TPHCM:

Dở khóc dở cười chuyện mua vé xe Tết qua mạng

(Dân trí) - Trong khi nhiều người đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” chịu giá gấp 3 lần ngày thường khi mua vé xe Tết thì cũng không ít người mua được vé online đúng giá nhưng lại bị nhà xe “cắt” vé đã đặt cọc…

Hành trình về quê đón Tết của những người con làm ăn xa xứ năm nào cũng lao đao, vất vả. Quanh đi quẩn lại vẫn là chuyện giá vé xe.


Năm nào người dân cũng đành ngậm bồ hòn làm ngọt mua vé xe giá cao về Tết (ảnh minh họa)

Năm nào người dân cũng đành "ngậm bồ hòn làm ngọt" mua vé xe giá cao về Tết (ảnh minh họa)

So với mọi năm thì năm nay việc mua vé đỡ vất vả hơn. Năm nay người dân có thể mua vé trực tiếp tại bến xe hay văn phòng các hãng xe; mua trực tuyến trên website của một số hãng xe lớn và mua vé của bến xe miền Đông qua địa chỉ www.pasoto.com . Đây là năm đầu tiên bến xe miền Đông triển khai bán vé trực tuyến.

Nhờ đó, không còn cảnh người dân đến bến xe từ sớm tinh mơ để rồi ngủ vật vờ, xếp hàng mua vé, hay cảnh chen nhau đến ngất xỉu… Nhưng giá vé “cắt cổ” thì năm nào cũng lặp lại. Thậm chí năm nay còn có xu hướng tăng khi có đến 1.000 xe trong tổng số 4.000 xe hoạt động tại bến xe miền Đông bỏ bến ra ngoài đón khách để lấy giá cao.

Nhiều doanh nghiệp đặt quầy bán vé tại bến xe cho có lệ còn chủ yếu là “bán chui” để đẩy giá lên cao. Nhiều hãng xe vừa chạy trong bến vừa chạy ngoài bến theo dạng hợp đồng hoặc du lịch lữ hành. Các xe chạy ngoài bến thì hay đẩy giá lên cao vào dịp cao điểm Tết. Nhiều hãng chạy hợp đồng, du lịch nhưng thực chất là chạy tuyến cố định để kinh doanh dịp Tết.

Năm nào giá vé về miền Trung cũng bị đẩy lên gấp 3 lần ngày thường, thậm chí cao hơn gần 4 lần… Điều đáng nói là việc tăng giá vé “vô tội vạ” dịp Tết vẫn diễn ra như “vốn phải thế”, gây bức xúc dư luận nhưng cơ quan chức năng dường như bất lực. Và hệ quả rõ ràng nhất là sự thiệt thòi đối với người dân, lao động nghèo.

Kiểu làm ăn chụp giật, đặt lợi ích của mình lên trên hết, bất chấp chữ tín của một số doanh nghiệp vận tải thể hiện rõ qua việc bán vé online.

Dịp Tết năm nay, ngoài việc bán vé xe do bến xe miền Đông chỉ định thì website www.pasoto.com còn đàm phán với các nhà xe để đặt trước một số vé xe. Khách đặt cọc trước và sau đó nhận vé với giá chính thức do các nhà xe bán vào thời điểm Tết (tỷ lệ phụ thu đúng quy định). Website bán vé cũng không nhận hoa hồng từ các nhà xe để giảm giá vé đến mức thấp nhất.

Từ ngày 25/11 đến 15/12/2015, website này đã bán ra được 2.500 vé Tết. Nhưng bị một số thay đổi từ phía nhà xe nên kết quả chỉ lấy được 2.200 vé để giao cho hành khách. Đơn vị bán vé trực tuyến này đã kiên trì làm việc với các nhà xe và lấy thêm được 100 vé và vẫn còn thiếu 200 vé. Điều này đồng nghĩa với việc 200 khách phải mua vé mới.

Theo ông Lâm Minh Chánh – Đại diện website cho biết, 200 vé bị thiếu là của 5 doanh nghiệp nhưng ông từ chối nói tên và tuyến về tỉnh nào.

“Dù đã đàm phán, thỏa thuận rất rõ nhưng đến cận Tết thì họ nói không thể cung cấp đủ vé. Đây là sự thay đổi của nhà xe nằm ngoài ý muốn của pasoto. Nhà xe không giữ cam kết thì chúng tôi cũng dở khóc dở cười. Chúng tôi gửi lời xin lỗi chân thành đến quý hành khách và cố gắng giải quyết hậu quả thỏa đáng nhất”, ông Chánh nói.

Ông Chánh cho biết, sự thay đổi sẽ gây khó khăn cho hành khách và xin đề nghị 3 phương án khắc phục. Thứ nhất, hành khách đồng ý mua vé xe Tết do bến xe miền Đông bán trên website thì ngoài tiền đã đặt cọc sẽ nhận thêm 100.000 đồng để mua vé. Nếu hành khách mua vé máy bay thì ngoài nhận lại tiền đặt cọc sẽ được cộng thêm 200.000 đồng. Đơn vị sẽ mua vé máy bay và báo cho hành khách phải trả thêm bao nhiêu tiền. Còn nếu hành khách không đồng ý hai phương án trên thì sẽ được nhận lại 150% tiền cọc.

Trước mắt, 200 hành khách bị “cắt” vé phải vất vả tìm mua vé xe khác và chắc chắn sẽ không được như ý vì thời điểm này hầu như rất khan hiếm vé xe thương hiệu dịp cao điểm Tết. Còn với nhà xe, chắc chắn những vé này sẽ được bán với giá cao hơn giá niêm yết để kiếm thêm tiền lời.

Lại một năm nữa người dân lao đao, vất vả với chuyện mua vé xe Tết. Họ đành “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà móc hầu bao mua vé giá “cắt cổ”. Và câu hỏi đặt ra là bên cạnh việc tự do cạnh tranh hút khách của các nhà xe thì vai trò của cơ quan chức năng ở đâu trong vấn đề quản lý hoạt động vận tải và quản lý giá cả?

Quốc Anh

Dở khóc dở cười chuyện mua vé xe Tết qua mạng - 2