Ký ức của người chỉ huy Trung đoàn đầu tiên đánh vào Dinh Độc Lập
(Dân trí) - "Trước thời khắc lịch sử ấy, không riêng gì bản thân tôi mà toàn thể chiến sĩ đều vui sướng đến phát khóc. Suốt cuộc đời người lính chúng tôi không thể quên được " - Đại tá Nguyễn Sơn Văn nhớ lại.
Vì tổ quốc quên mình
Chiến tranh đã lùi xa, người chỉ huy năm xưa nay đã ngoài 80 tuổi. Ngồi trầm tư bên cốc nước chè, cầm chiếc đài radio nhỏ chăm chú lắng nghe bài hát "Tiến về Sài Gòn". Những kí ức năm xưa trên chiến trường lại ùa về trong ký ức của ông.
Năm 1963, tròn 18 tuổi, việc học hành còn dang dở nhưng thanh niên Nguyễn Sơn Văn (quê ở xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) vẫn xung phong lên đường nhập ngũ.
Sau thời gian huấn luyện tân binh, tháng 12/1963, chiến sĩ trẻ Nguyễn Sơn Văn được đưa vào thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 803, Sư đoàn 324 nhận nhiệm vụ cùng đơn vị tham gia chiến dịch 128 ở Lào.
Từ năm 1963 -1964, người lính trẻ có mặt làm nhiệm vụ quốc tế trên chiến trường Lào. Sau khi tham gia chiến dịch giải phóng Luông Nậm Thà, năm 1963 - 1964 tham gia chiến dịch 74A -74B, bảo vệ vùng căn cứ địa của Lào tại hai tỉnh Hủa Phăn và Xiêng Khoảng.
Năm 1965, sau khi cùng sát cánh chiến đấu với quân và dân nước bạn Lào hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, ông được trở về nước dự khóa đào tạo tại trường Sỹ quan lục quân. Năm 1966, ông trở lại chiến trường miền Nam trong đội hình Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 với cấp bậc Thiếu úy rồi được bổ sung về Trung đoàn 66, Sư đoàn 304 làm trợ lý tác chiến Trung đoàn.
Trải qua những năm tháng phát triển ở chiến trường, ông là cán bộ chỉ huy đảm đương ở các cấp Đại đội, Tiểu đoàn, Trung đoàn, Quân đoàn… tham gia nhiều trận đánh lớn ở mặt trận tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, điển hình như: Chiến dịch đường 9 Nam Lào, đánh chiếm và chốt giữ Thành cổ Quảng trị…
Ngày 26/3/1975, khi đang chốt giữ ở Thượng Đức (Quảng Nam) chúng tôi nhận được lệnh hành quân ra đường 14 tiến về Đà Nẵng đánh chiếm sân bay Nước Mặn. toàn bộ Trung đoàn bừng khí thế vừa hành quân vừa diệt địch, hoàn thành giải phóng Đà Nẵng.
Sau đó, tiến vào Nam đập tan các cứ điểm phòng thủ khác của địch ở Phan Rang, Hàm Tân (Bình Thuận) vào rạng sáng 22/4/1975. Trung Đoàn 66, Sư đoàn 304, nằm trong đội hình Binh đoàn thọc sâu của Quân đoàn 2, với nhiệm vụ là đánh chiếm Dinh Độc Lập, Đài phát thanh, Bộ Tư lệnh Hải quân, cảng Ba Son. Trung đoàn 66 là lực lượng đi đầu cùng với xe tăng có nhiệm vụ đánh chiếm Dinh Độc Lập. Khi đó ông Nguyễn Sơn Văn - là người chỉ huy Trung đoàn 66.
"Thời điểm đó Tổng thống chính quyền Sài Gòn nhận định Quân đoàn 2 sẽ mất hơn 1 tháng mới có thể từ Ninh Thuận vào đến Sài Gòn. Ngày 22/4, sau khi tiến công giải phóng thị xã Hàm Tân (Bình Thuận), đơn vị tiến về tập kết tại đồn điền ông Quế (Bà Rịa - Vũng Tàu) nhanh chóng bí mật, bất ngờ bao vây, nhổ gọn trường Sỹ quan Ngụy ở Long Thành (Đồng Nai). Ngày 26/4/1975, Trung đoàn 66 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh theo hướng tiến công từ cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn", ông Văn nhớ lại.
Vững tin ngày vui giải phóng
23h ngày 29/4/1975, đội hình tấn công vượt qua cầu sông Buông, cầu Sa Lộ (Biên Hòa). Gần 6h ngày 30/4/1975, binh đoàn thọc sâu tiến đến cầu Sài Gòn, vấp phải sự kháng cự quyết liệt của địch tại đây. Trước khí thế tiến công như vũ bão của quân giải phóng, không thể giật sập cầu, tiểu đoàn phòng ngự của địch ở đây "không đánh mà tan".
Bộ binh ào ào tiến qua cầu, theo bản đồ tiến vào Sài Gòn. Trên đường tiến công của quân giải phóng, chính quyền địch chạy trốn, bỏ nhiệm sở. Đường vào đô thành thênh thang rộng mở, chào đón những người lính tiến vào thành lũy cuối cùng của chính quyền Sài Gòn.
"Đường tiến vào dinh Độc Lập vắng ngắt. Những tấm biển cảnh báo "người và ngựa đi qua, binh sĩ sẽ nổ súng" được chính quyền Sài Gòn chăng khắp nơi để ngăn người dân tiếp cận Dinh Độc Lập. Hơn 10h ngày 30/4/1975, Trung đoàn 66 đã có mặt ở cổng Dinh Độc Lập, phối hợp cùng các đơn vị khác bao vây, giải phóng thành lũy cuối cùng của địch", Đại tá Nguyễn Sơn Văn nhớ lại.
"Thời điểm này, chiếc cổng phụ của Dinh Độc Lập đã mở, tôi cùng Đại úy Phạm Xuân Thệ - Trung đoàn phó Trung đoàn 66, ngồi trên chiếc xe Zep tiến vào. Trung đoàn 66 là đơn vị bộ binh đầu tiên có mặt ở Dinh Độc Lập vào sáng ngày 30/4, chứng kiến khoảnh khắc sụp đổ của chính quyền Sài Gòn khi lá cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam được kéo lên…", Khoảnh khắc ấy tôi còn nhớ mãi.
11h30 ngày 30/4/1975, nghe tiếng Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên sóng phát thanh, những người lính Bắc Việt vượt ngàn trùng xa xôi vào đây nối liền một dải non sông nước mắt hòa lẫn nụ cười. Trên đường phố, tàn quân địch cởi bỏ quân phục, vứt hết vũ khí thất thểu chạy trốn. Người dân ùa ra đường, cờ hoa rực rỡ, hòa cùng bài ca "Nối vòng tay lớn".
"Trước thời khắc lịch sử ấy, không riêng gì bản thân tôi mà toàn thể mọi cán bộ, chiến sĩ đều vui sướng đến phát khóc. Vui sướng vì nhiệm vụ đã hoàn thành, khóc vì đau lòng thương tiếc đồng đội đã nằm lại khắp các chiến trường. Cái khoảnh khắc trong ngày đại thắng đó suốt cuộc đời người lính chúng tôi không thể quên được", ông hồi tưởng.
Sau ngày giải phóng, Đại tá Nguyễn Sơn Văn tiếp tục chỉ huy đơn vị lên Tây Nguyên dẹp loạn Phun-rô rồi ra Bắc học lớp đào tạo sỹ quan cao cấp. Đến năm 1977, ông chuyển ra Bắc đi học, sau đó làm Hiệu trưởng trường Quân chính, Quân đoàn 2 (trường đào tạo cán bộ, sỹ quan lúc đó) rồi chuyển qua nhiều đơn vị khác nhau cho đến năm 1993 thì về hưu.
Với hơn 43 năm gắn bó đơn vị, 30 năm gắn liền với chiến trường Miền Nam đảm nhiệm trọng trách Trung đoàn trưởng, Phó tham mưu trưởng Quân đoàn 2, Đại tá Nguyễn Sơn Văn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Đặc biệt, trong ngày đại thắng mùa xuân 1975, ông luôn vinh dự và tự hào là người chỉ huy Trung đoàn 66 tiến vào Sài Gòn, bao vây Dinh Độc Lập… góp phần xứng đáng giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.