Doanh nghiệp, doanh nhân phải nộp “một khoản kinh phí” để đạt giải thưởng
(Dân trí) - Bộ Nội vụ cho biết có chuyện yêu cầu các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia giải nộp một khoản kinh phí nhất định để đảm bảo việc đạt giải thưởng; doanh nghiệp sản xuất thuốc chống ung thư giả lại đạt Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ gửi tới Bộ Tư pháp mới đây về tình hình thực hiện Quyết định số 51/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý tổ chức xét tôn vinh danh hiệu và trao giải thưởng cho doanh nhân và doanh nghiệp, 8 năm qua đã có 23 bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ 48 giải thưởng ở phạm vi toàn quốc, trong đó có 30 giải thưởng được Thủ tướng đồng ý cho phép tổ chức (riêng giải thưởng Du lịch Việt Nam được Thủ tướng cho phép tổ chức hàng năm, không qua Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương) và 18 giải thưởng không được Thủ tướng đồng ý cho phép tổ chức.
Các bộ, ngành, đoàn thể trung ương đã tổ chức gần 60 lượt xét tặng danh hiệu, giải thưởng ở phạm vi toàn quốc và tôn vinh khoảng 6.000 doanh nghiệp, doanh nhân thuộc các thành phần kinh tế trong cả nước.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tổ chức 33 giải thưởng ở phạm vi cấp tỉnh, thành phố với gần 100 lượt tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng cấp tỉnh và tôn vinh hơn 4.000 lượt doanh nghiệp, doanh nhân.
Sản xuất thuốc chống ung thư giả đạt Top 10 thương hiệu hàng đầu VN
Việc tổ chức tôn vinh, trao giải thưởng cho các doanh nghiệp, doanh nhân chủ yếu được thực hiện vào dịp kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam (13/10) và các ngày lễ, ngày kỷ niệm của bộ, ngành, địa phương.
Bộ Nội vụ đánh giá công tác tổ chức nhìn chung được các được thực hiện trang trọng, đúng nghi thức. Các doanh nghiệp, doanh nhân được trao tặng giải thưởng phần lớn có thành tích tiêu biểu, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, thực hiện tốt các quy định của pháp luật và góp phần và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước…
Tuy nhiên, báo cáo của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà - Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương cũng thừa nhận việc tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp thời gian qua còn nhiều tồn tại, hạn chế.
Một số bộ, ngành, đoàn thể chưa thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật khi trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức các giải thưởng phạm vi toàn quốc. Vì vậy đã có 18 giải thưởng do các bộ, ngành, đoàn thể trung ương đề nghị nhưng không được Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức.
Lãnh đạo Bộ Nội vụ khẳng định một số giải thưởng tuy đã được Thủ tướng đồng ý cho phép tổ chức nhưng trong quá trình tổ chức chưa thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, tổ chức bình xét chưa bám sát các tiêu chí đã đề ra, không đảm bảo tính khách quan và chính xác.
Cá biệt đối với giải thưởng “Doanh nhân Việt Nam làm theo lời Bác” (năm 2014), sau khi được cho phép tổ chức, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã có quyết định giao cho đơn vị trực thuộc tổ chức không đúng thẩm quyền, có những sai phạm trong tuyên truyền, quảng bá và huy động kinh phí. Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo dừng tổ chức giải thưởng.
Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức giải thưởng không đúng quy định của pháp luật về thẩm quyền, lấy danh nghĩa của bộ, ngành, đoàn thể hoặc thư chúc mừng của các đồng chí lãnh đạo để mời các doanh nghiệp, doanh nhân tham dự giải thưởng.
Ngoài ra, một số giải thưởng tôn vinh doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam do các cơ quan, đơn vị không có thẩm quyền tổ chức ở nước ngoài khi không được sự đồng ý của chính quyền nước sở tại hoặc vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục, nội dung, hình thức.
