1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Doanh nghiệp theo công nhân về tỉnh

Khan hiếm lao động đang là “căn bệnh” khiến nhiều doanh nghiệp đau đầu, nhất là những doanh nghiệp thâm dụng lao động. Đón trước những khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp giày da, dệt may đã chọn giải pháp theo công nhân về tỉnh.

Doanh nghiệp theo công nhân về tỉnh - 1

Lao động nông thôn miền Tây tìm được việc làm tại công ty TNHH Khang Thịnh.

 

Ông Hoàng Huy Thông, tổng giám đốc công ty cổ phần sản xuất giày Khải Hoàn cho biết, nhờ đón trước tình hình khan hiếm lao động sẽ còn kéo dài, ban lãnh đạo công ty quyết định chọn giải pháp đầu tư về các tỉnh vùng sâu vùng xa với hy vọng nguồn lao động ổn định hơn.

 

Mở lối về… quê

 

Từ ý tưởng đó, đại diện công ty cổ phần sản xuất giày Khải Hoàn đã đi hầu hết các các tỉnh miền Tây và quyết định chọn Trà Vinh làm nơi đầu tư. Năm 2006, một xưởng sản xuất của công ty Khải Hoàn đã được mở tại khu công nghiệp Long Đức, Trà Vinh với trên 1.000 công nhân.

 

Câu chuyện của công ty cổ phần Việt Hưng cũng tương tự như vậy. Nhân cơ hội có một người ở TPHCM xuống mở một xưởng may ở thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long nhưng không thành công nên công ty đã quyết định mua lại để mở xưởng sản xuất vào cuối năm 2007, đầu năm 2008. Ông Bùi Văn Tho, trưởng phòng lao động tiền công, tiền lương của công ty cổ phần Việt Hưng cho biết: Trong tương lai, cơ sở ở TPHCM sẽ chỉ để làm văn phòng và là nơi thiết kế mẫu mã thôi, còn mọi hoạt động sản xuất sẽ đưa về nhà máy dưới Vĩnh Long. Công ty sẽ đầu tư và phát triển quy mô nhà xưởng từ 500 công nhân lên đến 1.800 công nhân trong giai đoạn sắp tới.

 

Nhiều doanh nghiệp giày da và dệt may khác cũng đã và đang tìm hướng đầu tư về các tỉnh như công ty May Nhà Bè - TPHCM cũng có bốn xí nghiệp trực thuộc đặt tại tỉnh Bình Định và một nhà máy khác tại Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận…

 

Từ ruộng đồng vào nhà máy

 

Theo ông Tho, cái thuận lợi lớn nhất của các công ty khi đầu tư về tỉnh là được chính quyền địa phương ủng hộ nhiệt tình, như trao quyền sử dụng đất, miễn giảm thuế và giúp tuyển lao động…

 

Tuy nhiên, cũng theo ông Tho, ngoài những thuận lợi trên thì doanh nghiệp phải đối mặt với không ít khó khăn. Việc tuyển lao động ở những vùng nông thôn dễ nhưng giữ họ lại là vấn đề khó. Do đặc thù của lao động ở các tỉnh miền Tây chủ yếu là nông dân có đất, có vườn, họ không sợ đói nên luôn mang tâm lý thích thì làm, không thích thì thôi. Ý thức kỷ luật của họ còn rất kém nên để cho họ quen tác phong công nghiệp thì đòi hỏi phải có nhiều thời gian.

 

Theo công nhân về nông thôn, nhiều chủ doanh nghiệp cho biết có nhiều tình huống dở khóc dở cười như công nhân vào nhà máy làm việc chủ yếu ở cùng xóm, ấp nên khi có đám cưới hay đám giỗ là họ xin nghỉ hàng loạt. Không cho nghỉ họ cũng nghỉ rồi năn nỉ xin làm lại. Ngoài ra, trình độ lao động ở các vùng nông thôn rất thấp có khi chỉ mới tốt nghiệp tiểu học, hoặc những lao động không đáp ứng được yêu cầu trên thành phố...

 

Nhiều doanh nghiệp cho biết, có thể chi phí trả lương cho lao động ở vùng nông thôn thấp hơn ở thành phố một chút (80 - 90%) nhưng họ lại phải bù vào nhiều khoản chi phí khác, nhất là chi phí vận chuyển. Họ phải chi trả phí vận chuyển về đêm nên rất tốn kém, đấy là chưa kể do giao thông đình trệ mà nhiều khi lô hàng bị chậm trễ.

 

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch hội Dệt may thêu đan TPHCM, việc các doanh nghiệp thâm dụng lao động chuyển dần về nông thôn là xu hướng chung của xã hội. Doanh nghiệp nào đi trước sẽ tận dụng được nhiều lợi thế, còn doanh nghiệp nào chần chừ sẽ rơi vào tình cảnh “trâu chậm uống nước đục”.

 

Về vấn đề quản lý, theo ông Kiệt, có thể kết hợp hai giải pháp đưa lao động trên này xuống đồng thời đưa người ở dưới đó lên nhà máy trên này để đào tạo và cam kết với họ sau khi đào tạo sẽ trở lại nhà máy dưới đó làm việc. Các địa phương cũng phải có biện pháp đào tạo lao động tại chỗ để nâng cao trình độ cho họ, đáp ứng yêu cầu khi doanh nghiệp đầu tư về tỉnh. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng phải có những giải pháp hỗ trợ, đặc biệt là hỗ trợ về giao thông, tạo điều kiện thu hút được doanh nghiệp đầu tư về nông thôn.

 

Theo Hà Dịu

Sài Gòn tiếp thị