“Đình chỉ công tác ngay các kiểm lâm tiếp tay lâm tặc”
(Dân trí) - Sáng 6/2, phát biểu về việc các cán bộ Trạm kiểm soát lâm sản Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh) <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/skphapluat/2007/2/165481.vip">tiếp tay cho lâm tặc để “tăng thu nhập”</a>, ông Nguyễn Quang Châu - Bí thư Đảng ủy cơ quan, Phó ban bảo vệ rừng - khẳng định trước mắt 6 cán bộ của trạm sẽ bị đình chỉ công tác ngay.
Như dư luận phản ánh, tình trạng tiếp tay cho lâm tặc vận chuyển gỗ lậu đã diễn ra trong một thời gian dài?
Tôi có nghe thông tin phản ánh không chỉ trạm chúng tôi tiếp tay cho lâm tặc mà còn nhiều trạm khác của lực các đơn vị bảo vệ rừng trên tuyến đường 21 (Tuyến đường 21 có nhiều trạm tham gia công tác bảo vệ và phát triển rừng như Trạm kiểm lâm của Chi cục kiểm lâm huyện Thạch Hà, Trạm quản lý bảo vê rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Thạch Hà - PV).
Thậm chí tháng 8 vừa rồi còn có một đơn thư nặc danh gửi đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Kỳ phản ánh tình trạng các trạm bảo vệ rừng tiếp tay cho lâm tặc. Sau đó đồng chí Kỳ đã có chỉ thị cho Chi cục kiểm lâm, UBND huyện Thạch Hà và cơ quan chúng tôi xác minh. Chúng tôi đã tích cực phối hợp làm rõ nhưng không phát hiện được sai phạm. Sau đó, Ban quản lý Khu bảo tồn Kẻ Gỗ chúng tôi còn có những đợt kiểm tra đột xuất khác nhưng cũng không phát hiện được sai phạm của anh em.
Có thông tin cho rằng, lãnh đạo Khu bảo tồn được các trạm chia phần trăm để họ tiếp tay cho lâm tặc vận chuyển gỗ trót lọt?
Tôi khẳng định là không bao giờ có chuyện đó, việc họ nói lãnh đạo bật đèn xanh cho các trạm thu tiền là không có. Chúng tôi không bao giờ làm như thế. Nếu ai chứng minh được bất kỳ dấu hiệu bật đèn xanh nào, tôi sẵn sàng cởi áo công chức về nhà ngay. Tôi từng nói với anh em: Chúng ta không phải sống bằng những đồng tiền đó. Vì thế không có lý do gì để chúng tôi tạo điều kiện cho anh em tiếp tay lâm tặc.
Vậy sự việc báo phản ánh thì như thế nào thưa ông?
Với tinh thần cầu thị, chúng tôi cảm ơn quý báo đã thông tin kịp thời và xin tiếp thu ý kiến của báo nêu. Chúng tôi xem đó là chứng cứ, thông tin để có hướng xử lý.
Sau khi công luận phản ánh, cơ quan đã có hướng xử lý như thế nào?
6 cán bộ của Trạm quản lý bảo vệ rừng của số 17 gồm: Dương Đức Thiện - Trạm trưởng, Trần Văn Lợi - Trạm Phó, Phạm Văn Thân, Văn Đình Khoa, Trần Anh Tuân, Võ Tá Sơn.
Trong số 6 cán bộ này có 4 cán bộ là Thiện, Lợi, Thân, Khoa là Đảng viên. Riêng trường hợp Văn Đình Khoa trong năm 2006 từng 2 lần bị lâm tặc tân công, bị chém đứt ngón tay. |
Tôi nói thế này, từ khi thành lập Khu bảo tồn từ năm 1997 cho đến nay, chúng tôi đã có quy định rõ ràng, nghiêm cấm tuyệt đối cán bộ có hành vi bao che, làm ngơ cho lâm tặc phá rừng. Cá nhân nào vi phạm, phải chịu trách nhiệm trước Ban và pháp luật nhà nước.
Vì thế ngay sau khi nhận được tin từ báo phản ánh, sáng nay tôi đã chỉ đạo tạm đình chỉ công tác đối với 6 cán bộ tại trạm số 17. Toàn bộ nhiệm vụ của trạm được thay thế bằng số cán bộ khác của cơ quan. Chiều nay tất cả cán bộ thuộc trạm 17 phải có mặt về cơ quan, làm báo cáo sự việc cụ thể. Riêng với anh Thiện (Trạm trưởng Dương Đức Thiện - PV) sẽ phải làm một báo cáo cụ thể về tình hình hoạt động của trạm trong thời gian qua.
Vì đã có chỉ thị nghiêm cấm rõ ràng nên ai sai phạm chúng tôi sẽ xử lý nghiêm, có thể là đình chỉ công tác hoặc đuổi việc tuỳ theo mức độ vi phạm. Tất nhiên chúng tôi cũng đang chờ đợi sự thành khẩn của những cán bộ này, những ai cố tình bao biện, trốn tránh trách nhiệm sẽ bị xử lý nghiêm.
Tinh thần của chúng tôi là phải xử lý nghiêm để chấn chỉnh ngay, không tạo dự luận xấu ảnh hưởng đến tình hình cơ quan, địa phương.
Từ vụ việc này cho thấy sự quản lý lỏng lẻo trong công tác quản lý cán bộ cũng như công tác bảo vệ rừng. Ông thấy cần thay đổi những yếu tố gì để cải thiện thực trạng này?
Đúng là công tác quản lý cán bộ của chúng tôi chưa được chặt chẽ. Tuy nhiên cũng có thể nói chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Cụ thể là Ban chỉ có 7 trạm nhưng quản lý đến gần 37.000 ha rừng, trong đó có 4 tiểu khu thuộc địa bàn 8 xã. Hơn nữa nhiều chỗ quá sâu, xa, lâm tặc thường xuyên lợi dụng để hoạt động. Riêng anh em chúng tôi nhiều lần bị lâm tặc tấn công đến trọng thương.
Cũng vì thế tôi xác định bảo vệ rừng không phải là trách nhiệm riêng của chúng tôi mà còn của cả xã hội. Tôi nghĩ cần phải có những biện pháp mạnh hơn nữa, bên cạnh việc xử lý các cán bộ sai phạm, truy quét lâm tặc thì cần phải huy động được toàn xã hội tham gia bảo về rừng.
Xin cảm ơn ông!
Văn Dũng - Minh San