Đặc biệt là yêu cầu các doanh nghiệp, doanh nhân tham gia giải nộp một khoản kinh phí nhất định để đảm bảo việc đạt giải thưởng, thực chất là việc “bán” giải thưởng, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại, ngoại giao của Việt Nam với bạn bè quốc tế, gây bức xúc cho chính các doanh nghiệp, doanh nhân đạt giải và dư luận không tốt trong xã hội, như: Giải thưởng “Top 100 doanh nghiệp tiêu biểu xuất sắc”, “Top 100 nhà quản lý tài đức” do Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành nghề nông thôn tổ chức tại Lào năm 2013, 2014. Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo thực hiện đúng quy định và dừng việc tổ chức giải thưởng.
Đối với các doanh nghiệp, doanh nhân tham dự các giải thưởng, Bộ Nội vụ cho biết một số doanh nghiệp mới thành lập, quy mô nhỏ, sản xuất kinh doanh không hiệu quả nhưng cố tình tham gia các giải thưởng được tổ chức không đúng quy định để lừa dối người tiêu dùng.
Điển hình như Công ty TNHH Vinaca sản xuất thuốc chống ung thư giả đạt top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam trong chương trình tôn vinh thương hiệu, sản phẩm dịch vụ hàng đầu Việt Nam do Viện công nghệ chống làm giả và Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu tổ chức.
Ngăn chặn việc bỏ ra một khoản tiền để được giải thưởng
Lý giải nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên, Thứ trưởng Trần Thị Hà cho rằng các bộ, ngành, địa phương tuy đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức các giải thưởng nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện chưa sâu sát, kiểm tra cụ thể, chủ yếu giao cho cơ quan thường trực đảm nhiệm.
“Một số doanh nghiệp, doanh nhân tham gia giải thưởng nhưng không tìm hiểu kỹ, thiếu thông tin, chưa thấy được trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia giải thưởng. Một số doanh nghiệp kê khai thành tích không đúng, lợi dụng việc tham gia các giải thưởng để gây hiểu lầm trong cộng đồng về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp”- Bộ Nội vụ đánh giá.
Trong tờ trình xây dựng Nghị định quy định về quản lý tổ chức xét tặng danh hiệu, giải thưởng cho doanh nhân, doanh nghiệp, Bộ Nội vụ đề xuất mỗi bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được tổ chức không quá 2 danh hiệu, giải thưởng phạm vi toàn quốc; mỗi tổ chức xã hội - nghề nghiệp chỉ tổ chức 1 giải thưởng hoặc danh hiệu phạm vi toàn quốc.
Tên gọi, nội dung của danh hiệu, giải thưởng phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý, hoạt động của cơ quan, đơn vị tổ chức xét tặng theo quy định của pháp luật.
Đối với các doanh nghiệp, doanh nhân có hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc đầu tư ra nước ngoài, việc thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh được thực hiện ở nước ngoài và phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại, vì vậy rất khó khăn trong việc xác định hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, doanh nhân ở nước ngoài. Vì vậy, đơn vị soạn thảo đề nghị không quy định đối tượng xét tặng danh hiệu, giải thưởng là doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Theo Bộ Nội vụ, thực tiễn có một số doanh nghiệp, doanh nhân thành tích không tiêu biểu xuất sắc, doanh nghiệp mới thành lập, quy mô nhỏ, sản xuất kinh doanh không hiệu quả, nhưng cố tình tham gia các giải thưởng được tổ chức không đúng quy định, thậm chí bỏ ra một khoản tiền để được giải thưởng, gây hiểu lầm về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp hoặc chất lượng sản phẩm.
“Vì vậy cơ quan soạn thảo đề nghị quy định thời gian hoạt động của doanh nghiệp, doanh nhân khi tham gia xét giải thưởng cấp toàn quốc là 5 năm trở lên và giải thưởng cấp tỉnh là 3 năm, để các doanh nghiệp, doanh nhân tham dự giải thưởng phải một thời gian hoạt động nhất định, bảo đảm tính ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp”- Bộ Nội vụ nêu trong tờ trình gửi Bộ Tư pháp.
Thế Kha