TPHCM:
Doanh nghiệp tư nhân đầu tư gần 10.000 tỷ đồng chống ngập
(Dân trí) - Dự án bao gồm các hạng mục: xây 6 cống kiểm soát triều cường, 7 km đê ven sông Sài Gòn, 68 cống nhỏ dưới đê. Dự án này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt thiệt hại do ngập lụt, triều cường gây ra cho khoảng 6,5 triệu dân thành phố.
UBND TPHCM vừa kiến nghị thường trực HĐND TP chấp thuận cho một công ty tư nhân đầu tư 9.850 tỷ đồng triển khai dự án chống ngập do triều cường trên diện tích 570 km2 với 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và ở trung tâm thành phố.
Theo UBND TP, dự án chống ngập thực hiện theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và thành phố sẽ thanh toán lại cho nhà đầu tư bằng quỹ đất và ngân sách. Theo dự kiến, trong thời gian 8 năm, thành phố sẽ thanh toán lại cho nhà đầu tư bằng quỹ đất chiếm 15% giá trị dự án và phần thanh toán bằng tiền chiếm 85%. Thời gian triển khai dự án dự kiến từ năm 2015 đến 2018. Việc giải phóng mặt bằng cho dự án sẽ thực hiện từ nay đến quý 4/2016 theo hình thức cuốn chiếu với chi phí khoảng 1.790 tỷ đồng (nhà đầu tư ứng trước toàn bộ kinh phí thực hiện).
UBND TP cho biết, dự án chống ngập của công ty thực hiện bao gồm một số hạng mục: xây 6 cống kiểm soát triều (Bến Nghé, Tân Thuận, Phú Xuân, Mương Chuối, Cây Khô, Phú Định); xây dựng gần 7 km đê ven sông và 68 cống nhỏ dưới đê. Các công trình này nằm rải rác trên địa bàn các quận: 1, 4, 7, 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh.
Dự án sau khi hoàn thành đưa vào sử dụng sẽ giúp giảm các thiệt hại trực tiếp và gián tiếp có thể xảy ra do ngập lụt, triều cường trong khu vực 570 km2 (với 6,5 triệu dân sinh sống) ở bờ hữu sông Sài Gòn và khu vực trung tâm thành phố.
Theo UBND TP, tốc độ đô thị hóa ở TPHCM diễn ra nhanh (sau 40 năm giải phóng, dân số thành phố đã tăng hơn 10 triệu người, gấp 5 lần so với trước đây) dẫn đến sự quá tải về cơ sở hạ tầng, trong đó có hệ thống thoát nước. Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên không thuận lợi (địa hình trũng thấp, giáp các cửa sông lớn, nền đất yếu,…), diễn biến thời tiết ngày càng bất lợi dẫn đến tình trạng ngập úng ngày càng trở nên nghiêm trọng. Điều này làm ảnh đến sức khỏe, đời sống, sản xuất của người dân.
Trước đó, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về thực hiện các quy hoạch thoát nước và chống ngập úng TPHCM, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho UBND TPHCM áp dụng cơ chế đặc biệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập úng. Theo đó, TPHCM được áp dụng hình thức BT, thanh toán bằng quỹ đất; trường hợp giá trị quỹ đất thanh toán nhỏ hơn giá trị dự án BT, UBND TP được thanh toán bằng ngân sách thành phố đối với phần chênh lệch; được áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án…
Quốc Anh