1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Điều chỉnh đề án di dời dân cư và công trình chiến đấu ở di tích cố đô Huế

Vi Thảo

(Dân trí) - HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế đồng ý cho điều chỉnh đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế, trong đó có bổ sung 40 công trình chiến đấu.

Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế thuộc Quần thể di tích Cố Đô Huế (gọi tắt là Đề án) được phê duyệt năm 2020. Số hộ bị ảnh hưởng là 5.470 hộ, với tổng kinh phí thực hiện giải phóng mặt bằng là 3.765 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, địa phương này đã thực hiện dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế (giai đoạn 1 của Đề án), với tổng mức đầu tư 2.061 tỷ đồng, gồm: Thượng Thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào - Tuyến Phòng Lộ, Trấn Bình Đài, hồ Tịnh Tâm, Đàn Xã Tắc, khu vực tiếp giáp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, hồ Học Hải, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ và Lục Bộ tại Thượng Thư Đường Bộ Công.

Điều chỉnh đề án di dời dân cư và công trình chiến đấu ở di tích cố đô Huế - 1

Các hộ dân sống cạnh Hổ Quyền thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế (Ảnh: Vi Thảo).

Đến nay, nguồn ngân sách Trung ương bố trí đủ 1.880 tỷ đồng để thực hiện di dời dân cư, tỉnh Thừa Thiên Huế đã giải ngân 100%. Dự án đã cơ bản hoàn thành, ổn định đời sống cho 4.914 hộ dân bị ảnh hưởng.

Năm 2023, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua nghị quyết điều chỉnh, mở rộng phạm vi Đề án, bổ sung thêm 19 khu vực khác thuộc Quần thể di tích Cố đô Huế, với tổng diện tích hơn 83ha.

Tuy nhiên, sau khi rà soát, có một số khu vực chưa đầy đủ tính pháp lý về quy hoạch di tích, do đó UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có chủ trương chỉ thực hiện bổ sung hơn 44ha đối với 16 khu vực.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị triển khai tại các di tích: Hổ Quyền, Voi Ré, Chùa Thiên Mụ, Văn Miếu - Võ Miếu, Lăng Minh Mạng, Lăng Thiệu Trị, Lăng Dục Đức, Lăng Đồng Khánh, Lăng Khải Định, Lăng Gia Long, Lăng Trường Cơ, Lăng Cơ Thánh, Trấn Hải Thành, Lăng Vạn Vạn, Đàn Âm Hồn, Quốc Tử Giám; ảnh hưởng khoảng 753 hộ dân.

Ba khu vực khác chưa đảm bảo tính pháp lý nên chưa triển khai, gồm Đàn Nam Giao, Lăng Tự Đức, Điện Hòn Chén.

Đồng thời bổ sung di dời và xây dựng lại theo phương án của quân đội 31 công trình chiến đấu trong khu vực Kinh thành Huế và 9 công trình thuộc các khu vực còn lại.

Điều chỉnh đề án di dời dân cư và công trình chiến đấu ở di tích cố đô Huế - 2

Các công trình chiến đấu trong khu vực Kinh thành Huế sẽ được di dời, xây dựng lại (Ảnh: Vi Thảo).

Theo Đề án, tổng số hộ giai đoạn 2024-2025 (giai đoạn 2), dự kiến bố trí tái định cư là 697, trong đó 267 lô hộ chính, 405 lô hộ phụ, giao thêm 25 lô đối với các trường hợp thu hồi diện tích đất ở lớn.

Nhu cầu bố trí tái định cư đối với các khu vực lân cận thuộc trung tâm thành phố Huế là khoảng 538 lô, bao gồm các khu vực Hổ Quyền, Điện Voi Ré, Chùa Thiên Mụ, Văn Miếu - Võ Miếu, Lăng Dục Đức, Lăng Vạn Vạn, Đàn Âm Hồn, Quốc Tử Giám.

Các khu vực: Lăng Minh Mạng, Lăng Thiệu Trị, Lăng Khải Định, Trấn Hải Thành, Lăng Đồng Khánh, Lăng Gia Long, Lăng Trường Cơ, Lăng Cơ Thánh, dự kiến bố trí khoảng 159 lô.

HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế nhận định việc điều chỉnh là phù hợp với các quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu bảo vệ di tích.

Do đó, tại phiên họp chuyên đề thứ 20, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế khóa 8, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu tham dự đã thống nhất thông qua chủ trương điều chỉnh Đề án, giảm diện tích và khu vực mở rộng di dời, giảm kinh phí; đồng thời bổ sung di dời, xây dựng lại 40 công trình chiến đấu.

Liên quan dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo hệ thống Kinh thành Huế, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất ứng trước 10 tỷ đồng ngân sách tỉnh trong năm 2024 để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.