1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Điệu buồn ca Huế sông Hương

(Dân trí) - Với người viễn xứ, ngồi trên thuyền rồng mà nghe ca Huế giữa sông Hương thì chẳng cái thú nào bằng. Nhưng từ lúc ca Huế được khai thác thương mại, nó đã trở thành một thứ sản phẩm, dịch vụ chịu tác động của quy luật cung-cầu và dẫn đến nhiều hệ lụy.

Ai “mua” ca Huế...

Quả là bất thường nếu du khách đi bộ ven bờ sông Hương vào một ngày tạnh ráo mà không được mời chào: “Anh ơi, đi thuyền nghe ca Huế đi, vé 4 chục ngàn thôi”. Chủ nhân lời mời đon đả đó không chỉ là người của Trung tâm Quản lý và tổ chức biểu diễn ca Huế, mà còn là chủ thuyền, là “cò” và rất nhiều thành phần khác.

Những người bán vé tự do này thường bám rặt lấy du khách, mời chào cho đến khi người khách nổi cáu lên thì thôi. Thậm chí, lúc đi mới lắc đầu nguầy nguậy, sau một hồi đi về lại bị “cò” quay lại mời đi show sau. Người viết cũng đã không ít lần được các “cò” ca Huế níu lấy như người nhà lâu ngày gặp lại và năn nỉ đi nghe “chui” với giá lên thuyền chỉ 20.000 đồng cho một suất diễn 90 phút.

 

Điệu buồn ca Huế sông Hương - 1

Chủ thuyền đứng, ngồi đợi khách trên bờ bến thuyền Tòa Khâm (Ảnh: H.K).

Hóa ra, nghe “chui” là chỉ việc lên thuyền, lò dò bám theo những chiếc thuyền rồng phục vụ ca Huế, ghé mái thuyền vào và… nghe lỏm. Du khách ít tiền và vượt qua được cảm giác ngượng ngùng vì những ánh mắt dò xét của khách “xịn” vẫn chọn loại hình này.

Để mua được tấm vé ca Huế, du khách có thể tìm ở bất cứ nơi đâu: các văn phòng tour du lịch, lễ tân khách sạn, các hợp tác xã và đơn vị vận tải thuyền rồng tư nhân, Trung tâm quản lý và tổ chức biểu diễn ca Huế và cả từ “cò”, từ các quầy hàng lưu niệm lân cận bến thuyền Tòa Khâm. Mọi con đường đều dẫn xuống thuyền.

Ca Huế đang bị “rẻ hóa”

Có lẽ chẳng có loại hình nghệ thuật nào có giá rẻ như ca Huế. Với 40.000 đồng, du khách được du ngoạn trên sông 1,5 tiếng đồng hồ, được nghe những điệu ca Huế ngọt ngào và thậm chí ăn uống luôn trên thuyền nếu thích.

Mỗi show diễn, ca sỹ và nhạc công được trả 50.000 đồng/người/show. Như vậy, nếu mỗi tháng các nghệ sỹ biểu diễn đủ 30 ngày thì chỉ có 1,5 triệu đồng, thấp hơn mức lương được trợ cấp của công chức (1,6 triệu đồng).

Điều này dẫn đến một thực tế là các ca sỹ, nhạc công hầu hết phải làm thêm nghề tay trái, không có đủ thời gian để trau dồi nghiệp vụ. Ông Phan Tiến Dũng - Giám đốc sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) Thừa Thiên Huế cho biết: “Hiện Sở đã cấp phép biểu diễn ca Huế cho gần 400 nhạc công, ca sỹ. Nhưng còn khá nhiều người nghiệp vụ chưa đạt chuẩn, phải bồi dưỡng thêm”.

Ngoài ra, yếu tố giá rẻ đã ảnh hưởng không ít tới chất lượng ca Huế. Bỏ ra 40.000 đồng để nghe ca Huế đối với khách du lịch không quá khó, ngoài những người muốn thưởng thức ca Huế như một giá trị văn hóa, cũng có không ít người bước lên thuyền rồng chỉ để thỏa tính tò mò. Để phục vụ những nhu cầu đó, nhiều nghệ sỹ chấp nhận hát luôn cả những bài hát hiện đại về Huế, thậm chí nhạc trẻ. Điều này làm ca Huế du thuyền đánh mất bản sắc vốn có.

Quản lý ca Huế: “Quản” đã có “lý”?

 

Tháng 11/2007, UBND tỉnh đã ký quyết định thành lập Trung tâm Quản lý và Tổ chức biểu diễn ca Huế, là đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Sở VH-TT&DL tỉnh. Ngoài các chức năng quản lý, chấn chỉnh hoạt động ca Huế, tập huấn nghiệp vụ cho nhạc công, diễn viên, cấp phép biểu diễn, tuyên truyền quảng bá…, Trung tâm này còn được phép tổ chức dịch vụ về biểu diễn ca Huế.

Nhưng thực tế công tác quản lý hoạt động liên quan đến ca Huế sông Hương hiện rất chồng chéo. Ông Dũng liệt kê: Trung tâm quản lý nội dung, quy cách diễn viên; chính quyền địa phương quản lý an ninh; BQL bến thuyền quản lý việc thuyền xuất bến; CSGT đường thủy quản lý an toàn phương tiện lưu thông; sở Giao thông vận tải quản lý đăng kiểm!

Thêm vào đó, tàu thuyền hoạt động ca Huế lại là tài sản của hơn 10 doanh nghiệp hoạt động du thuyền trên địa bàn, trong đó du thuyền nghe ca Huế chỉ là một phần trong lĩnh vực kinh doanh của họ. Chính vì vậy, đã có trường hợp Trung tâm yêu cầu các doanh nghiệp này đăng ký làm sân khấu trên thuyền mới được tham gia hoạt động ca Huế nhưng các doanh nghiệp không chịu. Trung tâm cũng đành “bó tay” vì không có doanh nghiệp thì không có thuyền, cũng có nghĩa du thuyền ca Huế “bể show”.

Theo ông Huỳnh Văn Cảnh - Chủ nhiệm HTX vận tải du thuyền sông Hương: ca Huế được khai thác thương mại trên sông Hương từ những năm đầu thập niên 1990, xưa nay đều do các danh nghiệp đứng ra tìm khách, tổ chức và đóng thuế theo quy định. Từ khi ra đời, Trung tâm này tổ chức bán vé, biến doanh nghiệp thành “làm thuê”.

Ông Cảnh cho biết: “Đã có lần sau khi xin lệnh biểu diễn (mỗi lần Trung tâm thu 100.000 đồng) và có lệnh xuất bến của BQL bến thuyền, nhưng đang biểu diễn thì Trung tâm ra yêu cầu dừng chương trình vì cho rằng doanh nghiệp ghép khách”. Ngược lại, ông Cảnh cho rằng Trung tâm tổ chức bán vé lẻ và vẫn làm việc ghép các nhóm khách nhỏ thành đoàn. Với lập luận đó, theo ông Cảnh: Trung tâm đang “đá bóng lộn sân”, không tập trung thực hiên chức năng quản lý mà sa đà vào việc bán vé, thu tiền.

Chính vì hoạt động biểu diễn ca Huế trên sông Hương vẫn còn nhiều điều phải bàn, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa có quyết định chấn chỉnh toàn bộ hoạt động nghệ thuật - du lịch - văn hóa này. Nhưng như ông Dũng nói: “Chấn chỉnh phải thực hiện từng bước. Các đối tượng khai thác kinh doanh ca Huế trình độ cao có, thấp có nên việc quản lý không hề dễ dàng!”.

Hồng Kỹ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm