DNews

Diện kiến Tổng Bí thư, nhân sĩ hiến kế phát triển khoa học, văn hóa

Q.Huy

(Dân trí) - Tại buổi gặp mặt với Tổng Bí thư, nhân sĩ trí thức khẳng định luôn đồng hành với sự phát triển của cả nước. Các đại biểu mong muốn nền văn học nghệ thuật tiếp tục phát triển trong kỷ nguyên mới.

Diện kiến Tổng Bí thư, nhân sĩ hiến kế phát triển khoa học, văn hóa

Sáng 9/1, Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chủ trì buổi gặp mặt nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ lão thành tiêu biểu, đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ các tỉnh, thành phía Nam. Sự kiện được tổ chức nhân dịp chuẩn bị đón Tết Ất Tỵ 2025, hướng tới 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025).

Buổi gặp mặt, có sự tham dự của Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên và các nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Diện kiến Tổng Bí thư, nhân sĩ hiến kế phát triển khoa học, văn hóa - 1

Tổng Bí thư Tô Lâm dự và chủ trì buổi gặp mặt nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cán bộ lão thành tiêu biểu, đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sỹ (Ảnh: H.H.),

Tại buổi làm việc, các nhà trí thức, chuyên gia, đại diện giới văn học, nghệ thuật đã trình bày nhiều suy nghĩ, đề xuất nhiều giải pháp tới Tổng Bí thư cùng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, TPHCM trong giai đoạn mới.

Giới trí thức đồng hành cùng TPHCM và cả nước

GS. TS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, cho biết, thành phố có lực lượng trí thức rất hùng hậu với khoảng 1,6 triệu người. Trong đó, 18.000 người là Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ, chuyên gia đầu ngành và 90.000 Thạc sĩ đã, đang đóng góp tích cực cho sự phát triển của địa phương và cả nước.

"Đội ngũ trí thức rất phấn khởi khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đặc biệt, việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban, minh chứng cho quyết tâm rất cao của Đảng, Nhà nước trong phát triển lĩnh vực này. Đây là bước đột phá quan trọng để đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới", GS. TS Nguyễn Văn Phước bày tỏ.

Diện kiến Tổng Bí thư, nhân sĩ hiến kế phát triển khoa học, văn hóa - 2

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại hội nghị (Ảnh: H.H.).

Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM thông tin thêm, TPHCM có gần 2.200 doanh nghiệp khởi nghiệp với 500 sự kiện, 80 cuộc thi hàng năm, góp phần đẩy mạnh thu hút nguồn lực trẻ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Thành phố cũng được xếp thứ 111 trên bảng xếp hạng các thành phố đổi mới, sáng tạo, năng động nhất toàn cầu.

Hiện tại, TPHCM xây dựng chương trình để tiến tới kết quả nằm trong nhóm 5 địa phương đứng đầu về chính phủ điện tử, kinh tế số chiếm 35% GRDP vào năm 2025. Đến năm 2030, thành phố sẽ hình thành đầy đủ dữ liệu phục vụ đô thị thông minh, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính quyền số.

"Tuy nhiên, TPHCM còn nhiều thách thức khi cơ chế tài chính, chính sách đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn giữ chân chuyên gia hàng đầu. Sự liên kết giữa các trường đại học, các nhà nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp còn lỏng lẽo, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học còn gặp khó khăn, hạ tầng kinh tế xã hội chưa đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế", GS. TS Nguyễn Văn Phước nêu.

Bên cạnh đó, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ ngành trí tuệ nhân tạo, vật liệu mới, công nghệ sinh học chưa theo kịp đà phát triển của thế giới. Đầu tư phát triển cho khoa học công nghệ chưa tương xứng tiềm năng, chưa huy động được nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách.

Diện kiến Tổng Bí thư, nhân sĩ hiến kế phát triển khoa học, văn hóa - 3

Buổi gặp mặt được tổ chức nhân dịp chuẩn bị đón Tết Ất Tỵ 2025, hướng tới 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025) (Ảnh: H.H.).

Đưa ra giải pháp cho TPHCM cùng cả nước, vị chuyên gia cho rằng, thành phố cần tập trung hơn cho lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới và năng lượng tái tạo. Các cơ chế, chính sách cần sự đột phá để thu hút nguồn lực đầu tư, thu hút nhân lực chất lượng cao thông qua hợp tác với các trường, viện trong và ngoài nước, tạo điều kiện để chuyên gia quốc tế tham gia nhiều dự án nghiên cứu hơn.

Trong đó, TPHCM cần hệ thống hóa các nghiên cứu, xác định đề tài trọng yếu dựa trên nhu cầu phát triển và xu hướng khoa học công nghệ. Việc đặt hàng nghiên cứu cần gắn với việc sử dụng, thu hút chuyên gia đầu ngành, nghiên cứu chủ trương mua sản phẩm khoa học, khoán nghiên cứu theo sản phẩm thay vì quản lý như trước đây.

Kế đến, thành phố cần huy động đội ngũ chuyên gia tư vấn, phản biện chính sách trong hoạch định các chính sách phát triển. Cơ chế chuyển giao kết quả nghiên cứu cần được đổi mới, tăng cường thẩm định xã hội, thẩm định kỹ thuật các dự án đầu tư lớn, đảm bảo sự tham gia đầy đủ của xã hội, tránh sai sót trong quá trình thực hiện.

Về nguồn nhân lực, TPHCM và các địa phương cần có chiến lược bền vững, thu hút nhân lực chất lượng cao để giải quyết thách thức. Nguồn nhân lực phải có tay nghề cao, đủ đáp ứng nhu cầu tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, khuyến khích đào tạo, xây dựng các chương trình hỗ trợ và cập nhật đầy đủ nhu cầu nhân lực các ngành. Đặc biệt, thành phố cần tính toán việc huy động chất xám cho các lĩnh vực cụ thể từ những người sinh sống bên ngoài địa bàn.

"Việc chuyển đổi số cần gắn với xây dựng đô thị thông minh, tập trung cho hạ tầng số, hạ tầng truyền thông, mạng viễn thông 5G, để xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để hình thành công cụ hiệu quả, đánh giá chính quyền số và xây dựng hệ thống dữ liệu", GS. TS Nguyễn Văn Phước góp ý.

Cuối cùng, vị chuyên gia hiến kế, thành phố cần tập hợp, lãnh đạo, xác định đúng vai trò của đội ngũ trí thức. Địa phương cần thành lập Công viên Khoa học công nghệ để tạo điều kiện, môi trường cho đội ngũ nghiên cứu, phát huy sáng tạo, thành lập quỹ đổi mới sáng tạo để thu hút nguồn lực, khuyến khích và thương mại hóa các sản phẩm khoa học.

Văn học nghệ thuật là linh hồn của sự phát triển

Đại diện cho giới văn học, nghệ thuật, ông Nguyễn Nho Khiêm, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật TP Đà Nẵng, chia sẻ, trong bối cảnh đất nước chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới, văn hóa, văn học và nghệ thuật là linh hồn của sự phát triển. Trong đó, việc gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống là điều cần ưu tiên cao nhất.

"Việt Nam có nền lịch sử văn hóa phong phú và đậm đà bản sắc. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập, nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang dần mai một, việc bảo tồn, khôi phục, tái sinh các giá trị này cần được xem là một trong những nền tảng quan trọng", ông Nguyễn Nho Khiêm chia sẻ.

Diện kiến Tổng Bí thư, nhân sĩ hiến kế phát triển khoa học, văn hóa - 4

Đại biểu trình bày góp ý, hiến kế cho đất nước (Ảnh: H.H.).

Giải pháp được vị Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật TP Đà Nẵng đưa ra là tư liệu hóa các giá trị truyền thống, tăng sự tiếp cận của giới trẻ đối với tư liệu này. Việc phát triển văn hóa dân tộc cần thực hiện hài hòa với tinh hoa của thế giới.

Giải pháp kế đến là xây dựng hệ sinh thái sáng tạo về văn học, nghệ thuật, đưa văn học nghệ thuật trở thành ngôn ngữ sáng tạo của xã hội. Hệ sinh thái này cần có sự kết nối đồng bộ giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người sáng tạo, đầu tư hơn nữa cho giáo dục nghệ thuật và khuyến khích những sáng tạo mang tính đột phá, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế.

"Chúng ta cần xây dựng được hình ảnh Việt Nam thông qua lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Các tác phẩm nghệ thuật cần được đầu tư hơn để phản ánh chân thực con người, đất nước Việt Nam để quảng bá ra thế giới về thương hiệu, hình ảnh quốc gia", ông Nguyễn Nho Khiêm nêu ý kiến.

Ngoài ra, các nghệ sĩ, nhà văn cần có những chính sách khuyến khích, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, các cơ quan cần tăng cường việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Theo ông Nguyễn Nho Khiêm, các nhà sáng tác cần được hưởng chính sách về bảo hiểm, hưu trí, được tiếp cận các quỹ hỗ trợ sáng tạo nghệ thuật và có sự tôn vinh tương xứng thông qua các giải thưởng thường niên.

Diện kiến Tổng Bí thư, nhân sĩ hiến kế phát triển khoa học, văn hóa - 5

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với các đại biểu bên lề buổi gặp gỡ (Ảnh: H.H.).

Đồng quan điểm, NSND Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TPHCM, đề xuất việc thực hiện chiến lược phát triển ngành văn hóa trên địa bàn cần gắn chặt với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Văn hóa cần trở thành động lực nội sinh, gắn liền với sự phát triển mọi mặt của đất nước.

"Để văn hóa phát huy, là sức mạnh mềm của quốc gia, chúng ta cần thể chế hóa về phát triển công nghiệp văn hóa đồng bộ, thông qua việc xây dựng hành lang pháp lý đầy đủ, cơ chế chính sách cần thiết. Hoạt động sáng tạo văn hóa, phát triển cộng đồng sáng tạo cần được tạo điều kiện thông thoáng, được quan tâm bình đẳng, có sự linh hoạt về chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư", bà Nguyễn Thị Thanh Thúy góp ý.