1. Dòng sự kiện:
  2. Đường mới xây bị sụt lún như động đất ở Tây Ninh
  3. Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV

Điều chưa biết về mạng bưu chính KT1 phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước

Thế Kha

(Dân trí) - Bưu gửi KT1 chứa tài liệu, vật mang bí mật nhà nước (ký hiệu về độ mật A, B, C) phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước, đi phát bằng ô tô chuyên dùng.

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa có báo cáo tổng kết thi hành Quyết định số 37/2021 của Thủ tướng Chính phủ về Mạng bưu chính phục vụ cơ quan Đảng, nhà nước (KT1) gửi tới Bộ Tư pháp.

Theo báo cáo, việc cung cấp dịch vụ bưu chính KT1 được thực hiện thống nhất, rộng khắp trên cả nước trong 3 năm qua do Cục Bưu điện Trung ương quản lý, khai thác.

Mạng bưu chính KT1 được kết nối với mạng bưu chính công cộng do Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) khai thác và quản lý với hệ thống hơn 13.400 điểm phục vụ.

Điều chưa biết về mạng bưu chính KT1 phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước - 1

Dịch vụ bưu chính KT1 vận chuyển và phát thư, gói, kiện tài liệu (Ảnh: VGP/Minh Đức).

Các cơ sở khai thác bưu chính KT1 đều có nội quy và lắp đặt camera kiểm soát người ra vào chặt chẽ; được đầu tư trang thiết bị hiện đại đảm bảo cung cấp dịch vụ liên tục 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tết.

Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, bưu gửi KT1 được phát đến địa chỉ nhận bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu của các cơ quan Đảng, Nhà nước từ trung ương đến địa phương.

100% bưu gửi KT1 phát đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các văn phòng (Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ) được soi kiểm; từ khi bùng phát dịch Covid, 100% bưu gửi đều được khử khuẩn.

Hệ thống máy soi kiểm tra an ninh và máy khử khuẩn bưu gửi đặt tại 4 văn phòng Trung ương và các điểm khai thác của Cục Bưu điện Trung ương để soi kiểm, khử khuẩn bưu gửi KT1 bảo đảm an toàn, an ninh trước khi phát đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Đối với bưu gửi KT1 chứa tài liệu, vật mang bí mật nhà nước (ký hiệu về độ mật A, B, C), theo báo cáo, quy trình nghiệp vụ phải tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Các bưu gửi này được tổ chức đi phát bằng ô tô chuyên dùng ngay sau khi chấp nhận và khai thác.

Bưu gửi KT1 tuyệt mật của Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ đi liên tỉnh được Cục Bưu điện Trung ương tổ chức chuyển phát trực tiếp theo yêu cầu, bảo quản bằng trang thiết bị chuyên dùng nhằm bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn thông tin.

Về phương tiện, tại trung ương có 13 ô tô và 13 xe máy được trang bị để vận chuyển, phát công văn, tài liệu phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước.

Ở địa phương, việc cung cấp dịch vụ bưu chính KT1 được đầu tư, trang bị đủ công cụ, dụng cụ, phương tiện đáp ứng các quy định; sử dụng 100% ô tô chuyên ngành có gắn GPS định vị, trên xe có thùng chuyên dụng để chứa túi KT1.

Khi vận chuyển theo đường hàng không, đường sắt sẽ được thực hiện theo hợp đồng vận chuyển với hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines và ngành đường sắt Việt Nam đảm bảo an toàn, an ninh bưu gửi đến cấp xã, thậm chí vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, giai đoạn 2022-2025 mạng bưu chính KT1 tại Cục Bưu điện Trung ương được hiện đại hóa thông qua đầu tư, trang bị đồng bộ hệ thống thiết bị, phần mềm, phương tiện vận chuyển chuyên dùng.

Cục Bưu điện Trung ương đã đưa vào hoạt động Trung tâm giám sát, điều hành mạng lưới bưu chính KT1 từ tháng 7/2023 để giám sát bưu gửi trên toàn mạng.

Điều chưa biết về mạng bưu chính KT1 phục vụ cơ quan Đảng, Nhà nước - 2

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, việc vận chuyển liên tỉnh sử dụng 100% ô tô chuyên ngành có gắn GPS định vị, trên xe có thùng chuyên dụng để chứa túi KT1 (Ảnh minh họa: DT).

Tổng số người lao động trực tiếp tham gia vào quá trình cung cấp dịch vụ bưu chính KT1 của Cục Bưu điện Trung ương là 71 người, của VNPost khoảng 5.500 người.

Người lao động được đào tạo về nghiệp vụ bưu chính, đảm bảo an toàn, an ninh trong cung cấp dịch vụ và phải ký cam kết bảo vệ bí mật nhà nước bằng văn bản. Một số đơn vị còn thực hiện thẩm tra hồ sơ lý lịch trước khi lựa chọn nhân sự cung cấp dịch vụ. Một số trường hợp được trang bị dùi cui điện để phục vụ công việc.

Tính đến nay, 100% cơ quan Đảng, Nhà nước cấp Trung ương (58 đối tượng) và 4,3% cơ quan Đảng, Nhà nước cấp địa phương đã sử dụng dịch vụ bưu chính KT1 để gửi công văn, tài liệu phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành.

Ngoài ra, 1.175 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước ở địa phương quy định tại Quyết định số 37/2021 đã được phục vụ khi gửi tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước.

Do sắp tới sẽ sáp nhập một số tỉnh, không tổ chức cấp huyện và thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp nên Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng việc sửa đổi Quyết định số 37 (có hiệu lực từ ngày 15/2/2022) là cần thiết nhằm bổ sung cơ sở pháp lý đảm bảo kinh phí duy trì, phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ hoạt động mạng bưu chính này.

Đảm bảo  các nguyên tắc bí mật, không vì mục đích kinh doanh

Quyết định số 37/2021 của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, mạng bưu chính KT1 được thiết lập và duy trì hoạt động trong nước bảo đảm các nguyên tắc bí mật nhà nước; bảo đảm an toàn, an ninh, nhanh chóng, chính xác, kịp thời trong mọi tình huống; thống nhất trong tổ chức, quản lý, vận hành và khai thác; không vì mục đích kinh doanh.

Dịch vụ bưu chính KT1 là việc chấp nhận, vận chuyển và phát thư, gói, kiện tài liệu; tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước (bưu gửi KT1) qua mạng bưu chính KT1.

Dịch vụ bưu chính KT1 gồm: Dịch vụ KT1; dịch vụ KT1 theo độ mật A, B, C; dịch vụ KT1 theo độ khẩn: Hỏa tốc, Hẹn giờ; dịch vụ KT1 theo độ mật (A, B, C) và độ khẩn (Hỏa tốc, Hẹn giờ).