“DNNN làm ăn thua lỗ vẫn trả lương cao ngất”
(Dân trí) - “Có những doanh nghiệp nhà nước làm ăn không tốt, không hiệu quả nhưng lương vẫn cao ngất khiến dư luận dị nghị” – Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai phát biểu trước UB Thường vụ QH.
Sáng 15/7, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.
Báo cáo tiếp thu chỉnh lý dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết, qua thảo luận tại Quốc hội, một số ý kiến đề nghị xác định rõ hơn mô hình đại diện chủ sở hữu, xóa bỏ cơ chế bộ, ngành chủ quản; nghiên cứu thực hiện mô hình tập trung, có thể giao cho một cơ quan thực hiện quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm tách bạch với cơ quan quản lý nhà nước.
Có ý kiến đề nghị trước mắt nên lựa chọn mô hình hỗn hợp, điều phối chức năng tùy thuộc vào quy mô và tầm quan trọng của doanh nghiệp nhà nước.
Cơ quan soạn thảo đề xuất giữ nguyên mô hình như hiện nay. Theo đó Chính phủ thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước. Thủ tướng, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do mình quyết định thành lập hoặc được giao quản lý và đối với vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác.
Hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty trực tiếp thực hiện một số quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
Thẩm tra dự án luật, UB Kinh tế chỉ rõ, việc giữ nguyên mô hình như hiện nay sẽ không khắc phục được triệt để các tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, cơ quan này đề xuất phương án quy định thành lập một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ hoạt động theo luật này, thực hiện việc quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, thực hiện phương án này sẽ tạo được sự đột phá, thay đổi cơ bản trong việc quản lý doanh nghiệp nhà nước, tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp.
Đóng góp ý kiến cho Điều 34-35 của dự thảo luật về vấn đề lương, thưởng của khối DNNN, Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai - của Quốc hội cho rằng, nguyên tắc đầu tiên để trả lương, thưởng phải phù hợp Bộ Luật Lao động. DN dù là 100% vốn Nhà nước đầu tư hay DN tư nhân thì vấn đề liên quan lương, thưởng phải dựa trên nguyên tắc cơ bản của Bộ luật Lao động.
Bà Mai đề nghị lấy các quy định trong Bộ luật Lao động làm nguyên tắc. Còn nếu có quy định thêm về lương, thưởng tại DNNN thì cũng phải đi kèm điều kiện khác chứ không thể “một mình một chiếu” chỉ vì được nhà nước đầu tư 100% vốn.
Chính yếu tố dùng vốn nhà nước, theo bà Mai, lại cần quản lý lương thưởng chặt với những điều kiện đặc thù hơn, còn nếu không đặt ra vấn đề này thì DNNN cũng áp dụng bình đẳng với các loại hình DN khác.
“Lâu nay, lương, thưởng vẫn được đưa vào quy định của Bộ Luật Lao động là vì trên thực tế, các DNNN trả lương không như quy định Bộ Luật lao động, trả lương cao hơn mức cho phép và không căn cứ vào hiệu quả sản xuất kinh doanh. Có những doanh nghiệp nhà nước làm ăn không tốt, không hiệu quả nhưng lương vẫn cao ngất khiến dư luận xã hội dị nghị, bình luận” – bà Mai nhấn mạnh nguyên lý, trả lương phải căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc và bình đẳng giữa các DN.
P.Thảo