Doanh nghiệp có người Trung Quốc sử dụng đất ven biển: Lách luật đáng lo ngại?
(Dân trí) - Hai doanh nghiệp được cho thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tổ chức, cá nhân trong nước đối với 21 lô đất ven sân bay Nước mặn là Công ty liên doanh Du lịch và Giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shores Hoàng Đạt và Công ty TNHH Thương mại, Du lịch và Dịch vụ V.N.HOLIDAY.
Doanh nghiệp có người Trung Quốc nhận chuyển nhượng 20 lô đất
Vừa qua ngày 19/9, tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, theo số liệu thống kê, dọc khu đô thị ở khu vực sân bay Nước Mặn (thuộc quận Ngũ Hành Sơn - Đà Nẵng) có 246 lô đất đều cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người Việt Nam. Trong đó, có 21 trường hợp trong quá trình khai thác sử dụng đất, bằng hình thức mua cổ phần hoặc góp vốn, có liên quan đến người Trung Quốc.
Ngay lập tức, thông tin này gây xôn xao dư luận và khiến nhiều người lo lắng.
Ngày 20/9, Sở Tài nguyên – Môi trường Đà Nẵng đã có thông tin chính thức liên quan đến vấn đề này.
Theo Sở Tài Nguyên – Môi trường Đà Nẵng, có 2 doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài (các cá nhân là người nước ngoài tham gia góp vốn theo hình thức sở hữu cổ phiếu, cổ phần trong doanh nghiệp theo quy định của pháp luật Việt Nam về doanh nghiệp) được cho thuê đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tổ chức, cá nhân trong nước tại 21 Giấy chứng nhận.
Công ty thứ nhất là Công ty liên doanh Du lịch và Giải trí quốc tế đặc biệt Silver Shores Hoàng Đạt, thành lập theo Giấy phép số 2581/GP ngày 21/6/2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Các lô đất còn lại do Công ty TNHH Thương mại, Du lịch và Dịch vụ V.N.HOLIDAY sử dụng
Trong đó bên Việt Nam là Công ty Cổ phần Hoàng Đạt góp vốn 10%, bên nước ngoài là Công ty TNHH Siver Shores (có trụ sở tại Hoa Kỳ do ông Sui Gui Nan, quốc tịch Trung Quốc đại diện) góp 90%, được UBND TP Đà Nẵng cho thuê diện tích 20ha đất cơ sở sản xuất, kinh doanh, thời hạn cho thuê đất 50 năm (đến ngày 21/6/2056) tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, đã được cấp Giấy chứng nhận số AL 451916 ngày 21/3/2007.
Công ty thứ 2 là Công ty TNHH Thương mại, Du lịch và Dịch vụ V.N.HOLIDAY. Theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mã số 0401526745 do Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Đà Nẵng cấp, đăng ký thay đổi lần thứ 8 ngày 28/7/2014. Đây là doanh nghiệp Việt Nam có vốn đầu tư nước ngoài với giá trị phần vốn góp 48% (do cá nhân là Lijinan, đăng ký hộ khẩu thường trú tại Trung Quốc). Công ty này nhận chuyển nhượng từ cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam với 20 lô đất đã được cấp Giấy chứng nhận tại vệt khai thác quỹ đất 25m dọc tường rào Sân bay Nước Mặn vào thời điểm từ năm 2013 đến năm 2015.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Công ty TNHH Thương mại, Du lịch và Dịch vụ V.N.HOLIDAY được thành lập ngày 23/1/2013, có trụ sở tại đường Đông Hải 2, phường Hoà Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Giám đốc Công ty là bà Đỗ Thị Minh Anh (sinh 1988, quê Quảng Bình).
Ngày 7/5 vừa qua, công ty này được cấp đăng ký thay đổi doanh nghiệp với nội dung tăng vốn điều lệ từ 40 tỉ đồng lên 100 tỉ đồng. Trong đó, danh sách thành viên góp vốn xuất hiện cái tên mới là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Phoenix (có địa chỉ tại quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) góp 23,8 tỉ đồng. Còn lại, các cá nhân là Lijinan góp 19,2 tỉ đồng, Lê Thị Ngọc Bé (trú Đà Nẵng) góp 29 tỉ đồng, Phạm Thị Thùy Trâm (trú Đà Nẵng) góp 28 tỉ đồng.
Một hình thức lách luật cần thận trọng!
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Lê Cao (Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng) cho rằng, việc người Trung Quốc bỏ tiền ra nhờ người Việt mua đất, sau đó người Việt đứng tên góp vốn vào doanh nghiệp có quyền sử dụng đất; sau đó người Việt Nam chuyển nhượng hết vốn góp cho người Trung Quốc; là một hình thức lách luật mà chúng ta cần lưu ý.
Theo luật sư Lê Cao (Đoàn luật sư TP Đà Nẵng), việc người nước ngoài lách luật để có quyền sử dụng đất là vấn đề cần phải lưu ý tại khu vực ven sân bay Nước Mặn)
“Hiện nay luật pháp Việt Nam không có quy định cấm việc chuyển nhượng vốn góp, cổ phần của người Việt Nam cho người nước ngoài trong các doanh nghiệp. Do vậy vấn đề chuyển nhượng vốn góp, mà vốn góp trước đây là quyền sử dụng đất nhưng sau đó đã được vốn hóa thành tài sản của doanh nghiệp, thì các cổ đông, thành viên góp vốn họ chuyển nhượng cho người nước ngoài là vấn đề luật chưa có quy định cấm cản”, luật sư Lê Cao nói.
Tuy nhiên, luật sư Lê Cao cũng cho biết, về mặt pháp luật đầu tư, doanh nghiệp, nếu các nhà đầu tư tuân thủ pháp luật, đảm bảo đầu tư kinh doanh hợp pháp mang lại lợi ích kinh tế thì chúng ta không cấm cản, nhưng vấn đề lưu trú, đầu tư, kinh doanh mà có biểu hiện “núp bóng” để hoạt động phi pháp thì việc quản lý cần phải thực sự cẩn trọng.
“Trước đây nếu họ chỉ đơn thuần nhờ người Việt Nam đứng tên thì chưa nguy hiểm lắm, nếu bị phát hiện thì các giao dịch nhờ đứng tên vô hiệu, quyền đối với tài sản là quyền sử dụng đất chưa được cơ chế pháp lý nào đảm bảo. Nhưng với hình thức góp vốn bằng đất, rồi họ có quyền sở hữu vốn góp là quyền sử dụng đất đó, thì quyền năng đối với tài sản là đất rất lớn. Nếu không kiểm soát được các hoạt động liên quan sẽ dẫn đến rất nhiều bất cập, không kiểm soát được", luật sư Lê Cao lưu ý.
Luật sư Lê Cao cho rằng, chúng ta cần nghiêm túc xem xét lại hệ thống quy phạm pháp luật, cũng như cách thức quản lý đầu tư, kinh doanh đối với người nước ngoài để đảm bảo an ninh quốc phòng, an ninh trật tự được kiểm soát.
Khánh Hồng