Đoàn kết vì khát vọng hòa bình, thịnh vượng
Trước khi đi xa, một trong những điều Người để lại trong Di chúc gửi gắm với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là lời nhắn nhủ, mong ước về đoàn kết để xây dựng và bảo vệ đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Cách đây 55 năm, trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bản Di chúc thiêng liêng. Đây là văn kiện vô giá, là kim chỉ nam cho dân tộc Việt Nam trên con đường đi tới để thực hiện điều mong muốn cuối cùng của Người là: "Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới".
Bác bắt nhịp bài ca "Kết đoàn"
Sinh thời, Bác Hồ luôn quan tâm nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân về xây dựng khối đoàn kết. Còn nhớ, trong sự kiện Bác Hồ đến tham dự đêm liên hoan văn nghệ cùng với đồng bào Thủ đô chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng Lao động Việt Nam thành công tốt đẹp tổ chức đêm 10/9/1960, tại vườn Bách Thảo (Hà Nội), Bác Hồ đã cầm đũa chỉ huy dàn nhạc bắt nhịp cho tất cả quần chúng có mặt tại đêm dạ hội cùng hát bài ca "Kết đoàn". Hình ảnh xúc động đặc biệt ấy đã được phóng viên Lâm Hồng Long của Thông tấn xã Việt Nam ghi lại bằng bức ảnh có một không hai đã mang lại cho ông Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý! Đó còn là hình ảnh biểu tượng đẹp đẽ về điều tâm huyết của Bác đối với Đảng, với Tổ quốc - đoàn kết.
Trước khi đi xa, một trong những điều Người để lại trong Di chúc gửi gắm với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân là lời nhắn nhủ, mong ước về đoàn kết để xây dựng và bảo vệ đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Còn nhớ, năm 1963, trong lần thứ 5 về thăm và làm việc với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định, cùng với tình cảm dành cho cán bộ, đảng viên, nhân dân tỉnh nhà, Bác đã có những lời căn dặn tâm huyết, chí tình về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tăng cường sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, phải "thật thà tự phê bình và phê bình", thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; quan tâm công tác xây dựng Đảng từ chăm lo xây dựng chi bộ ngày càng vững mạnh, chú trọng đến công tác giáo dục đảng viên; Người cũng căn dặn, phải thật sự đoàn kết trong Tỉnh ủy. Đoàn kết từ hạt nhân chính trị lãnh đạo đến quần chúng, nếu không thì không thể huy động được sức mạnh tổng hợp từ quần chúng nhân dân, không thể thực hiện được mục tiêu cách mạng đề ra.
Thực hiện Di chúc và những lời căn dặn và chỉ bảo của Người, các thế hệ cán bộ và nhân dân trong tỉnh nỗ lực xây dựng và bảo vệ khối đoàn kết, thực hiện thắng lợi các phong trào thi đua yêu nước, theo đúng niềm mong ước của Bác: Xây dựng tỉnh Nam Định trở thành một tỉnh giàu mạnh, làm kiểu mẫu.
Vì một khát vọng thịnh vượng
Triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã đoàn kết, thống nhất lựa chọn những vấn đề trọng tâm, khâu đột phá để ban hành 6 Nghị quyết chuyên đề toàn khóa và các kế hoạch, chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra. Tích cực đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện đối với hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng được củng cố, đổi mới và nền nếp; triển khai, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với thực hiện Kết luận số 01-KL/TW "Về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và Quy định 08-QĐi/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên đã đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ; có hiệu ứng tích cực, chuyển biến sâu sắc từ việc học và làm theo Bác về lề lối, tác phong làm việc và hiệu quả công tác của mỗi cán bộ, đảng viên trong từng việc làm cụ thể để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị...
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh; tập trung cụ thể hóa, ban hành đầy đủ, kịp thời các chủ trương, giải pháp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nhất là các kết luận, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó là phải kiên trì, kiên quyết, liên tục, bền bỉ, không nghỉ, không ngừng, phòng ngừa từ sớm, từ xa, "cả ngọn lẫn gốc"; đã tổ chức nền nếp các phiên họp theo quy định, đưa 9 vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; đồng thời chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc, góp phần ổn định tình hình trong tỉnh.
Chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng; công tác tự kiểm tra, giám sát được tăng cường, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, kịp thời khắc phục các khuyết điểm, vi phạm ngay từ cơ sở; việc thi hành kỷ luật Đảng được thực hiện nghiêm minh, kịp thời, có lý, có tình, vừa đảm bảo tính nghiêm minh của kỷ luật Đảng, hiệu quả răn đe, phòng ngừa vi phạm, vừa động viên cán bộ đảng viên, được dư luận đồng tình, đánh giá cao.
Các khâu trong công tác cán bộ được quan tâm và thực hiện kịp thời, hiệu quả, đúng quy trình, hướng dẫn của Trung ương; nhất là công tác luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ, nhằm tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt và tạo nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ 2025-2030. Chỉ đạo, hướng dẫn sắp xếp tổ chức đảng, sinh hoạt của đảng viên gắn với sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố (sau sáp nhập còn 2.160 thôn (xóm), tổ dân phố, giảm 1.514 đơn vị (41,21%), giảm 8.859 người); tạo được sự đồng thuận, thống nhất cao trong các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Nam Định là tỉnh dẫn đầu toàn quốc về sắp xếp đơn vị hành chính, được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 (sau sáp nhập, còn 9 đơn vị hành chính cấp huyện, 175 đơn vị hành chính cấp xã; giảm 1 huyện và 51 đơn vị hành chính cấp xã).
Kinh tế - xã hội của tỉnh duy trì ổn định và phát triển. Đến nay, nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Giai đoạn 2021-2024, tốc độ tăng trưởng GRDP (giá so sánh) bình quân ước đạt 9,2%/năm. Tỉnh là một điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, kiểu mẫu; đã có 39 xã được công nhận NTM kiểu mẫu; 199/204 xã, thị trấn (chiếm 97,5%) đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Giao Thủy đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2023.
Công tác cải cách thủ tục hành chính và xúc tiến thu hút đầu tư được triển khai mạnh mẽ, các chỉ số đánh giá về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chuyển đổi số được cải thiện, tăng bậc so với năm 2020. Đã thu hút được một số dự án đầu tư lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hiện tại và trong tương lai. Kết quả từ năm 2021 đến hết tháng 6/2024, tổng vốn đầu tư đăng ký đã vượt mục tiêu thu hút vốn đầu tư của cả giai đoạn 2021-2025; trong đó có các dự án lớn, trọng điểm như: 3 dự án của Tập đoàn Xuân Thiện với tổng mức đầu tư là 98.900 tỷ đồng; các dự án FDI của Tập đoàn Quanta; Tập đoàn Sunrise Material; Tập đoàn JiaWei,... với tổng mức đầu tư hàng trăm triệu USD.
Tỉnh đã xây dựng, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; kế hoạch thực hiện quy hoạch của tỉnh tạo không gian phát triển mới để kêu gọi, thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển bứt phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới. Đã và đang triển khai nhiều dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông, trong đó nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh Nam Định; Đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (Giai đoạn I); tỉnh lộ 487B, 488C; Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa thời Trần (Giai đoạn I); Cụm công trình kênh Nghĩa Hưng (Đáy - Ninh Cơ); công tác giải phóng mặt bằng đường dây 500kV trên địa bàn tỉnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ;...
Kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nam Định luôn khắc ghi lời dạy của Bác, làm động lực, niềm tin, tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, tạo bước đột phá và sức bật mới, đưa Nam Định trở thành trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Tiếp tục làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước.
Tiếp tục đổi mới, sáng tạo, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững; chăm lo phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo an sinh xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Quyết tâm đưa tỉnh Nam Định sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước để luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Bác "Xây dựng tỉnh Nam Định trở thành một tỉnh giàu mạnh, làm kiểu mẫu cho toàn miền Bắc...".
Việt Thắng