Doanh nghiệp nào “bôi trơn”, đút lót tốt sẽ... ăn nên làm ra (!)
(Dân trí) - Trong môi trường tham nhũng hiện nay, muốn kiếm 1 đồng lợi nhuận, doanh nghiệp phải chi thậm chí tới hơn 1 đồng cho tiền “bôi trơn”, đút lót. Nguy hiểm hơn, các doanh nghiệp hối lộ, đút lót rất thản nhiên; “đút” tốt, “đút” thành công thì phất lên.
Góp ý về báo cáo đề dẫn của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân đang diễn ra tại Nghệ An, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão băn khoăn khi không nghe được nội dung về tình hình tham nhũng trong hệ thống kinh tế trong khi đây là vấn đề rất lớn. Ông Mão nghi vấn, có chủ trương chống tham nhũng mà nội dung này vẫn bị coi nhẹ?
“Mảng màu thể hiện quyết tâm chống tham nhũng vẫn chưa rõ ràng trong bức tranh chung của nền kinh tế 2015. Như vậy thì lòng dân chưa yên. Cần tiếp tục coi đây là nhiệm vụ trọng tâm phải theo dõi, giám sát” – ông Mão nhận xét.
Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội gợi ý, nhiệm vụ này thậm chí phải luật hoá trong quy định về cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để đạt mục tiêu hoàn thành cổ phần 432 doanh nghiệp trong năm 2015. Phải có bàn tay của Quốc hội với quy chế cụ thể xác định doanh nghiệp có quy mô, số kinh phí, mức sử dụng tài chính đến đâu thì cần phải xin ý kiến Quốc hội về phương án cổ phần hoá.
Ông Mão phân tích: “Dự án đầu tư đến 10.000 tỷ đồng đã được xếp là công trình trọng điểm quốc gia, do Quốc hội quyết định chủ trương. Vậy mà có những DNNN giá trị còn lớn hơn nhiều mà lại có thể bán – mua rộng cửa. Cần định mức giá trị doanh nghiệp từ 1,5 tỷ USD trở lên phải xin ý kiến Quốc hội, nếu không thất thoát, tiêu cực rất lớn ngay trong quá trình cổ phần hoá”.
Tán thành nhận xét này, TS. Lê Đăng Doanh chỉ rõ, nhiều nghiên cứu cho thấy tham nhũng đẩy chi phí của DN lên rất cao. Theo tính toán, trong môi trường tham nhũng hiện nay, muốn kiếm 1 đồng lợi nhuận, DN phải chi từ 0,72, thậm chí tới hơn 1 đồng cho tiền “bôi trơn”, đút lót.
Nguy hiểm hơn, các DN thực hiện việc hối lộ, đút lót một cách rất thản nhiên và DN “đút” tốt, “đút” thành công thì phất lên, ăn nên làm ra chứ không phải do đầu tư công nghệ, máy móc, chiến lược tốt… Điều này ảnh hưởng lớn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Ông Doanh minh chứng thêm cho nhận định này bằng báo cáo nghiên cứu về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh vừa được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam công bố. Theo đó, một biểu hiện đáng lo ngại của nền kinh tế là chi phí không chính thức đối với hoạt động sản xuất kinh doanh tăng mạnh. Có đến 65% DN thừa nhận đang phải chạy chọt, đút lót hàng ngày để khơi thông cho hoạt động.
Một câu chuyện thời sự khác nhận nhiều ý kiến quan tâm, bình luận tại diễn đàn là vấn đề nợ xấu.
Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận định, kinh tế đã phục hồi nhưng chưa thoát khỏi vùng đáy của tăng trưởng. Và thực tế, nền tảng phục hồi của nền kinh tế còn yếu, trong đó một rào cản đáng kể là nợ xấu.
“Nợ xấu đã được xích lại gần hết. Đó là một thành công. Nhưng việc xích lại chưa đồng nghĩa với việc nợ xấu được xử lý. Vậy nên vẫn có khả năng “đối tượng” bị kìm hãm này sẽ có lúc gây tuột xích, đứt xích, sổng ra thì… khẩn nguy” – TS. Thiên cảnh báo.
Ông Thiên nhấn mạnh, giải quyết nợ xấu và cấu trúc lại hệ thống ngân hàng phải mất hàng chục năm với điều kiện phải làm nghiêm túc.
Vị chuyên gia kinh tế đặt ra một loạt câu hỏi, lấy 500 tỷ đồng, thậm chí 2.000 tỷ đồng vốn của VAMC có phá tan được “cục máu đông” lớn cỡ 150.000 - 200.000 tỷ đồng? 80.000 tỷ vốn trái phiếu của VAMC có đủ là nguồn lực thị trường để mua bán sòng phẳng nợ xấu? Đến lúc nợ xấu “thoát xích” thì hệ quả sẽ ra sao?
Ngoài ra, một nguy cơ khác được cảnh báo là nghĩa vụ trả nợ công tính trên tổng thu ngân sách đã vượt quá mức báo động 25%. Đây là ngưỡng nguy hiểm đáng báo động, theo quan điểm của ông Thiên, vì nếu không cẩn thận, nền kinh tế sẽ đối diện với nguy cơ vỡ nợ ngay.
Trong khi đó, nợ công có xu hướng nội địa hoá vì vốn vay ODA đã và ngày càng giảm, đi liền với việc huy động vốn trái phiếu Chính phủ phải tăng nhanh để bù lại. Xu hướng này dẫn tới nguy cơ xuất hiện ở đây là lãi suất nợ cao, thời hạn nợ ngắn, tranh chấp vốn và cạnh tranh lãi suất với tín dụng khu vực kinh doanh.
P.Thảo