“Điểm mờ” trong quản lý nội trú
Phòng ốc chật chội, ngột ngạt đến mức khó tin, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao. Nỗi khổ… tắm tập thể.
Hơn 70 trường phổ thông ngoài công lập của TP.HCM đang “gánh” gần 35.000 học sinh từ mầm non đến THPT. Thế nhưng chưa có một quy định cụ thể nào về phòng ốc, diện tích tối thiểu, sân chơi… cho các trường có tổ chức nội trú. Điều kiện ăn ở chật hẹp đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, học sinh bị ức chế tâm lý nên đã có trường hợp đánh nhau, đâm chém dẫn đến hậu quả đau lòng.
Công bằng mà nói, ở TP.HCM, hệ thống các trường ngoài công lập đã góp phần giảm tải cho các trường công và giải quyết chỗ học cho con em TP cũng như các tỉnh. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh từ các tