động người lao động đang cư trú bất hợp pháp tự nguyện về nước. Trường hợp cần thiết, DN phải tạm ứng tiền mua vé máy bay cho người lao động. Hơn nữa, những DN có tỷ lệ lao động bỏ hợp đồng cao sẽ phải tạm dừng đưa lao động mới sang Đài Loan để thực hiện các biện pháp giảm tỷ lệ bỏ hợp đồng xuống thấp hơn mức bình quân chung của lao động Việt Nam tại thời điểm đó.

Công tác đẩy mạnh tuyên truyền tại địa phương và phối hợp với cơ quan công an rà soát các đầu mối của DN tại các địa phương cũng đang được tiến hành.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

 Thanh Trầm

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm