1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đổ xô tìm “thần dược”

Tin đồn về “thần dược” mật nhân trị bách bệnh lan truyền nhanh ở tỉnh Phú Yên khiến nhiều người đổ xô lên rừng tìm thuốc. Nhiều cánh rừng ngổn ngang cây bị đốn, rễ bị đào...

Hơn nửa tháng qua, trên những cánh rừng Hòn Đen, Buôn Kít thuộc 2 xã Sông Hinh và EaTrol (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), mỗi ngày có đến gần trăm người vào rừng tìm mật nhân. Không chỉ người dân địa phương, các nơi như Tuy Hòa (Phú Yên), Bình Định, Khánh Hòa cũng lên đây tìm cây thuốc.

 

Đổ xô tìm “thần dược” - 1

Một gốc mật nhân lớn được khiêng từ rừng sâu ra

 

Cứ đốn và đào

 

Khắp các ngả rừng lỗ chỗ những hố sâu do người tìm mật nhân đào cả gốc, rễ cây để lại. Cả cánh rừng râm ran tiếng máy cưa, tiếng cuốc, xẻng, tiếng gọi nhau í ới. “Không chỉ có xe máy, người ta đánh cả ô tô lên đây để tìm mật nhân. Mỗi ngày có hàng tấn cây chuyển từ rừng ra” - anh Lê Hoàng Kỳ, một người tìm mật nhân ở xã Sông Hinh, nói.

 

Theo nhiều người ở thị trấn Hai Riêng (huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên), nghe rừng ở đây có mật nhân, các thương lái tận Hà Nội đã vào đây đặt mua. Ông K’Sor Kế, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Sông Hinh, cho biết: “Một cô nói là làm nghề thuốc đông y ở Hà Nội vào đặt tôi mua từ 200 - 300 kg mật nhân khô, với giá mỗi kg từ 250.000 đồng đến 300.000 đồng nhưng phải gửi mẫu kiểm tra trước”.

 

Anh Đỗ Việt Đức, một người hành nghề thuốc gia truyền ở khu phố 6, thị trấn Hai Riêng, cũng cho biết tương tự. “Tôi đang vạc thành đống để khô chờ họ vào mua với giá 250.000 đến 300.000 đồng/kg. Họ hẹn nay mai sẽ vào” - anh Đức nói.

 

Tin thương lái Hà Nội vào mua mật nhân với giá cao đã cuốn người dân vào rừng tìm loại cây thuốc này. Nhiều người không biết hình thù cây mật nhân thế nào cũng vào rừng tìm thuốc. “Nhìn thấy cây nào lá kép, không cuống, mặt trên lá xanh bóng, vò lá trong lòng bàn tay thả ra không bị nát, vạc một lát nhỏ trên thân cây nếm thử, thấy đắng ngay đầu lưỡi là cây mật nhân, cứ thế là đốn, là đào lấy hết gốc rễ” - anh Lê Hoàng Kỳ nói.

 

Chưa rõ công dụng, liều lượng

 

Người Êđê ở Phú Yên biết khá rõ về cây mật nhân, tiếng Êđê gọi là Ana Sorprao, có người còn gọi là cây “bà đẻ”. Phụ nữ Êđê có phong tục khi sinh được 2 ngày, dùng thân hoặc gốc, rễ cây Ana Sorprao xắt lát nấu nước uống, dùng lá Ana Sorprao nấu nước tắm. Sau đó có thể giặt giũ, tắm rửa, sinh hoạt bình thường không phải kiêng cữ. “Hồi mẹ tôi cũng vậy, tôi cũng vậy, đến con tôi cũng vậy. Sinh đẻ là phải uống nó cho khỏe, không sợ nước, sợ gió” - bà KPá Chúc, ở khu phố 5, thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên, cho biết.

 

Từ cây thuốc truyền thống dành cho phụ nữ Êđê sinh đẻ trở thành cây thuốc trị bách bệnh chỉ mới gần đây. Anh Đỗ Việt Đức nói: “Tôi đã bốc cây thuốc mật nhân để một số người mang về ngâm rượu uống trị các bệnh viêm cầu thận và thoái hóa đốt sống”. Cũng theo anh Đức, gốc và rễ là những bộ phận tốt nhất của cây mật nhân, sau đó mới đến thân. Xắt lát, phơi khô, sau đó sao vàng, khử thổ rồi ngâm rượu hoặc nấu nước uống sẽ trị được nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh về xương, khớp.

 

Đổ xô tìm “thần dược” - 2
Dùng cả cưa lốc khai thác mật nhân

 

Anh Huỳnh Thanh Hoa làm nghề xây dựng ở khu phố 4, thị trấn Hai Riêng bị hen phế quản và viêm đa khớp. Nghe đồn về cây mật nhân nên lùng tìm vừa ngâm rượu vừa nấu nước uống. “Ngày trước, tôi không dám đi bộ, cứ leo lên dốc con con là thở không ra hơi nhưng nay tôi có thể đi bộ cả chục cây số” - anh Hoa cho biết. Vợ anh Hoa, chị Võ Thị Hồng An - thấy chồng uống cây mật nhân khỏe ra cũng uống theo. Chị bảo “Cái bệnh đường ruột của tôi hết rồi”.

 

Tuy nhiên, theo anh Đỗ Việt Đức, trong sách đông y mà anh từng học xưa nay không hề nói đến cây thuốc này nên cũng không biết liều lượng sử dụng thế nào cho đúng và cũng chưa ai chứng nhận cây mật nhân chữa bách bệnh. “Rõ ràng đã là thuốc thì phải có kiêng và có liều, có lượng. Chưa biết nên chỉ dùng ít thôi, không nên lạm dụng, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai thì không nên dùng” - anh Đức nói.

 

Tìm thấy từ năm 2006

Cây mật nhân có tên khoa học là Eurycoma longifolia Jack, thuộc họ thanh thất, vị đắng, tính mát, được các nhà khoa học Trường Đại học Dược Hà Nội tìm thấy tại Việt Nam từ năm 2006. Loài cây này cao 2 - 8 m, lá kép, không cuống, mặt trên xanh bóng, mặt dưới trắng mốc. Cuống lá màu nâu đỏ. Cụm hoa hình chùm, tán mọc ở ngọn. Hoa và bao hoa phủ đầy lông màu đỏ nâu. Quả hình trứng hơi dẹt, có rãnh giữa, khi chín, màu vàng đỏ chứa một hạt, trên mặt hạt có nhiều lông ngắn. Mật nhân mọc hoang ở vùng núi, chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và Đông Nam Bộ.

 

Theo Viết Anh

Người lao động