Độ phủ vaccine của Việt Nam đã đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, đến nay Việt Nam đã tiêm vaccine mũi một cho người trưởng thành trở lên đạt trên 99%, mũi 2 đạt trên 90%, đã đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng.
Tại tọa đàm "Nhìn lại 2021 - những chuyển hướng chiến lược" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, các khách mời phân tích, đánh giá về những chính sách mang tính chuyển hướng chiến lược trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, nhất là Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, các dấu ấn trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm qua, đặc biệt là suy nghĩ và nhận định về triển vọng năm 2022 cũng như các năm tiếp theo.
Một vấn đề đặt ra cho các khách mời tại buổi tọa đàm là ý kiến cho rằng, Việt Nam chậm chuyển hướng chống dịch, nhất là từ chỗ "zero covid" sang thích ứng linh hoạt, sống an toàn với Covid-19.
Nói về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho rằng, dịch Covid-19 là bệnh dịch mới nổi trên thế giới. Do đó, không riêng ở Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới khi phòng, chống dịch bệnh này đều vừa làm, vừa học hỏi và điều chỉnh cho phù hợp với từng giai đoạn cụ thể.
Khi chống dịch, Việt Nam đã nghiên cứu các giải pháp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), kinh nghiệm của các nước, để từ đó đưa ra các giải pháp chống dịch ở Việt Nam cho phù hợp, hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại.
"Ngay từ đầu, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã coi chống dịch như chống giặc. Căn cứ vào thực tế, Việt Nam đã có những điều chỉnh các biện pháp chống dịch cho phù hợp, nhất là đợt dịch thứ 4. Chúng ta coi mỗi xã phường là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch. Tôi cho rằng, những điều chỉnh chống dịch của Chính phủ là phù hợp. Việt Nam đã cơ bản khống chế thành công với biến chủng Delta", ông Tuyên đánh giá.
Trở lại vấn đề chuyển hướng chống dịch nhanh hay chậm, ông Tuyên giải thích: Bệnh do virus giải pháp căn cơ là phải có vaccine, do đó, khi bệnh này xuất hiện, các nước đã rất tích cực nghiên cứu để sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Giai đoạn đầu, Việt Nam chưa có vaccine, để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất, chúng ta đã áp dụng cách ly triệt để với mong muốn đạt "zero covid".
Tuy nhiên, đến thời điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 ở Việt Nam đạt tỷ lệ cao, đó là thời điểm Chính phủ chuyển hướng biện pháp chống dịch sang thích ứng linh hoạt, sống an toàn với Covid-19. Đó là sự chuyển hướng phù hợp, đúng thời điểm, không nhanh và không chậm.
"Đến nay, Việt Nam đã tiêm vaccine mũi một cho người trưởng thành trở lên đạt trên 99%, mũi 2 đạt trên 90% đã đảm bảo đạt miễn dịch cộng đồng. Do đó, chiến lược chống dịch của Việt Nam chuyển hướng từ chỗ "zero covid" sang thích ứng linh hoạt, sống an toàn với Covid-19 là hoàn toàn phù hợp, đúng thời điểm", ông Tuyên nói.
Đồng tình với quan điểm của ông Tuyên, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho rằng, những giải pháp và chuyển hướng chống dịch của Chính phủ trong công tác chống dịch là hoàn toàn phù hợp.
Theo ông Vũ, để chống dịch thành công cần dựa vào các yếu tố, như: Học hỏi kinh nghiệm của các nước để từ đó có giải pháp phù hợp với thực tế ở Việt Nam cho từng giai đoạn; chống dịch dựa vào vaccine và thuốc đặc trị; sự chỉ đạo xuyên suốt, thống nhất từ trên xuống dưới của hệ thống chính trị; tinh thần tương thân tương ái...
Nhắc lại thời điểm chống dịch khó khăn khi phải chi viện cho miền Nam trong đợt dịch lần thứ 4, Trung tướng Ngô Minh Tiến - Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam - chia sẻ: Khi dịch bùng phát ở TPHCM và các tỉnh phía Nam, các địa phương này đã rơi vào hoàn cảnh quá sức chống đỡ nên cần hỗ trợ từ Trung ương. Thời điểm này, có nhiều ý kiến cho rằng, tại sao không ban bố tình trạng khẩn cấp để có các giải pháp chống dịch mạnh hơn cho các tỉnh phía Nam.
Tuy nhiên, theo ông Tiến, nếu chúng ta ban bố tình trạng khẩn cấp, các thế lực sẽ lợi dụng tình hình để xuyên tạc, nói xấu Chính phủ, chế độ. Do đó, chúng ta đã không ban bố tình trạng khẩn cấp, mà Thủ tướng Chính phủ đã giao các lực lượng có lựa chọn, chủ yếu y tế, quân đội, công an chi viện cho các tỉnh miền Nam chống dịch.
"Khi Thủ tướng giao nhiệm vụ, tất cả đều hăng hái lên đường. Chỉ sau 3 tháng, chúng ta đã khống chế được dịch tại TPHCM và các tỉnh phía Nam, mà các nước tiên tiến trên thế giới phải mất 6-9 tháng. Có thể nói, chúng ta không ban bố tình trạng khẩn cấp là sáng suốt" - Trung tướng Ngô Minh Tiến nói.
Một bước chuyển biến trong công tác chỉ đạo chống dịch của Chính phủ được các đại biểu đánh giá cao là khi Nghị quyết 128 được ban hành.
Theo đánh giá của ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã đưa ra những giải pháp rất đúng đắn, thời điểm ban hành phù hợp.
"Nghị quyết đã đáp ứng được mong mỏi của người dân, khi họ đã trải qua thời gian dài chống dịch. Còn ở khía cạnh kinh tế, Nghị quyết này có ý nghĩa trong việc đảo chiều để tăng trưởng kinh tế, kết quả kinh tế đạt được trong quý IV là nhờ Nghị quyết 128" - ông Phương đánh giá.