Quảng Trị:
Dỡ bỏ giàn loa sặc sỡ mới được phục dựng ở di tích Hiền Lương
(Dân trí) - Sau 10 ngày được lắp đặt tại phía bờ Nam di tích Quốc gia đặc biệt Hiền Lương - Bến Hải, trước những phản ứng của du khách và người dân, giàn loa màu sắc sặc sỡ đã bị tháo dỡ xuống.
Dự án “Bảo tồn, tôn tạo bờ Nam di tích Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải”, do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh Quảng Trị làm chủ đầu tư.
Dự án này được ủy quyền cho Ban quản lý dự án (BQLDA) Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Trị quản lý . Dự án trên có vốn đầu tư 15 tỷ đồng, do TP Hải Phòng hỗ trợ. Công trình dự kiến sẽ hoàn thành, bàn giao vào dịp lễ thống nhất non sông 30/4.
Theo đó, dự án sẽ triển khai nâng cấp, tôn tạo các hạng mục: chỉnh trang lại sân lễ hội; san lấp mặt bằng làm công viên tiểu cảnh; hạ cốt đường dẫn lên cầu di tích Hiền Lương; phục hồi nhà giao ban ở bờ Nam, cột cờ; hệ thống cột và giàn loa. Riêng hạng mục nhà giao ban ở bờ Nam, cột cờ chỉ phục dựng một phần để minh họa chứ không làm nguyên bản.
Trong đó, giàn loa là hạng mục minh họa hệ thống phát thanh của bờ Nam trước đây. Cách đây khoảng 10 ngày, đơn vị thi công đã cho dựng hệ thống cột loa ở bờ Nam khu di tích và gắn 7 chiếc loa được sơn màu cam sặc sỡ trên cột. 7 chiếc loa được gắn lên giàn sắt có 3 chiếc hướng về phía quốc lộ 1A, 4 chiếc còn lại hướng vào phía Nam.
Sau khi giàn loa được lắp đặt, người dân và du khách đã lên tiếng phản ứng, cho rằng giàn loa có những điểm không hợp lý như màu sơn quá sặc sỡ, cột loa cũng không giống với một số ảnh tư liệu trước đây. Đặc biệt, không ít cán bộ tại tỉnh Quảng Trị cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình trên mạng xã hội, cho rằng giàn loa không đúng với tư liệu lịch sử.
Hình ảnh giàn loa phát thanh ở bờ Nam sông Bến Hải trong một bức ảnh tư liệu lịch sử.
Một số ảnh tư liệu cho thấy, có 8 chiếc loa được lắp ở giàn sắt, trong đó có 3 chiếc hướng ra phía Bắc sông Bến Hải, những chiếc loa được sơn màu xám sẫm chứ không phải màu cam, giàn sắt để lắp dàn loa nhỏ hơn nhiều so với mẫu phục dựng.
Ngoài ra, người dân cũng có ý kiến về vị trí của các hạng mục: nơi đặt giàn loa, nhà giao ban ở bờ Nam…
Trước phản ứng của du khách và người dân, giàn loa sơn màu cam vừa được phục dựng ở bờ Nam di tích đã được tháo xuống.
Ông Đỗ Văn Bình - Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Trị - cho biết, trước khi thực hiện, Sở đã thành lập hội đồng chuyên môn để thẩm định, tư vấn, gồm: các bộ phận chuyên môn của Sở, Ban quản lý di tích, Hội Lịch sử, Hội di sản, đại diện lãnh đạo Hội Lịch sử, các nhân chứng… Sau đó, lập biên bản các ý kiến chuyên gia, báo cáo trước UBND tỉnh, trình hồ sơ ra Cục Di sản (Bộ Văn hóa) thẩm định đồng ý các phương án tôn tạo mới cho đấu thầu. Các quy trình đều thực hiện rất bài bản, thận trọng.
Những chiếc loa đã được tháo khỏi cột.
Trên tinh thần tôn trọng di tích, Sở tiếp thu ý kiến của các nhà chuyên môn, giới nghiên cứu lịch sử, du khách, nhân chứng và các thông tin trên mạng xã hội. Hiện Sở đã cử bộ phận chuyên môn đến kiểm tra lại.
“Trước những phản ứng của người dân, Sở đã yêu cầu gỡ giàn loa xuống, báo cáo lại để xem cái gì chưa đúng thì điều chỉnh. Cùng với đó, tìm thêm các hình ảnh tư liệu trước đây, yêu cầu đơn vị thiết kế, thi công làm đúng như trong thiết kế đã được phê duyệt”, ông Bình nói.
Theo lãnh đạo ngành Văn hóa, về các hạng mục khác cũng được phục dựng, tôn tạo lại, lấy cây cầu làm trung tâm. Tuy nhiên, trước đây khi phục dựng cây cầu đã có sự dịch chuyển nên bây giờ các hạng mục khác cũng phải dịch chuyển theo cho phù hợp. Những thay đổi này đã được Bộ Văn hóa phê duyệt, có tham vấn ý kiến của nhiều chuyên gia.
Phục dựng một phần nhà giao ban ở bờ Nam di tích.
Ông Phan Văn Thắng – Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Quảng Trị nói rằng, với tư cách là đơn vị quản lý rất tôn trọng ý kiến của người dân, các chuyên gia nên khi nghe phản ánh đã yêu cầu gỡ giàn loa xuống và yêu cầu đơn vị thi công làm đúng như các hình tư liệu. Còn những thanh sắt ở giàn được đơn vị thiết kế to hơn nguyên bản vì yếu tố an toàn, chịu lực.
Ông Thắng cho biết, sẽ yêu cầu sơn lại màu của những chiếc loa, điều chỉnh hướng lắp đặt loa và cả những thanh sắt để lắp giàn loa.
“Chúng tôi sẽ dựa vào các hình tư liệu, quá trình thi công sẽ lắng nghe ý kiến, nếu có gì không hợp lý sẽ điều chỉnh”, ông Thắng nói.
Được biết, dự án nói trên do Công ty CP đầu tư thương mại xây dựng Đức Phát và Công ty TNHH Thanh Niên thi công; thiết kế là Công ty CP Tư vấn chất lượng công trình Kiến Trúc Xanh, Quảng Trị.
Đ. Đức