1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Diện tích đất và đầu tư cho nông nghiệp đang “teo tóp” dần

(Dân trí) - Chỉ trong 5 năm, gần 370.000 ha đất nông nghiệp đã bị thu hồi, trong khi đó tỷ trọng đầu tư cho nông - lâm nghiệp trong tổng vốn đầu tư Nhà nước liên tục giảm. Những con số này cho thấy “tam nông” cần sự quan tâm đúng mức hơn.

“Đến giờ nông nghiệp Việt Nam vẫn trong tình trạng bấp bênh, nông dân vẫn thiệt thòi, nông thôn vẫn lạc hậu” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hồ Xuân Hùng phát biểu tại Hội thảo “Trao đổi giữa các nhà hoạch định chính sách và cán bộ nghiên cứu và phát triển về Nông nghiệp - Nông dân - Nông thôn” (“tam nông”) ngày 13 - 14/12 tại TP Huế.

Nhiều dự án sân golf “treo đầu dê, bán thịt chó”

Theo GS.TS. Nguyễn Lân Dũng - Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, trong 5 năm (2001-2005) tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi là 366,44 nghìn ha để phục vụ các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng KCN, khu dân cư… Trong đó, các vùng kinh tế trọng điểm đã chiếm khoảng 50%.

Là một nước có khoảng 27 triệu lao động nông nghiệp và hầu hết làm việc theo cung cách manh mún, nhỏ lẻ, các chuyên gia đều nhất trí rằng diện tích đất bị co hẹp sẽ khiến nông dân càng thiệt thòi, nghèo khó.

Ông Dũng còn nêu ra một thực trạng đáng báo động là việc dùng đất nông nghiệp để xây dựng sân golf. Theo ông, nếu một tỉnh có 3-4 sân golf thì cả nước mất đi 30.000 ha đất nông nghiệp.

PGS.TS Lê Trọng - Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường cũng cho biết: nhiều cán bộ có thẩm quyền kết nối với chủ dự án, các chủ sân golf để “treo đầu dê (sân golf) bán thịt chó (nền biệt thự)”, đã lấy hơn 38.200 ha, trong đó, 15.200 ha là đất nông nghiệp. Giá đền bù đất nông nghiệp thường rất rẻ mạt, nhưng sau đó được quy hoạch, phân lô bán với giá cao gấp hàng trăm lần.

Không chỉ sân golf, báo cáo tổng hợp của 61 tỉnh cho biết hiện có 1206 dự án, với diện tích 132.463 ha đất sản xuất của nông dân đang là dự án “treo”. Các chuyên gia cho rằng việc thu hồi đất nông nghiệp cho những quy hoạch “treo”, dự án “treo” là một sự lãng phí tài nguyên đất.

Theo số liệu kiểm kê tính đến ngày 1/1/2007, so với số lượng kiểm kê ngày 1/1/2005 diện tích đất trồng lúa cả nước đã bị giảm đi 34.330 ha. Số lượng giảm này tập trung ở hai vựa lúa lớn là đồng bằng sông Cửu Long (15.000 ha) và đồng bằng sông Hồng (8.000 ha). Theo ông Dũng, “vùng đất lúa trù phú nhất nước mà bị đối xử như vậy thì thật đáng ngao ngán và lo sợ”.

Còn theoThs. Trương Quốc Cần - Tổ chức ActionAid Vietnam, nếu việc thu hồi đất không đi đôi với cung cấp thông tin và cải thiện trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp mới của nông dân thì sẽ nảy sinh nhiều hệ lụy. Rất nhiều trường hợp, người dân trở nên thất nghiệp, kéo theo các tệ nạn xã hội đã nảy sinh khi người dân bị thu hồi đất không nhận được hỗ trợ cần thiết từ nhà nước và nhà đầu tư để chuyển đổi sang sinh kế mới.

Thu nhập bình quân từ nông nghiệp: chỉ 6 triệu đồng/năm

GS.TS. Dũng cho rằng, việc xếp thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo chỉ có ý nghĩa chứng tỏ Việt Nam đã nỗ lực vươn lên từ một nước thiếu đói. Điều quan trọng là người nông dân thu được bao nhiêu tiền từ gạo xuất khẩu.

Ông Dũng đưa ra một con số so sánh: Hà Lan chỉ có 16,34 triệu dân, 69,6% sống ở thành thị nhưng xuất khẩu tới 17 tỷ USD nông sản (bình quân 4 triệu USD/ha!). Còn ở nước ta 1 ha ở đồng bằng sông Hồng chỉ có thể thu được bình quân khoảng 30 triệu đồng, tương đương 1.875 USD!.

PGS.TS Lê Trọng cho rằng, việc giảm tỷ trọng đầu tư cho nông nghiệp là sai. Theo đó, tỷ trọng đầu tư công đã giảm từ 21,36% (năm 1984) xuống còn 7,94% (năm 2005). Thêm vào đó, theo ông Trọng, những đồng vốn đầu tư cho xây dựng cơ bản trong nông nghiệp còn bị thất thoát đến 40%, do nạn tham nhũng trong xây dựng.

Các chuyên gia cũng nhận định: tình hình ruộng đất hiện còn manh mún. Chỉ tính riêng đồng bằng sông Hồng hiện nay có 857.000 ha canh tác và thuộc sự quản lý của 2,8 triệu hộ nông dân, bình quân mỗi hộ chỉ có 0,31ha. Vì các thửa ruộng quá nhỏ cho nên riêng diện tích đất được dùng làm bờ ruộng đã chiếm tới… 20.000 ha.

Cả nước hiện có khoảng 2 triệu ha đất nông nghiệp bị suy thoái nặng. Nguyên nhân, theo ông Trọng, là do ruộng đất giao không ổn định, người dân không có quyền sở hữu nên không lo bồi dưỡng, cải tạo đất mà chủ yếu là bóc lột sức sản xuất của ruộng đất. Hệ quả là thu nhập bình quân từ nông nghiệp rất thấp, chỉ khoảng trên 6 triệu đồng/năm.

Từ những phân tích trên, ông Trọng kiến nghị: muốn phát triển bền vững, cần tăng vốn đầu tư công cho “tam nông” từ nay đến 2025 lên 25%, sửa đổi Luật đất đai, và diệt trừ tham nhũng.

Hồng Kỹ