1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đô thị thông minh sẽ giải quyết các tồn tại của đô thị hóa

(Dân trí) - Tốc độ đô thị hóa cao giúp kinh tế Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhưng đồng thời cũng để lại nhiều tồn tại bất cập như áp lực hạ tầng, ô nhiễm môi trường, mất an ninh trật tự… Theo các chuyên gia, những tồn tại này hoàn toàn có thể giải quyết khi xây dựng đô thị thông minh.

Trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ ba các quan chức cao cấp (SOM3) và các cuộc họp liên quan của APEC 2017, ngày 18/8, Hội thảo APEC với chủ đề “Chia sẻ thực hành tốt về tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp trong lĩnh vực Đô thị thông minh” đã diễn ra tại TPHCM.

Hội thảo có sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ các nền kinh tế thành viên APEC.

Khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: “Hội thảo là một hoạt động của Tiểu ban Tiêu chuẩn và Hợp chuẩn (SCSC) của Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương.

Một trong những hoạt động trọng tâm trong năm nay của Tiểu ban SCSC là "Phát triển và thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp để hỗ trợ nền kinh tế kỹ thuật số".

Đây là một lĩnh vực khá mới, ứng dụng khoa học công nghệ cao, đòi hỏi các thành viên APEC phối hợp chặt chẽ, cùng nhau chia sẻ các kinh nghiệm thực hành tốt nhất trong xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật, chứng nhận sản phẩm hàng hóa, dịch vụ…”.

Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc hội thảo
Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Trần Văn Tùng phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu tham luận tại hội thảo, đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nhận định đô thị hóa mạnh mẽ tại các đô thị lớn đang tạo hiệu ứng thúc đẩy đô thị hóa nhanh lan toả diện rộng trên phạm vi các tỉnh, các vùng và cả nước.

Tính đến tháng 12/2015, cả nước có 787 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 42 đô thị loại III, 75 đô thị loại IV và 628 đô thị loại V. Hiện dân số đô thị đạt khoảng 35,7% và ước tính đến năm 2020 có khoảng 40% dân số Việt Nam sống trong các khu vực đô thị.

Sự phát triển mạnh mẽ này thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vượt bậc trong thời gian qua. Nhưng đồng thời nó cũng mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực khi hệ thống đô thị phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng còn thấp. Đặc biệt là hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đồng bộ; trình độ và năng lực quản lý và phát triển đô thị còn thấp so với yêu cầu…

Nhiều hệ lụy lớn được các đại biểu chỉ ra như: Hệ thống hạ tầng đô thị bị quá tải gây nên các hiện tượng tắc nghẽn giao thông; Úng ngập giữa khu dân cư đông đúc; Việc mở rộng đô thị dẫn đến chiếm dụng đất nông nghiệp ảnh hưởng đến an toàn lương thực quốc gia…

Theo các chuyên gia tham gia hội thảo, những tồn tại này hoàn toàn có thể giải quyết khi xây dựng đô thị thông minh.

Tốc độ đô thị hóa cao ở Việt Nam đang để lại nhiều tồn tại bất cập khó giải quyết, trong đó có vấn nạn kẹt xe tại các siêu đô thị như Hà Nội, TPHCM
Tốc độ đô thị hóa cao ở Việt Nam đang để lại nhiều tồn tại bất cập khó giải quyết, trong đó có vấn nạn kẹt xe tại các siêu đô thị như Hà Nội, TPHCM
Các chuyên gia kỳ vọng đô thị thông minh sẽ là giải pháp để giải quyết các tồn tại bất cập của đô thị hiện nay
Các chuyên gia kỳ vọng đô thị thông minh sẽ là giải pháp để giải quyết các tồn tại bất cập của đô thị hiện nay

Theo nghĩa chung nhất, đô thị thông minh được định nghĩa là đô thị sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông, nhờ đó các cơ sở hạ tầng, dịch vụ công được sử dụng và cung cấp có hiệu quả, có tính tương tác cao hơn với người dân.

Chẳng hạn như trong lĩnh vực giao thông đô thị, đô thị thông minh kiểm soát các phương tiện công cộng, các bãi đỗ xe, sử dụng các ứng dụng theo dõi quãng đường… để tính toán và điều tiết giao thông qua hệ thống đèn tín hiệu 1 cách khoa học nhất.

An ninh cộng đồng cũng được đảm bảo nhờ việc quản lý hiệu quả các dịch vụ cứu hộ và khẩn cấp. Dựa vào các cảm biến, các camera thông minh cho phép phát hiện tình huống hoặc tai nạn phát sinh tại thời điểm thực, nhờ đó các lực lượng ứng cứu sẽ nhận được thông tin ngay lập tức, và triển khai phương án để xử lý và giải quyết.

Quản lý cơ sở hạ tầng của đô thị thông qua việc quản lý các tòa nhà công, quản lý cơ sở hạ tầng của đô thị như công viên, cây xanh, đường phố, thông báo về tai nạn do cư dân phát hiện để xử lý kịp thời…

Thứ trưởng Trần Văn Tùng đánh giá: “Qua các thảo luận chuyên đề tại hội thảo, các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực APEC như Việt Nam, Thái Lan, Philipineses ... sẽ có cơ hội học hỏi những kinh nghiệm phát triển Đô thị thông minh hiệu quả từ những nền kinh tế phát triển trong APEC như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc…”.

Tùng Nguyên