1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kiên Giang:

Đoàn tàu chợt dừng hẳn, hành khách khóc ngất vì nghe tin Bác Hồ từ trần

(Dân trí) - Ông Trần Văn Dụy kể: “Ngày 3/9/1969 trên đường đi công tác từ Hà Nội về Thanh Hóa, khí trời oi bức, bỗng nhiên trời đổ mưa, rồi tàu hỏa dừng hẳn. Trong lúc hành khách trên tàu nhốn nháo về “chuyện lạ” này thì nhân viên tàu thông tin, Bác Hồ đã ra đi mãi mãi… Cả đoàn tàu chết lặng, mọi người khóc nghẹn vì thương tiếc Bác”.

Ông Trần Văn Dụy nguyên là Đại đội trưởng ra đa 18, Trung đoàn 291 binh chủng ra đa thuộc Quân chủng phòng không – Không quân thời kỳ đánh Mỹ. Hiện nay, ông Dụy 76 tuổi đang sinh sống tại một căn nhà nhỏ do đồng đội xây dựng ở phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Ông Dụy là cựu chiến bình có tình cảm và dành nhiều công sức, thời gian sưu tầm hàng nghìn tư liệu, hình ảnh quý về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp… Ông Dụy từng được Dân trí phản ánh qua bài viết “Cựu chiến bình sưu tầm hơn 6.000 tư liệu về Đại tướng Võ Nguyễn Giáp”.

Đoàn tàu chợt dừng hẳn, hành khách khóc ngất vì nghe tin Bác Hồ từ trần - 1

Qua nhiều năm sưu tầm, đến nay ông Trần Văn Dụy đang sở hữu hàng ngàn tư liệu quý về các vị lãnh đạo, trong đó nhiều nhất là về Bác Hồ

Sau nhiều năm gặp lại ông Dụy, ông vẫn sống giản dị trong căn nhà đồng đội với con cháu ở thành phố biển Rạch Giá. Ông tiếp chúng tôi trên căn gác nhỏ của mình. Bốn bề căn phòng đâu đâu cũng là tư liệu, abum, sách, ảnh về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; các chủ đề kinh tế, chiến tranh, giáo dục… Kho tư liệu của ông Dụy đã dày lên cả chục nghìn trang.

Dù tuổi đã cao nhưng khi nói về đề tài chiến tranh, giọng ông Dụy sang sảng, mắt ông sáng hẳn lên. Ông kể về những trận đánh B52 ác liệt trên bầu trời Hà Nội và theo ông tất cả chiến thắng ấy là nhờ sự lãnh đạo tài ba của Bác Hồ, vị cha già kính yêu của dân tộc... Với ông việc lưu lại tư liệu về chiến tranh là để hiểu nhiều thêm về sự hy sinh của người dân, công sức của đồng đội, của Người chỉ huy tài ba để yêu và bảo vệ Đất nước.

Đoàn tàu chợt dừng hẳn, hành khách khóc ngất vì nghe tin Bác Hồ từ trần - 2

Với bản di chúc của Bác Hồ năm 1969, ông Dụy lưu giữ cẩn thận đến ngày hôm nay

Khi chúng tôi nhắc đến Bác Hồ, nhắc đến ngày nhân dân cả nước thương tiếc Bác, giọng ông dịu lại. Ông Dụy đến tủ tư liệu lấy cho chúng tôi xem bảng di chúc Bác Hồ được xuất bản vào năm 1969. Với bản di chúc này, ông luôn giữ bên mình như một báu vật, dù hiện nay ông có rất nhiều bản di chúc cũng như những bài báo, trang sách viết về di chúc của Bác.

Nói về những ngày đầu hay tin Bác Hồ từ trần, ông Dụy rưng rưng kể về câu chuyện cách nay gần tròn 50 năm mà ông không sao quên được.

Cựu chiến binh kể lại giây phút nghe tin Bác Hồ từ trần

Ông Dụy kể, sáng ngày 3/9/1969 tại Hà Nội, sau khi ông dự họp ở Trung đoàn xong (lúc này ông là đại đội phó, đại đội Rada 18 thuộc ra đa 291, Binh chủng ra đa, quân chủng phòng không  - không quân, đóng tại Thanh Hóa) ông đến ga mua vé tàu về lại đơn vị đặt tại Thanh Hóa.

Lúc này trời nóng hầm hập nhưng mây đen vần vũ. Khi tàu vừa chạy qua công viên Thống Nhất, trời mưa và mỗi lúc nặng hạt hơn. Tàu chạy thêm một đoạn thì loa phát thanh trên tàu truyền tin thông báo Bác Hồ đã từ trần vào lúc 9h 47 phút... Tự nhiên tàu dừng lại, trên tàu ai cũng khóc.

Đoàn tàu chợt dừng hẳn, hành khách khóc ngất vì nghe tin Bác Hồ từ trần - 3

Ở bàn thờ tổ tiên, vị trí cao nhất là tấm di ảnh Bác Hồ, hàng ngày ông Dụy vẫn thắp hương cho Bác cùng tổ tiên

“Tôi nhớ trên tàu hôm đó, đa phần là người dân. Trai gái, nhỏ có lớn tuổi có… Nhưng hay tin Bác Hồ mất, mọi người chẳng nói được điều gì, cứ ôm mặt khóc như bưng. Nhiều cụ lớn tuổi kêu trời thảm thiết, “Bác ơi sao Bác vội ra đi”. Người dân khóc thương như một người thân vừa qua đời. Tôi cũng khóc…”, ông Dụy kể.

Theo ông Dụy, hôm đó tàu dừng hẳn hơn một giờ, chắc có lẽ người lái tàu và nhân viên trên tàu cũng không thể vững tay lái khi hay tin Bác mất. Sau đó, tàu chạy nhưng rất chậm. Trên tàu tiếng người dân gọi tên Bác, tiếng khóc nghẹn của những chị em phụ nữ không dứt, mãi khi tàu về đến tận Thanh Hóa. Xuống tàu, ông Dụy còn thấy nhiều người dân không thể bước đi vì khóc tiếc thương Bác.

Đoàn tàu chợt dừng hẳn, hành khách khóc ngất vì nghe tin Bác Hồ từ trần - 4

Ngày 3/6/1969, Chủ tịch nước Hồ Chí Minh ký khen thưởng huân chương chiến sĩ vẻ vang cho ông Trần Văn Dụy đã có thành tích phục vụ trong quân đội nhân dân Việt Nam

Còn ông Dụy, lấy xe đạp nhanh chóng chạy về đơn vị cách đó hơn 10km để cùng đồng đội tổ chức lễ tang cho vị cha già kính yêu Hồ Chí Minh.

Trong căn nhà nhỏ của mình, ông Trần Văn Dụy vẫn giành một vị trí trang trọng để lưu trữ cho kho tư liệu quý giá của mình, nhất là những tư liệu về Bác Hồ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... Đặc biệt từ ngày về hưu, ông Dụy có thời gian sắp xếp, hệ thống lại hàng ngàn tư liệu mà ông sưu tầm theo 7 mảng lớn (Văn hóa Việt Nam; Đấu tranh giành độc lập, chống ngoại xâm (1930 – 1975); Danh nhân – Thời đại Hồ Chí Minh; Việt Nam phát triển từ 1955; Các vụ án gây thiệt hại cho đất nước…. với 220 chủ đề ở 7 mảng tư liệu.

Nguyễn Hành