Dinh Độc Lập - nơi khắc ghi dấu ấn lịch sử TPHCM
(Dân trí) - Nhân dịp lễ 30/4, người dân TPHCM và du khách ghé thăm Dinh Độc Lập để tìm hiểu về lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Đây là địa chỉ đỏ có giá trị lịch sử nổi tiếng của Thành phố mang tên Bác.
Dinh Độc Lập tọa lạc trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa (quận 1, TPHCM). Đây là Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia đặc biệt, là điểm đến thường xuyên của du khách trong và ngoài nước. Dinh Độc Lập có diện tích xây dựng 4.500m2 nằm trong khuôn viên 12ha phủ xanh bởi cây cối, tòa nhà cao 26m gồm 3 tầng chính, 2 gác lửng, tầng nền, 2 tầng hầm và 1 sân thượng.
Sân thượng được thiết kế chuyên dụng dùng làm bãi đáp cho máy bay trực thăng của Tổng thống và các lãnh đạo cấp cao chính quyền Việt Nam cộng hòa (VNCH) trước năm 1975.
Trên sân thượng vẫn còn một chiếc trực thăng UH1. Đây là loại máy bay chiến đấu do hãng Bell (Mỹ) chế tạo, trang bị cho Mỹ năm 1959 và sử dụng tại chiến tranh Việt Nam năm 1962. Hai khoanh tròn đỏ cũng như mảnh bom còn sót lại ghi nhớ vụ ném bom ngày 8/4/1975 của phi công Nguyễn Thành Trung.
Hiện trạng cổng chính và cổng phụ Dinh Độc Lập được phục chế lại. Trước đó vào lúc 11h ngày 30/4/1975, xe tăng của Quân đội nhân dân Việt Nam đã húc đổ cả hai cổng này.
Sau đó, Đại đội trưởng Bùi Quang Thận, đại đội 4, tiểu đoàn 1, lữ đoàn 203, quân đoàn 2, Quân đội nhân dân Việt Nam ra khỏi xe và cắm lá cờ trên nóc Dinh Độc Lập. Đây là sự kiện đánh dấu giờ phút thiêng liêng của dân tộc, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Dinh Độc Lập được đưa vào sử dụng chính thức từ năm 1966, là nơi ở và làm việc của nhiều lãnh đạo cấp cao chính quyền VNCH như các đời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ, Tổng thống Dương Văn Minh…
Từ nhiều năm nay, Dinh Độc Lập mở cửa đón người dân và du khách vào tham quan, tìm hiểu lịch sử liên quan.
Dinh có hơn 100 căn phòng được trang trí tỉ mỉ. Một số căn phòng đặc biệt có thể kể đến như: Phòng trình quốc thư, phòng làm việc của Phó tổng thống, phòng ngủ của Tổng thống và Phó tổng thống, phòng giải trí, phòng xem phim…
Phòng và bàn làm việc của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu là nơi thu hút khách tham quan nhất Dinh Độc Lập.
"Nơi đây thường đông đúc vào dịp lễ 30/4, 1/5 hoặc những ngày lễ, Tết. Từ đầu năm 2022 đến nay, Dinh chủ yếu đón khách trong nước, du khách nước ngoài khá ít", chị Minh, hướng dẫn viên tại Dinh Độc Lập cho biết.
Phòng trình quốc thư được trang trí đẹp mắt. Đây là phòng để Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu tiếp đại sứ các nước đến trình ủy nhiệm thư. Nội thất do họa sĩ Nguyễn Văn Minh thực hiện theo phong cách Nhật Bản. Điểm nhấn là bức tranh sơn mài với tên gọi "Bình Ngô đại cáo" được ghép thành từ 40 mảng tranh, miêu tả cuộc sống thanh bình của người dân Việt Nam thế kỷ 15.
Du khách tham quan phòng làm việc, phòng ngủ của Phó tổng thống VNCH Nguyễn Cao Kỳ.
Phòng xem phim (hoặc xem hát) của lãnh đạo cấp cao chế độ VNCH.
Nhóm du khách Hà Nội tham quan khu hầm bí mật của Tổng thống VNCH. Hầm dài 72,5m, rộng từ 0,8 đến 22,5m. Các phòng trong hầm được liên kết bằng những lối nhỏ, đúc bê tông, tường bọc thép dày 5mm có thể chịu được bom 500kg. Đây là nơi ở và làm việc của Tổng thống VNCH khi bị Quân đội nhân dân Việt Nam công kích.
Đài phát thanh dự phòng trong tầng hầm có thể hoạt động độc lập khi các đài phát thanh mặt đất bị hư hỏng. Đây từng là nơi để chính quyền VNCH truyền tin tới Mỹ và các nước đồng minh trong những tình huống khẩn cấp.
Xe Mercedes Benz 200 W110 của Đức được sản xuất vào thập kỷ 1960 là một trong những chiếc xe mà Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã sử dụng. Đây là "chiến lợi phẩm" của Trung đoàn 48, Sư đoàn 390, Quân đoàn 1 quân Giải phóng đi đánh vào căn cứ Bộ tổng tham mưu quân đội Việt Nam Cộng hòa lúc 9h10 ngày 30/4/1975.
Giờ học ngoại khóa của nhóm học sinh TPHCM tại Nhà trưng bày "Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 - 1966". Ngôi nhà được xây dựng từ thời Pháp, nằm trong khuôn viên di tích Dinh Độc Lập hiện hữu.
Nhà trưng bày có hơn 800 tư liệu giấy và hình ảnh được trưng bày với nhiều chủ đề như: Đời sống Sài Gòn thời Pháp thuộc, cuộc chiến giành quyền lực ở Sài Gòn, gia đình trị của các tổng thống VNCH, vụ ném bom đảo chính tại Dinh Tổng thống VNCH năm 1962...
"Câu chuyện Việt Nam trong chiến tranh được lưu giữ và trưng bày thật ấn tượng. Nhiều năm sau chiến tranh, tôi thấy TPHCM ngày càng phát triển và tươi đẹp hơn. Chúc mừng các bạn", một du khách Mỹ nói.
"Sau khi đã tham quan Dinh Độc Lập, Nhà trưng bày 'Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 - 1966' là điểm dừng chân cuối cùng của em trước khi ra về. Tư liệu lịch sử ở đây rất phong phú và bổ ích, có ý nghĩa giáo dục lớn đối với những người trẻ như chúng em", Duy Hiếu (TPHCM) nói.
Hai chiếc xe tăng số hiệu 390 và 843 của đại đội 4, tiểu đoàn 1, lữ đoàn 203, quân đoàn 2, Quân đội nhân dân Việt Nam tiến vào Dinh Độc Lập ngày 30/4/1975 được trưng bày (phiên bản phụ) trong khuôn viên Dinh Độc Lập.
"Trước đây tôi chỉ thấy hình ảnh Dinh Độc Lập trên báo, đài và tivi. Hôm nay được tận mắt chứng kiến, tôi rất xúc động và tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc ta", ông Hoàng, du khách Hà Nội chia sẻ.
Tuyến đường Lê Duẩn dẫn vào Dinh Độc Lập được treo pano, khẩu hiệu mừng Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Khoảng một tuần nay, lượng khách tham quan Dinh Độc Lập mỗi ngày tăng gần gấp đôi so với tuần trước. Du khách thường đi theo nhóm, đến từ hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Được thiết kế theo phong cách cổ điển mang chút lãng mạn tân Baroc, chi phí xây dựng Dinh đã ngốn hết 1/4 ngân sách thuộc địa. Sau này nó trở thành Dinh toàn quyền Đông Dương (dinh Norodom) ở phía Nam. Năm 1954, sau thất bại Điện Biên Phủ, người Pháp đã giao Dinh lại cho chính quyền Sài Gòn lúc đó và nó được đổi tên thành dinh Độc Lập.
Năm 1962, phe đảo chính chính quyền Ngô Đình Diệm đã dùng máy bay ném bom khiến cánh trái của Dinh bị hư hại nặng, không thể phục hồi. Dinh bị phá bỏ và một công trình mới được xây dựng ngay trên nền đất cũ theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Được khởi công xây dựng vào tháng 7/1962, đến tháng 10/1966 công trình mới hoàn tất. Nhưng người chủ tọa buổi lễ khánh thành lại là Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ. Từ đó Dinh Độc Lập trở thành cơ quan đầu não chính quyền Sài Gòn.
Ngày 30/4/1975, Dinh Độc Lập là nơi hội quân giải phóng miền Nam và cũng là nơi diễn ra sự chấp nhận đầu hàng của chính quyền tướng Dương Văn Minh, kết thúc 30 năm chiến tranh, thống nhất đất nước. Ngày nay, với tên gọi hội trường Thống Nhất, đây là di tích lịch sử văn hóa thường xuyên được du khách trong và ngoài nước đến tham quan.