“Điều kiện thi hành án trong những vụ án lớn còn gặp nhiều khó khăn”
Báo cáo kết quả công tác thi hành án 10 tháng năm 2017 của Chính phủ cho biết điều kiện thi hành án trong những vụ án lớn còn gặp nhiều khó khăn do giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để thi hành án.
Theo báo cáo số 351/BC-CP của Chính phủ về công tác thi hành án 10 tháng năm 2017 (tính từ ngày 1/10/2016 đến ngày 31/7/2017), đến hết tháng 9/2016, số cũ chuyển sang là 290.788 việc; từ ngày 1/10/2016 đến 31/7/2017, thụ lý mới hơn 500.000 việc. Như vậy, tổng số thụ lý là gần 792.000 việc, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm 2016.
Tổng số phải thi hành là 782.272 việc, trong đó: số có điều kiện thi hành là 626.504 việc (80,09%); số chưa có điều kiện thi hành là 155.768 việc (19,91%). Kết quả: Thi hành xong 422.069 việc, đạt tỉ lệ 67,37% - tăng 21.293 việc so với cùng kỳ năm 2016.
Đến hết tháng 9/2016, số tiền phải thi hành chuyển sang trên 104.520 tỷ đồng; từ ngày 1/10/2016 đến 31/7/2017, thụ lý mới trên 66.882 tỷ đồng. Như vậy, tổng số thụ lý là trên 171.402 tỷ đồng, tăng trên 33.782 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2016.
Tổng số phải thi hành là trên 163.576 tỷ đồng, trong đó: số có điều kiện thi hành là 113.140 tỷ đồng; số chưa có điều kiện thi hành là 50.436 tỷ đồng. Kết quả: Thi hành xong trên 33.541 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 29,65% - tăng trên 12.783 tỷ đồng với cùng kỳ năm trước.
Về kết quả thi hành đối với các khoản nợ của tổ chức tín dụng, tổng số phải thi hành loại này là 21.176 việc, với số tiền trên 96.145 tỷ. Kết quả, đã thi hành xong 2.866 việc, thu được số tiền là gần 21.000 tỷ - tăng so với cùng kỳ năm 2016 cả về giá trị tuyệt đối và về tỷ lệ.
Báo cáo số 351 cũng cho biết, tổng số vụ việc đã kê biên, định giá lại và đấu giá nhưng không thành là 8.423 việc, tương ứng với số tiền trên 10.561 tỷ đồng, chiếm 1,34% số việc và 9,33% số tiền có điều kiện đang thi hành của toàn quốc; so với cùng kỳ năm 2016, giảm 3.035 việc tương ứng với số tiền gần 7.950 tỷ đồng.
Lập nhiều đoàn kiểm tra định kỳ, đột xuất
Theo báo cáo 351/BC-CP, để tập trung hướng dẫn, chỉ đạo những vụ án lớn, những vụ việc liên quan đến thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ án kinh tế - tham nhũng, những vụ việc liên quan đến tín dụng, bảo hiểm xã hội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các Quy chế phối hợp liên ngành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan thi hành án dân sự trong việc áp dụng pháp luật.
Đồng thời, ban hành Quy định về tiêu chí xác định việc thi hành án dân sự trọng điểm, rà soát, lập danh sách; thành lập các Tổ công tác chỉ đạo các vụ việc phức tạp, kéo dài, xây dựng Kế hoạch giải quyết các vụ việc, tập trung nguồn lực giải quyết dứt điểm các vụ việc loại này.
Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp tập trung kiểm tra việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được Quốc hội giao, chỉ đạo khắc phục những tồn tại, hạn chế của những năm trước đây.
Năm 2017, sau khi ban hành Kế hoạch kiểm tra, Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra định kỳ và đột xuất, toàn diện và chuyên đề các nội dung liên quan đến việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ theo Nghị quyết 111/2015 tại các Cục, Chi cục.
Tại địa phương, các cơ quan thi hành án dân sự đã ban hành và nghiêm túc tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra đối với các nội dung liên quan đến việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, đặc biệt là công tác thụ lý, phân loại án, trình tự, thủ tục thi hành án, hồ sơ thi hành án. Tại Bộ Quốc phòng, Cục Thi hành án đã ban hành Kế hoạch và tổ chức kiểm tra công tác thi hành án dân sự đối với các Phòng Thi hành án cấp quân khu.
Bộ Tư pháp cũng đã khẩn trương tổ chức quán triệt Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017, ban hành hướng dẫn áp dụng thống nhất các quy định pháp luật về bồi thường nhà nước, đồng thời ban hành văn bản chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự chấn chỉnh, rút kinh nghiệm, thực hiện đúng trình tự, thủ tục, hạn chế thấp nhất tình trạng để xảy ra sai sót, vi phạm dẫn đến phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
“Điều kiện thi hành án trong những vụ án lớn còn gặp nhiều khó khăn”
Báo cáo số 35/BC-CP cho rằng, án liên quan đến các khoản nợ của tổ chức tín dụng có số tiền phải thi hành rất lớn (trên 96.000 tỷ đồng, chiếm 58,80% tổng số tiền phải thi hành của toàn hệ thống) nhưng kết quả thi hành đạt được còn thấp, chỉ đạt 21,73% về tiền đã ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thi hành án xong, nhất là về giá trị.
Kết quả thi hành về tiền trong các vụ việc dân sự trong hình sự còn thấp so với kết quả chung của tất cả các loại án (chỉ đạt 5,64%). Một số vụ án lớn thi hành chưa được hiệu quả, một số vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài và vụ việc dư luận xã hội quan tâm chưa được xử lý dứt điểm.
Tuy vậy có thực tế là một số vụ việc trọng điểm, phức tạp đã kéo dài nhiều năm trong khi điều kiện kinh tế, xã hội và các quy định của pháp luật liên quan có nhiều thay đổi so với thời điểm giải quyết vụ việc, cần phải có sự phối hợp, chỉ đạo thống nhất của nhiều cấp, nhiều ngành.
Thị trường bất động sản tuy có khởi sắc nhưng chưa rõ rệt, nhiều tài sản kê biên, bán đấu giá nhiều lần vẫn không bán được. 10 tháng năm 2017, toàn quốc có 8.423 việc đã kê biên, định giá lại, bán đấu giá nhưng chưa xử lý được với số tiền trên 10.561 tỷ đồng, chiếm 9,33% số tiền có điều kiện đang thi hành của toàn quốc.
Việc xác minh, kê biên, định giá, đấu giá tài sản thế chấp trong các vụ án liên quan đến tín dụng gặp nhiều khó khăn như xác định ranh giới đất, định giá chênh lệch nhiều so với giá thẩm định lúc cho vay, đấu giá không có người mua, bên được thi hành án không nhận tài sản.
“Điều kiện thi hành án trong những vụ án lớn còn gặp nhiều khó khăn do giá trị phải thi hành án lớn nhưng đa phần tài sản đã bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để thi hành án; đương sự đang phải chấp hành án phạt tù không có tài sản để thi hành án. Cơ chế quản lý, sử dụng tiền mặt, quản lý, kiểm soát tài sản, thu nhập của cá nhân, đăng ký tài sản còn đang trong quá trình hoàn thiện”- báo cáo nêu rõ.
Biên chế cơ quan thi hành án chưa tương xứng với khối lượng công việc
Theo Báo cáo 351/BC-CP, biên chế của cơ quan thi hành án dân sự còn chưa tương xứng với khối lượng công việc, nhất là trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế và khối lượng việc và tiền phải thi hành án ngày càng tăng, gây áp lực không nhỏ cho hoạt động thi hành án dân sự. 10 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn TPHCM mỗi Chấp hành viên giải quyết 325 việc tương ứng với trên 245 tỷ đồng; ở Hà Nội mỗi Chấp hành viên giải quyết 188 việc tương ứng với trên 97 tỷ đồng; tỉnh Bình Dương mỗi Chấp hành viên giải quyết 454 việc tương ứng với 85 tỷ đồng; tỉnh Long An mỗi Chấp hành viên giải quyết 336 việc tương ứng với trên 60 tỷ đồng.
Ngoài ra, chưa có chế độ, chính sách đãi ngộ tương xứng đối với công chức luân chuyển, biệt phái về những địa bàn trọng điểm, cấp bách. Cơ chế bảo vệ đối với Chấp hành viên còn chưa được quy định, tính rủi ro nghề nghiệp ngày càng cao, nhiều trường hợp đương sự chống đối quyết liệt, trực tiếp hoặc lợi dụng khiếu nại, tố cáo để xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của Chấp hành viên.
Thế Kha