1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Đắk Lắk:

Đổ xô săn lùng gốc cây rừng

(Dân trí) - Hiện nay ở Đắk Lắk đang diễn ra tình trạng người dân đổ xô vào rừng săn lùng gốc cây thuộc các nhóm gỗ quý hiếm để bán cho các cơ sở làm đồ mỹ nghệ.

Tình trạng này không những tàn phá, xâm hại trái phép tài nguyên rừng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xói mòn đất, nguồn nước ngầm, môi trường sinh thái...
 
Đổ xô săn lùng gốc cây rừng - 1

 

Các đối tượng này thường lập từng nhóm từ 5 đến 10 người, có trang bị cuốc, xà beng, máy cưa lốc, xe máy cày tay vào sâu trong rừng để săn lùng các loại gốc cây thuộc nhóm gỗ quý hiếm như cà te, cẩm lai, giáng hương. Đây là các loại gỗ được thị trường ưa chuộng, có giá bán khá cao. Tuỳ theo đường kính gốc, bộ rễ, kiểu dáng, giá mỗi nhóm gỗ đều có giá khác nhau. Theo các đối tượng chuyên săn lùng gốc cây rừng cho biết, một gốc cây kể cả rễ loại gỗ giáng hương, cà te, có đường kính từ 1,5 mét trở lên có giá bán ngay tại cửa rừng đã lên đến 20 triệu đồng. Còn đối với gỗ cẩm lai thì giá còn cao hơn gấp nhiều lần. Địa bàn săn lùng gốc cây rừng tập trung chủ yếu là ở các vùng rừng Ea Súp, Buôn Đôn, Ea H’Leo, Krông Bông.

 

Theo anh Y Minh, một trong những người chuyên đào gốc cây rừng ở huyện Ea Súp, nay đã “giải nghệ” cho biết, do có giá bán gốc cây cao, nên ngày càng thu hút đông đảo người dân vào rừng săn lùng gốc cây quý hiếm. Để đào được một gốc cây, thông thường, các đối tượng này phát dọn chung quanh, triệt hạ các cây rừng từ bé đến lớn và đào sâu xuống từ 5 mét và chiều rộng từ 10 mét trở lên để đưa nguyên bộ gốc, bộ rễ lên, dùng các phương tiện cơ giới đưa ra khỏi rừng. Sau khi lấy gốc cây, phần lớn, các đối tượng này đều để lại nguyên hiện trường, không san lấp, dọn dẹp vệ sinh rừng.

 

Qua tìm hiểu một số cơ sở sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột cho biết, một gốc, rễ gỗ hương lớn có khả năng làm đủ một bộ bàn, ghế, có thế đẹp, khắc đầy đủ các con vật: rồng, phượng, có giá bán lên đến 50 triệu đồng. Đối với gỗ cẩm lai, hay cà te thì có giá từ 100 triệu đồng trở lên. Hiện nay, các thương lái, các đại gia ở các tỉnh, thành như Đà Nẵng, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh lên “đặt hàng” cho các nhóm đối tượng săn lùng các loại gốc cây rừng thuộc nhóm gỗ quý hiếm này để về chế tác ra các mặt hàng đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp.

 

Tỉnh Đắk Lắk cần sớm có biện pháp quản lý hữu hiệu hơn nữa để không những tận thu tốt tài nguyên rừng mà còn hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng khai thác gốc cây rừng bừa bãi gây ô nhiễm môi trường sinh thái, huỷ hoại tài nguyên rừng...

 

Quang Huy

 TTXVN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm