1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đổ xô tận diệt rong mơ

(Dân trí) - Thời gian trở lại đây, người dân biển Vĩnh Thạch (huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị) đổ xô ra biển khai thác rong mơ để bán cho thương lái Trung Quốc với giá cao. Ham cái lợi trước mắt, người khai thác vô tình làm đảo lộn hệ sinh thái ở vùng biển này.

Có mặt dọc bãi biển xã Vĩnh Thạch vào những ngày này, mới sáng sớm dọc theo bãi biển đã thấy hàng chục người dân tất bật vớt và phơi rong mơ (còn gọi là rau ngoai). Ven bờ biển, lớp lớp cây rong bị sóng giật khi người dân lặn xuống vớt trôi dạt vào bờ biển gây chết úng, bốc mùi tanh nồng, đen ngòm.

 

Ông Hồ Minh Vừng, Trưởng thôn Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch) cho hay: “Rong mơ là loại rau chế biến món ăn được người dân vùng biển biết đến từ xa xưa. Mỗi mùa rau ngoai từ độ tháng 1 âm lịch đến khoảng tháng 4, 5. Tuy nhiên khoảng vài ba năm trở lại đây, loài rau này được khắp nơi tìm mua, đặc biệt năm nay có nhiều thương lái Trung Quốc thu mua với giá cao nên người dân đổ xô ra biển khai thác. Sự khai thác tận diệt, thiếu khoa học đó làm ô nhiễm môi trường và hủy diệt môi sinh”.
 
Bà con hào hứng vì trước mắt có thể sống khỏe với nghề khai thác rong mơ

Bà con hào hứng vì trước mắt có thể sống khỏe với nghề khai thác rong mơ

 

Rong mơ mọc trên các bãi đá, rạn san hô gần bờ. Người khai thác chờ đến thời điểm con nước hạ thì có thể lội bộ ngập khoảng ngang đầu gối là có thể hái được. Những người mạnh khỏe thì bơi thuyền ra xa hơn, nơi mật độ rong mơ mọc dày đặc hơn, để hái. “Mỗi năm cứ đến mùa cây rong mơ mọc rất nhiều, không tốn công chăm sóc lại bán được giá. Mỗi vụ rong mơ nếu được mùa được giá như năm nay có gia đình thu về hàng chục triệu đồng, khỏe hơn đi làm thuê nhiều”, anh Nguyễn Hai phấn khởi cho biết.

 

Theo ông Hồ Minh Vừng, thôn Vịnh Mốc (Vĩnh Thạch) có gần trăm hộ làm nghề khai thác rong mơ. Theo thời giá hiện tại, 1kg rong mơ phơi qua 1 ngày nắng bán được từ 6 đến 8 ngàn đồng; trung bình mỗi ngày một người khai thác rong mơ có thể kiếm được từ 200 đến 300 ngàn đồng. “Tính ra khai thác rong mơ không cần tàu thuyền cỡ lớn, không phải tốn chi phí lớn mà vẫn kiếm được nhiều lời hơn đi đánh cá hoặc lao động chân tay nặng nhọc”, chị Hoa - một người dân phơi rong mơ trên bãi biển Vĩnh Thạch cho hay.

 

Làng biển Vịnh Mốc có 376 hộ gia đình với gần 2.000 nhân khẩu thì trong đó 2/3 làm nghề biển. Thế nhưng theo ông Vừng cho biết, ngư dân ở đây chủ yếu đánh bắt gần bờ với loại tàu thuyền công suất dưới 20CV nên việc thu nhập từ rong mơ đóng vai trò khá lớn trong kế mưu sinh của rất nhiều người. Rong mơ được giá, người dân ồ ạt đổ xô ra biển khai thác. Tuy nhiên cái lợi trước mắt dẫn theo rất nhiều hệ lụy. Bên cạnh môi trường ô nhiễm, hệ sinh thái cũng bị hủy hoại. “Mùa rong mơ sinh trưởng cũng là lúc nhiều loài cá như chuồn, trích, cá đuối, cá dìa, tôm hùm… đẻ trứng trên lá. Việc khai thác rong vô tình kéo theo hàng triệu triệu trứng cá. Đó là lý do mấy năm trở lại đây vùng biển này mất mùa cá”, ông Vừng thở dài.
 
Bà con hào hứng vì trước mắt có thể sống khỏe với nghề khai thác rong mơ

 

Theo ông Vừng cũng cho biết thêm: “Nghề vớt rong mơ là kế mưu sinh cứu cánh của nhiều người dân nghèo từ bao đời nay. Nhưng trước việc thương lái tận thu khiến người dân ồ ạt khai thác, chúng tôi đã có báo cáo với Chi cục Thủy sản và cũng mong cơ quan chức năng có biện pháp, hướng dẫn bà con cách khai thác, nhằm hạn chế tối đa sự hủy hoại hệ sinh thái. Cơm áo là cần thiết nhưng khai thác một cách khoa học sẽ đảm bảo được kế mưu sinh bền vững”.

 

Rong mơ là một loại rong biển được sử dụng để chiết xuất keo aginat dùng trong y dược, làm phân bón và thức ăn cho vật nuôi. Rong mơ sinh trưởng từ tháng 3 dương lịch đến tháng 7 hàng năm và tự chết khi mùa mưa bắt đầu. Rong mơ sống từng đám lớn, cao 40-60cm, bám vào đá hoặc san hô, là nơi trú ẩn, kiếm ăn, sinh sản của nhiều loài thủy sản...

 

Nguyễn Hương