1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Điều tra tham nhũng chưa được trang bị thẩm quyền đặc biệt

(Dân trí) - “Pháp luật của ta chưa trang bị cho cơ quan điều tra thẩm quyền đặc biệt, ví dụ như điều tra bằng biện pháp kỹ thuật. Tố tụng của ta chưa quy định nên rất khó như tổ chức theo dõi ngầm, cài cắm người...”, Thiếu tướng Trần Đình Nhã, trao đổi với báo chí bên hành lang kì họp Quốc hội.

Thưa ông, có sự rụt rè nào về mặt chủ quan khi điều tra viên đối diện với những vụ án tham nhũng hay không?

Có chứ! Một điều tra viên (ĐTV) phải điều tra một giám đốc này hay một quan chức kia không phải là đơn giản. Đã có đơn tố cáo đó, nhưng anh tiếp cận như thế nào thì thực không dễ. Nếu như chỉ là một tên tội phạm lưu manh, anh có thể “lôi” đến để hỏi, bằng những biện pháp công khai để trấn áp tội phạm, trong khi đối với những chủ thể tội tham nhũng anh phải thận trọng hơn.

Sự rụt rè của ĐTV phải chăng bắt nguồn từ sự thiếu độc lập của cơ quan tố tụng bởi nếu thử vận dụng vào một trường hợp cụ thể là một ĐTV cấp tỉnh lại đi điều tra một đối tượng cấp Tỉnh uỷ thì chắc cũng khó?

Có cái khó như thế. Pháp luật của ta chưa trang bị cho cơ quan điều tra thẩm quyền đặc biệt, ví dụ như điều tra bằng biện pháp kỹ thuật này nọ. Tố tụng của ta chưa quy định nên rất khó như tổ chức theo dõi ngầm, cài cắm người… Trên thực tế thì tội về ma tuý đã có, nhưng các loại tội khác thì chưa.

Là một đại biểu quốc hội, ông có đề nghị thay đổi một số quy định của pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho CQĐT trong việc phòng chống tội phạm về tham nhũng?

Chúng tôi cũng đề nghị, cần sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Ngoài biện pháp điều tra theo quy định của BLTTHS hiện nay, cũng nên đưa cả những biện pháp hiện nay thế giới đang sử dụng, đó là những biện pháp điều tra đặc biệt. Tất nhiên là khi đưa vào phải chặt chẽ, cặn kẽ, nhưng phải được phép làm. Thứ hai, phải đi theo hướng cải cách tư pháp, tổ chức lại cơ quan điều tra theo hướng mà trong chừng mực nào đó có quan điều tra độc lập hơn, điều tra viên cũng được độc lập hơn trong việc quyết định điều tra.

Những biện pháp điều tra đặc biệt mà quốc tế vẫn áp dụng, chẳng hạn là biện pháp nào, thưa ông?

Đó là những biện pháp theo dõi kỹ thuật, bao gồm cả chuyện nghe trộm điện thoại, theo dõi ngầm này nọ... mà thế giới người ta vẫn cho phép.  

Việc thành lập Cơ quan phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh có làm tăng thêm một chủ thể để cơ quan điều tra phải báo cáo, từ đó càng hạn chế tính độc lập của cơ quan điều tra không?

Xây dựng cơ quan này không phải là để hạn chế mục tiêu điều tra, mà cơ quan này có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho cơ quan điều tra tham nhũng theo đúng luật. Mục đích của chúng ta là như thế, nhưng nếu anh nào dùng cơ quan này để hạn chế cơ quan điều tra thì đấy là không đúng mục đích thành lập cơ quan này.

Xin cảm ơn ông!

Mạnh Cường (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm