1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Điêu đứng vì ngao chết trắng sau bão

(Dân trí) - Giá ngao liên tục rớt từ đầu năm cùng với cơn bão số 6 vừa qua làm ảnh hưởng gần 1 nghìn ha ngao, khiến hàng trăm hộ dân ở các xã Minh Lộc, Hải Lộc, Hưng Lộc, Đa Lộc (huyện Hậu Lộc- Thanh Hóa) điêu đứng.

Với 12,4 km bờ biển, Hậu Lộc là nơi rất thuận lợi cho việc nuôi ngao. Toàn huyện có 4 xã nuôi ngao là Minh Lộc, Hải Lộc, Đa Lộc, Hưng Lộc với trên 400 hộ, với tổng diện tích 703 ha nuôi ngao.

Ngao chết trắng đồng
Ngao chết trắng đồng

Từ đầu năm đến nay, giá ngao liên tục rớt cộng thêm cơn bão số 6 vừa qua như một “đòn kép” khiến người nuôi ngao kiệt quệ.

Trở về biển Hậu Lộc sau ngày cơn bão đi qua, đã quá trưa nhưng lúc này người dân nuôi ngao mới kéo nhau ra về vì thủy triều lên. Họ đang cố gắng mót những con ngao còn sống; số ngao chết thì dồn đống mang về hoặc đổ đi nơi khác.

Người dân nuôi ngao buồn bã, lo lắng sau khi bão gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng
Người dân nuôi ngao buồn bã, lo lắng sau khi bão gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng

Nhìn từng đống ngao chết, lều chòi tan nát, người nuôi ngao chỉ còn biết lắc đầu ngao ngán. Nhiều hộ nuôi ngao ở đây mới chỉ bắt đầu nuôi vụ ngao đầu tiên, đang chuẩn bị cho mùa thu hoạch thì bị bão cuốn đi tất cả.

Cầm trên tay mớ ngao chết, anh Vũ Văn Trọng, thôn Đông Thành, xã Đa Lộc, nghẹn ngào: “Chết hết rồi. Tôi mang về một ít luộc ăn cho đỡ buồn chứ loại này có bán được đâu”, rồi anh thở dài thườn thượt: “Gia đình tôi tiết kiệm được một ít tiền cùng với tiền cắm 3 cái trích lục đất trong đó có ngôi nhà tôi đang ở và 2 ngôi nhà ông bà nội ngoại. Đầu tư tất cả trên 2 tỷ đồng, thế nhưng vừa qua chuẩn bị đến mùa thu hoạch thì bão đến. Sóng đánh khiến ngao dồn lại bị chết, một số lớn thì bị trôi ra biển. Thiệt hại cũng khoảng hơn 500 triệu”.

“Tiền trả lãi ngân hàng, tiền trả công cho người làm thuê, rồi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học cả thế nhưng sau cơn bão này gia đình tôi chưa biết phải tính thế nào, đi đâu về đâu nữa” – anh Trọng cho biết thêm.

Người dân thu dọn đống đổ nát từ lều, chòi canh ngao
Người dân thu dọn đống đổ nát từ lều, chòi canh ngao

Được biết nhà anh Trọng có 4ha nuôi ngao, là hộ lần đầu tiên nuôi và cũng nuôi nhiều nhất ở xã Đa Lộc.

Với 3ha diện tích nuôi ngao, và chỉ đứng sau gia đình anh Trọng, anh Nguyễn Khánh Dùng ở xã Hưng Lộc kể trong tiếc nuối: “Cơn bão đến nhanh quá khiến dân chúng tôi trở tay không kịp. Chưa có năm nào, dân nuôi ngao lại thiệt hại nặng nề như năm nay. Mọi năm giá ngao cứ 25 -26.000đ/kg nhưng từ đầu năm đến nay giá ngao rớt thảm hại chỉ còn có 10.000đ/kg, thậm chí có lúc ngao chỉ có 8 – 9.000đ/kg. Bây giờ lại dính tiếp cơn bão này làm thiệt hại không biết bao nhiêu tiền của chúng tôi. Chỉ mong ngân hàng hoãn cho bà con chúng tôi tiền lãi để chúng tôi khắc phục dần dần chứ dân chúng tôi giờ chẳng biết phải nhìn vào đâu nữa”.

Không chỉ gia đình anh Dùng, anh Trọng mà hàng trăm hộ dân nuôi ngao ở Hậu Lộc đều bị thiệt hại nặng nề từ cơn bão. Từ ngày cơn bão đi qua cho đến nay, những hộ nuôi thả ngao như ngồi trên đống lửa bởi hàng trăm thứ phải chi trước đó như công chăm sóc, công người làm, tiền giống chưa kịp trả thì giờ đến tiền thuê đất, tiền lãi ngân hàng…

Ngao chết chỉ còn biết mang về hoặc đổ đi
Ngao chết chỉ còn biết mang về hoặc đổ đi

“Do giá năm nay thấp quá nên dân chúng tôi mới nấn ná mãi, đợi xem nó có tăng lên được giá nào không chứ nếu như mọi năm giá ngao được thì chúng tôi cũng đã cho thu hoạch rồi. Giờ thì mất hết, ngao thì mất, lều chòi thì tan nát, mà mỗi cái chòi cũng vài chục triệu rồi” – Chị Trần Thị Xuân, thôn Đông Tân, xã Đa Lộc tâm sự.

Ông Vũ Văn Đỉnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc - địa phương có diện tích nuôi ngao lớn nhất trong huyện - chia sẻ: “Từ đầu năm nay, người nuôi ngao ở địa phương đã gặp nhiều khó khăn khi giá ngao thấp, không bán ra thị trường được đã khiến người nuôi ngao lao đao. Vì thế chúng tôi cũng đã làm tờ trình xin huyện giảm tiền thầu, đề xuất ngân hàng hoãn tiền nợ cho dân. Vừa qua, cơn bão số 6 đổ về lại một lần nữa khiến cho các hộ nuôi ngao điêu đứng. Tuy nhiên, do chưa thống kê được con số cụ thể nên sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục có phương án tốt nhất để giúp người dân phần nào khắc phục hậu quả”.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Toản, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Hậu Lộc cho biết: “Hiện chúng tôi đang cho kiểm tra, rà soát con số thiệt hại cụ thể để có phương án hỗ trợ hoặc chính sách miễn giảm hợp lý”.

Nguyễn Thùy