1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Đỗ sai quy định, xe công an tôi cũng phạt”

(Dân trí) - “Xe công an Hà Nội toàn đỗ trên vỉa hè 80 Trần Hưng Đạo - cổng Bộ Giao thông, sau đó báo chí bảo Bộ GTVT quy định mà lại vi phạm. Tôi đã phải yêu cầu lực lượng Thanh tra cẩu hết số xe đỗ trước cổng Bộ đi, xe công an cũng cẩu”.

Đó là trao đổi thẳng thắn của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng tại buổi làm việc với UBND quận Hoàn Kiếm - quận trung tâm nhất của TP Hà Nội về tình hình giao thông trên địa bàn với các vấn đề liên quan đến bãi đỗ, trông giữ xe và tổ chức giao thông hôm nay (2/3).

“Công an vi phạm cũng xử lý”

Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng biện pháp cẩu xe vi phạm là rất cần thiết, nếu không dùng biện pháp này thì khó có thể làm gì được người vi phạm. “Người đỗ xe sai quy định đang ngồi ung dung uống cà phê, nhưng lực lượng chức năng gọi mãi không thấy đâu cả, chỉ đến khi đưa xe cẩu đến thì họ mới ra mặt, có khi cẩu đi rồi thì họ mới biết sợ. Vì thế Hà Nội nên trang bị các xe cẩu để xử lý”.

“Đỗ sai quy định, xe công an tôi cũng phạt”
Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và lãnh đạo TP.Hà Nội đi thị sát tình hình
giao thông trên địa bàn quận Hoàn Kiếm bằng xe ô tô điện sáng 2/3

Trong buổi làm việc, nói về vấn đề nhức nhối là dừng đỗ xe sai quy định, bãi đỗ xe sai quy định, Bộ trưởng Thăng thậm chí còn dẫn chứng cụ thể về vi phạm của chính lực lượng chức năng, cơ quan chức năng.

“Ngay tại cổng Bộ GTVT, trên vỉa hè toàn là xe của Công an Hà Nội, họ đỗ kín hết trên vỉa hè của công an thì đánh xe sang vỉa hè cổng Bộ GTVT (số 80 Trần Hưng Đạo) để đỗ. Báo chí sau đó thấy vậy bảo ông Bộ GTVT quy định cấm đỗ nhưng ông lại mang xe ra đỗ hết cả vỉa hè, vi phạm quy định. Tôi đã phải yêu cầu lực lượng Thanh tra cẩu hết số xe đỗ trước cổng Bộ đi, lực lượng Thanh tra lúc đó báo cáo đó là xe của bên công an, tôi nói thẳng là xe của công an hay của ai cũng cẩu hết, mình không nghiêm không gương mẫu thực hiện thì nói ai được.” - Bộ trưởng Thăng cương quyết.

Bàn về vấn đề bãi đỗ xe và chống ùn tắc, ông Thạch Như Sỹ - Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT - cho rằng, để thực hiện nghiêm việc cấm dừng đỗ xe trên 262 tuyến phố, UBND TP Hà Nội và quận Hoàn Kiếm cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng các các điểm đỗ xe ngầm và nổi. Nơi nào dùng đất công làm trông giữ xe thì áp dụng mức thu phí và lệ phí, nhưng doanh nghiệp tham gia đầu tư thì phải có cơ chế dùng giá dịch vụ mới kêu gọi được nhà đầu tư. Bên cạnh đó cần rà soát, kiểm tra lại các công trình trước đây đã quy hoạch làm nơi trông giữ xe vì có quá nhiều công trình, bãi đỗ xe hiện nay đang bị sử dụng sai mục đích, như làm nơi bán hàng quán, trung tâm thương mại…

Ông Sỹ cho biết: “Hiện nay một số cơ sở không khai thác hết mục đích của nó. Một số tòa nhà có điểm đỗ xe, nhưng không dùng hết, như 45 Hai Bà Trưng, Đinh Lễ. Một số cơ quan trường học, bệnh viện, đẩy trách nhiệm của mình cho xã hội. Như tại Cung văn hóa thiếu nhi, cả dãy cho thuê bán cà phê, còn hè đường thì dùng để trông xe. Đề nghị quận Hoàn Kiếm kiểm tra ngay, đã thiết kế đỗ xe thì phải sử dụng cho đỗ xe. Các trường cũng nên cho đỗ xe, đưa đón trong sân trường, khai thác triệt để chỗ trống trong trường học và cơ quan dùng cho đỗ xe…”.

Đề xuất trông giữ xe ngoài bờ đê

Đối với quận Hoàn Kiếm - quận trung tâm của thủ đô Hà Nội, tại buổi làm việc, lãnh đạo quận này cho biết với lưu lượng phương tiện và người tham gia giao thông tập trung lớn, do đó nhu cầu dừng đỗ và trông giữ phương tiện giao thông rất lớn, trong khi đó quỹ đất giành cho giao thông tĩnh trên địa bàn quận hiện gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Quận Hoàn Kiếm nêu đề xuất là các bãi đất trống ngoài bờ đê làm bãi trông giữ xe mới khả thi, đưa xe ra đó mới có thể xây dựng các tuyến phố đi bộ.
 
“Đỗ sai quy định, xe công an tôi cũng phạt”
Bãi đỗ xe là vấn đề rất nan giải của Hà Nội

Về phía Sở ngành Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Hùng - Giám đốc Sở GTVT khẳng định tỷ lệ đất dành cho giao thông trong đô thị là cao nhất thành phố. Tuy nhiên, do trong nội đô tập trung nhiều cơ quan nên chỉ đơn thuần là việc người và phương tiện sáng đi vào, chiều đi ra cũng đã rất khó khăn.

Cũng theo ông Hùng, khó nhất là giao thông tĩnh, việc này cực kỳ khó khăn, khó khăn hơn cả giao thông công cộng. Tuy hạ tầng chưa phải đến mức phải cải tạo, mở rộng, nhưng giao thông tĩnh thì cấp bách vì nhu cầu đỗ xe lớn, vì phát triển thương mại. Hiện nay các bãi đỗ xe mới chỉ đáp ứng 6-7% nhu cầu. Về lâu dài thì cần phải di chuyển một số bệnh viện, cơ quan hành chính nằm ở lõi đô thị ra bên ngoài thì sẽ giảm được mật độ lớn giao thông.

Trong khi đó, Thiếu tướng Trần Thùy - Phó Giám đốc Công an TP.Hà Nội nêu quan điểm về các quyết định đổi giờ, cấm đỗ, cấm trông giữ phương tiện, Thiếu tướng Trần Thùy nhìn nhận bước đầu ra quân thực hiện các quy định này thấy rất tốt nhưng cơ bản là có giữ được hay không, sợ giai đoạn đầu hăng hái, làm quyết liệt có chuyển biến, về sau một thời gian lại quên đi và trở lại tình trạng như cũ.

“Tôi đề nghị, các văn bản đã ra thì phải quyết tâm làm bằng được và phải giữ được, chứ hiện nay các quận vi phạm quá nhiều, quận cho các doanh nghiệp trông giữ xe nhưng cho 1 thì làm 10. Phải làm quyết liệt, chiếm dụng lòng đường vỉa hè thì phạt 20-30 triệu, phạt lần đầu là 25 triệu, vi phạm lần 2, lần 3 thì đề nghị thu hồi. Phải làm nghiêm chỉnh, người làm phải là cơ sở, chứ công an thành phố chỉ có mấy chục cán bộ mà suốt ngày cứ đi với các phường thôi thì không làm được việc gì khác nữa. Tết vừa rồi xử phạt lấn chiếm lòng đường, vỉa hè kinh doanh đã phạt 5 tỷ rồi, nhưng cũng chỉ muối bỏ bể thôi” - Thiếu tướng Trần Thùy nhấn mạnh.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông và khẳng định giao thông tĩnh là 1 trong các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi cũng ủy quyền cho quận Hoàn Kiếm thực hiện đề xuất càng sớm càng tốt và có cơ chế đặc thù cho quận này.

Quỳnh Anh