Diễn biến mới vụ 3 năm đi đòi tiền bảo hiểm ô tô bị mất trộm

Nguyễn Trường

(Dân trí) - Cho rằng bản án phúc thẩm có quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm xe ô tô nên tài xế đã đề nghị xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm.

Mới đây, anh Đỗ Thế Quang (SN 1980, ở Hà Nội) đã có đơn gửi Chánh án TAND Cấp cao và Viện trưởng VKSND cùng cấp, đề nghị xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm đối với vụ tranh chấp hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới giữa anh và công ty bảo hiểm.

Trong đó, bị đơn là Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm hàng không (VNI); người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là Công ty cổ phần Bảo hiểm hàng không Thủ đô (VNI Thủ đô).

Theo anh Quang, phiên tòa phúc thẩm kết thúc với kết luận, quyết định trong bản án không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ việc, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân.

Diễn biến mới vụ 3 năm đi đòi tiền bảo hiểm ô tô bị mất trộm - 1

Cho rằng bản án phúc thẩm có quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan, anh Quang đã đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét lại vụ việc theo thủ tục giám đốc thẩm (Ảnh: Nguyễn Trường).

Cụ thể, TAND TP Hà Nội đã căn cứ vào khoản 4 điều 10 Quy tắc bảo hiểm kết hợp xe cơ giới quy định về hồ sơ bồi thường trong trường hợp xe bị mất trộm, mất cướp toàn bộ, gồm:

"- Đơn trình báo mất trộm, mất cướp có xác nhận của cơ quan công an;

- Quyết định khởi tố và điều tra hình sự (nếu có) liên quan đến mất trộm, mất cướp ô tô được bảo hiểm;

- Quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ khởi tố vụ án hình sự liên quan đến mất trộm, mất cướp ô tô được bảo hiểm;

- Khai báo bị mất giấy tờ, tài liệu liên quan đến xe bị mất cắp, mất cướp khi để trên xe có xác nhận của cơ quan công an.

Và Khoản 2.2 Điều 15: VNI có trách nhiệm bồi thường tổn thất toàn bộ xe bị mất trộm, mất cướp khi có kết luận của cơ quan công an đình chỉ điều tra hoặc đình chỉ khởi tố hình sự liên quan đến mất trộm, mất cướp của chính chiếc xe đó", rồi phán quyết, hồ sơ yêu cầu bồi thường của anh Quang không có một trong các quyết định nêu trên mà chỉ có "Thông báo về việc tạm đình chỉ giải quyết đơn tố giác" là chưa đầy đủ; hoàn toàn vô lý và không thể thực hiện được.

Bởi lẽ, căn cứ vào cụm từ "nếu có" thì sẽ được hiểu là có hoặc không có "Quyết định khởi tố và điều tra vụ án hình sự liên quan đến mất trộm, mất cướp ô tô được bảo hiểm". Nếu có thì bên được bảo hiểm phải cung cấp cho bên bảo hiểm, còn nếu không có cũng không ảnh hưởng gì đến hồ sơ bồi thường.

Diễn biến mới vụ 3 năm đi đòi tiền bảo hiểm ô tô bị mất trộm - 2

Hình ảnh xe ô tô của anh Quang trước bị mất cắp (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Trong khi đó, nếu có quyết định khởi tố và điều tra thì mới có thể có cơ sở để ban hành quyết định đình chỉ điều tra; nếu không có quyết định khởi tố và điều tra thì không thể có cơ sở ban hành quyết định đình chỉ. 

"Điều này đồng nghĩa rằng, việc tòa án yêu cầu tôi phải có một trong các quyết định nêu trên là hoàn toàn không có căn cứ pháp lý" - anh Quang lập luận.

Nội dung đơn kháng nghị cũng cho rằng, tòa phúc thẩm đã có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án không đúng.

Cụ thể, tòa cho rằng anh Quang "chưa chứng minh được tổn thất toàn bộ xe ô tô bị mất trộm như trình báo" là không đúng pháp luật. Bởi lẽ, căn cứ theo Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Bên cạnh đó, trong hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới và Quy tắc bảo hiểm kết hợp xe cơ giới do VNI ban hành không có điều khoản nào yêu cầu bên mua bảo hiểm phải chứng minh tổn thất toàn bộ xe ô tô bị mất trộm, mất cướp.

Đặc biệt, tòa án đã không căn cứ vào Khoản 2 Điều 8 Quy tắc bảo hiểm kết hợp xe cơ giới, quy định: Sau 90 ngày kể từ ngày VNI có văn bản đề nghị cơ quan chức năng có thẩm quyền tiến hành xác minh mà chưa có kết quả xác minh thì VNI phải chủ động tiến hành xác minh, xem xét giải quyết bồi thường. Điều này đã gây bất lợi cho bản thân anh Quang.

3 năm chật vật đi đòi tiền bảo hiểm xe ô tô bị mất cắp

Như Dân trí đã đưa tin, hơn 3 năm qua, anh Đỗ Thế Quang chật vật theo đuổi việc lấy tiền bảo hiểm xe cơ giới đường bộ từ VNI Thủ đô.

Sau khi xe ô tô bị mất trộm tại khu vực phường Trung Tự (quận Đống Đa, Hà Nội) vào ngày 8/12/2018, anh Quang đã lập tức trình báo với công an phường Trung Tự, đồng thời thông báo vụ việc với VNI Thủ đô để được hướng dẫn thủ tục bồi thường.

Do hết thời hạn xác minh, ngày 11/2/2019, cơ quan công an đã ban hành thông báo về việc tạm đình chỉ giải quyết đơn tố giác của anh Quang. Tuy nhiên, khi nộp thông báo này cho VNI Thủ đô thì anh Quang vẫn chưa thể nhận tiền bảo hiểm vì lý do "hồ sơ chưa đầy đủ".

Đáng chú ý, khi khởi kiện vụ việc này ra tòa, tòa sơ thẩm cho rằng, việc VNI Thủ đô chưa bồi thường cho anh Quang với lý do chưa có quyết định đình chỉ điều tra của cơ quan công an là không có cơ sở. Thực tế, thiệt hại của anh Quang là có thật nên yêu cầu VNI Thủ đô phải bồi thường hơn 284 triệu đồng.

Tuy nhiên, tòa phúc thẩm nhận định, việc hồ sơ yêu cầu bồi thường của anh Quang không có các quyết định từ cơ quan công an mà chỉ có thông báo về việc tạm đình chỉ giải quyết đơn tố giác là chưa đầy đủ, chưa chứng minh được tổn thất toàn bộ xe ô tô bị mất trộm như trình báo, chưa đủ điều kiện theo thỏa thuận đã ký tại hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới.