Đà Nẵng:
Diễn tập ứng phó sóng thần
(Dân trí) - Ngày 13/9, Ban chỉ đạo diễn tập ứng phó sóng thần và tìm kiếm cứu nạn QK 5 và TP Đà Nẵng đã phối hợp giao nhiệm vụ đến các đơn vị trên địa bàn để chuẩn bị cho cuộc diễn tập ứng phó với sóng thần lần đầu diễn ra vào đầu tháng 10.
Theo kịch bản: Lúc 8h45 ngày N, cấp ủy, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng nhận được thông báo của Trung tâm báo tin động đất cảnh báo: Lúc 8h35 phút ngày N, tại khu vực 17,5 độ Vĩ Bắc - 119,1 độ Kinh Đông (phía Tây đảo Luzon của Philippines) xảy ra trận động đất với cường độ 8,8 độ richter gây ra nhiều thiệt hại về người, tài sản và cơ sở hạ tầng.
Do ảnh hưởng của động đất đã gây ra sóng thần trên biển Đông có nguy cơ ảnh hưởng đến ven biển miền Trung rất lớn. Dự kiến sau 2,5-3 giờ sóng thần sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến bờ biển TP Đà Nẵng với độ cao của sóng khoảng 6m.
Thời điểm này trên vùng biển Đà Nẵng có 6.500 khách du lịch trong và ngoài nước đang vui chơi giải trí khu vực ven biển. Trên biển có khoảng 75 tàu thuyền với 910 lao động của Đà Nẵng và các địa phương khác đang hoạt động đánh bắt cá. Số tàu thuyền đang neo đậu trong cảng, ven bờ và dọc các cửa sông khoảng 450 chiếc…
Khi sóng thần xảy ra, có trên 27 ngàn hộ với trên 133,5 ngàn nhân khẩu thuộc 20 phường xã của 5 quận ven biển, trong đó có trên 26 ngàn trẻ em và người già phải sơ tán khẩn cấp…
Sau khi phát tin cảnh báo, các đơn vị phải bắt tay ngay vào xử lý tình huống: Sử dụng hệ thống phương tiện thông tin đại chúng, các thiết bị thông tin liên lạc tàu thuyền trên biển và thiết bị tại chỗ phát thông báo cảnh báo sóng thần cho cư dân trên đất liền và ngư dân trên biển sơ tán tránh sóng thần
Tổ chức lực lượng của quận, phường cơ động đến những khu vực trọng điểm để thông báo cảnh báo và hỗ trợ nhân dân, học sinh sơ tán sẵn sàng xử trí các tình huống. Tổ chức sơ tán nhân dân ven biển vào sâu trong đất liền từ 1-1,5km hoặc lên độ cao trên 10m, có thể lên các nhà cao tầng kiên cố sâu trong đất liền 300-400m. Chỉ đạo các tàu thuyền cùng cơ động vào bờ tránh sóng thần kịp thời, đồng thời cứu những người bị nạn lên bờ. Đề nghị không quân phối hợp thông báo, hướng dẫn cho ngư dân trên biển biết và sơ tán tránh sóng thần…
Ngoài ra, Ban chỉ đạo diễn tập cũng đề nghị tạo hiện trường giả là 5 chiếc tàu bị chìm, 5 ngôi nhà bị sập trong đó có 10 người bị mắt kẹt, 5 xe ôtô bị lật trong đó có 10 người, 10 chiếc thuyền bị trôi dạt trên bờ, 5 trụ điện bị ngã, một số người bị nạn trên đất liền và trên biển…
Sau khi kịch bản tình huống giả định được đặt ra, các đơn vị phối hợp tác chiến của trung ương và địa phương cùng nhau đóng góp ý kiến để việc thực hiện cuộc diễn tập một cách hiệu quả nhất.
Theo ý kiến của nhiều đại biểu từ các đơn vị tham gia hiệp đồng, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam tổ chức cuộc diễn tập ứng phó với sóng thần nên mọi việc đều phải bàn bạc cân nhắc để thống nhất đến từng chi tiết để đến khi cuộc diễn tập chính thức được diễn ra sẽ đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó tư lệnh, Trưởng Ban diễn tập Quân khu 5 cho biết: Công tác diễn tập đến nay đã dựng được kịch bản hoàn chỉnh, diễn viên là các đơn vị tham gia diễn tập đã sẵn sàng. Buổi hiệp đồng diễn tập này để các đơn vị trên địa bàn phối hợp với nhau ăn ý để cuộc diễn tập chính thức được thành công.
Theo kế hoạch, từ ngày 16-20/9, các cơ quan đơn vị thông qua kế hoạch diễn tập đã được phê duyệt; từ ngày 20-29/9, các đơn vị làm công tác chuẩn bị; từ ngày 30/9-4/10 các đơn vị tổ chức tập kết lực lượng và tổ chức huấn luyện; ngày 4/10 sẽ tổng duyệt để kiểm tra và ngày 5/10 (thời gian lùi lại 2 ngày so với kế hoạch trước đây) sẽ là cuộc diễn tập chính thức ứng phó với sóng thần lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Công Bính