Đô thị Việt Nam đối mặt với bất bình đẳng thu nhập
(Dân trí) - Tại các đô thị Việt Nam, trên 30% các hộ gia đình có diện tích nhà ở dưới 36 m2. Các đô thị còn phải đối phó với thách thức về bất bình đẳng và chênh lệch thu nhập, suy thoái môi trường, di sản văn hóa đô thị, an ninh lương thực…
Liên Hợp Quốc chọn ngày Thứ hai đầu tiên của tháng 10 hàng năm là “Ngày Định cư thế giới” để phản ánh hiện trạng ở các đô thị và quyền cơ bản của con người là có một nơi cư trú an toàn. Các đô thị tại Việt Nam cũng đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức trong quá trình phát triển, trong đó có vấn đề biến đổi khí hậu.
Chủ đề được lựa chọn năm nay là “Thành phố tươi đẹp hơn, cuộc sống tốt đẹp hơn”, nhấn mạnh tầm nhìn về một thế giới đô thị bền vững, nơi khai thác các tiềm năng và khả năng, giảm thiểu sự bất bình đẳng và có thể cung cấp nhà ở cho tất cả mọi người.
Theo “Báo cáo về hiện trạng các thành phố Châu Á 2010” trong Chương trình Định cư Con người của Liên Hợp Quốc (UN-HABITAT) thì tỉ lệ đô thị hóa trong khu vực châu Á đang ở mức 42,2%.
Một góc Hà Nội (Ảnh: UN-HABITAT)
Tại Việt Nam, tỷ lệ đô thị hóa hiện nay là 30,4% với dân số đô thị chiếm khoảng 27 triệu người và tỷ lệ này dự kiến sẽ tăng lên 50% vào năm 2040. Với tốc độ tăng GDP tại các khu vực đô thị khoảng 12,6% và đóng góp gần 70% trong tổng GDP quốc gia, các đô thị Việt Nam đang đóng vai trò động lực trong phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, đô thị hóa nhanh cũng đặt ra nhiều thách thức không nhỏ cho cuộc sống đô thị như: sự bất bình đẳng và chênh lệch thu nhập ngày càng tăng giữa đô thị và nông thôn và giữa các tầng lớp người dân sống ở đô thị.
Dân số đô thị tăng với tốc độ trung bình hàng năm khoảng 3% đã tạo áp lực rất lớn lên hệ thống cơ sở hạ tầng ở các thành phố và tăng thêm gánh nặng trong việc cung cấp nhà ở cho người dân.
Do các dự án nhà ở mới thường tập trung vào nhóm dân cư có thu nhập cao, nên tại khu vực đô thị vẫn còn hàng vạn hộ gia đình thuộc các thành phần kinh tế khác nhau vẫn đang phải sống trong điều kiện chỗ ở không đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu.
Trên 30% các hộ gia đình ở có diện tích nhà ở dưới 36 m2, chỉ có 25% hộ gia đình có nhà ở kiên cố và 19% sống trong những căn nhà tạm bợ, cấu trúc không bền vững được làm từ các nguyên vật liệu rẻ tiền.
Theo đánh giá chung có khoảng 15 - 20% hộ gia đình thuộc các thành phần kinh tế tại khu vực đô thị thực sự gặp khó khăn về chỗ ở. Công nghiệp hóa, sự bùng nổ các hoạt động xây dựng cùng sự gia tăng đáng kể của các phương tiện giao thông cơ giới đã ảnh hưởng lớn đến môi trường và di sản văn hóa đô thị, an ninh lương thực cũng như khả năng chống chịu của đô thị với biến đổi khí hậu.
Được biết, hội thảo quốc tế “Hà Nội thiên niên kỷ - Thành phố quá khứ và tương lai” sẽ diễn ra vào ngày 12 - 13/10 tại Hà Nội do UBND thành phố Hà Nội, Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu Toàn cầu hóa - Đại Học Hawaii và UN-HABITAT phối thợp thực hiện.
P. Thanh