1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Điện - Báo động đỏ mùa mưa bão

Cái chết thương tâm của chị Nguyễn Thị Ngọc, <a href="http://dantri.com.vn/Sukien/2006/5/120234.vip">bị điện giật chết </a>tại cột điện trước nhà số 49 Trần Xuân Soạn (Hà Nội) chiều 27/5, đã gây xôn xao dư luận và làm dấy lên mối lo âu về hiểm hoạ điện giật trong mùa mưa bão.

Những hiểm hoạ đang treo lơ lửng

 

Sau cái chết của chị  Ngọc, người ta mới nhìn lại và nhận thấy một lỗ hổng rất lớn trong công tác đảm bảo an toàn điện cho người dân. Cụ thể là quy trình kiểm tra hệ thống dây, côngtơ, dây dẫn tiếp địa... đã bị nhân viên điện lực bỏ qua, hoặc có làm nhưng tắc trách.

 

Qua phản ánh của người dân, hiện một số điện lực còn đang cho thuê cả cột điện để kiếm lời, dẫn tới hệ thống dây vốn đã chằng chịt trên các cột điện lại càng thêm chằng chịt và nguy hiểm.

 

Có mặt tại hiện trường vụ tai nạn thương tâm - cột điện trước cửa nhà số 49 phố Trần Xuân Soạn (Hà Nội), chúng tôi nhận thấy, ngoài hệ thống dây, côngtơ của ngành điện, trên cột còn khá nhiều loại dây của một số ngành khác, công ty khác.

 

Không chỉ tại cột điện này, mà tại hầu hết các cột điện trong thành phố Hà Nội, tình trạng dây điện, điện thoại, cáp truyền hình chằng chịt như mạng nhện đang vừa là nỗi lo cho người dân vừa là một bức tranh thiếu thẩm mỹ cho một thành phố, thủ đô của cả nước.

 

Có vị khách nước ngoài khi đến Hà Nội đã nửa đùa nửa thật nhận xét: “Người dân thủ đô của các ông hoặc là anh hùng, hoặc là điếc không sợ súng, khi phải sống trong một lưới điện chằng chịt đầy nguy hiểm như vậy”. Theo chúng tôi, nhận xét của vị khách này chỉ đúng một nửa, bởi người dân Hà Nội không phải điếc không sợ súng, họ biết nguy hiểm nhưng phải chấp nhận vì họ không có quyền lựa chọn.

 

Mặc dù ngành điện Hà Nội đã đầu tư cải tạo lưới điện nhưng những hiểm nguy, bất cập đó vẫn chưa khắc phục được bao nhiêu. Nguy hiểm hơn, dường như một số nhân viên ngành điện không cảm thấy trách nhiệm của mình. Khi xảy ra tai nạn, nhân viên điện lực Hai Bà Trưng (Hà Nội) vẫn không nhận trách nhiệm, không chịu ký vào biên bản. Chỉ những ngày sau, trước việc kiểm tra của các cơ quan chức năng, Điện lực Hai Bà Trưng mới thừa nhận trách nhiệm và tiến hành khắc phục hậu quả.

 

Thiếu trách nhiệm

 

Theo báo cáo ban đầu của Điện lực Hai Bà Trưng, nạn nhân chết do nguồn điện chạm ra vỏ hòm sắt côngtơ điện và truyền xuống dây tiếp địa nối đất. Nguyên nhân dẫn tới việc rò điện ra vỏ hòm côngtơ sắt là do dây sau côngtơ bị cháy hỏng lớp cách điện và bị chạm vào đáy hòm nên điện bị truyền ra vỏ hòm côngtơ.

 

Như vậy có thể thấy sự vô trách nhiệm của nhân viên ngành điện trong quá trình  thực thi nhiệm vụ. Các nhân viên trực tiếp quản lý điện khu vực này đã  không thường xuyên kiểm tra hệ thống dây điện cả trước và sau côngtơ tại khu vực trên. Nếu có kiểm tra mà không phát hiện thì đó là sự tắc trách và yếu kém.

 

Thứ nữa, hiện các vỏ hòm côngtơ điện ở Hà Nội đang sử dụng là vỏ hòm bằng nhựa composit, vậy tại sao tại nơi xảy ra tai nạn vẫn dùng vỏ hòm côngtơ điện bằng sắt? Được biết, chỉ sau khi xảy ra tai nạn, Điện lực Hai Bà Trưng mới cho thay vỏ hòm sắt tại vị trí cột nói trên bằng các hòm côngtơ nhựa composit.

 

Việc kiểm tra các thiết bị đã hết khấu hao hay chưa để thay thế, đảm bảo an toàn cho người dân có được thực hiện? Vì sao dây tiếp địa bị đứt mà không được khắc phục ngay? Đây là những câu hỏi và cũng là câu trả lời về việc thiếu trách nhiệm của những nhân viên ngành điện.

 

Trong cuộc làm việc giữa phóng viên với lãnh đạo Điện lực Hai Bà Trưng, Phó Giám đốc Kiều Tiến Tú cho biết sẽ rút kinh nghiệm sâu sắc qua sự việc này. Tuy nhiên, theo chúng tôi  không chỉ rút  kinh nghiệm một cách chung chung mà cần có một cuộc mổ xẻ, một cuộc cách mạng thật sự trong ngành điện để khắc phục những bất cập nêu trên, cũng là để giảm thiểu những hiểm hoạ đang treo lơ lửng trên đầu người dân, nhất là khi mùa mưa bão đang đến gần.

 

Theo Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm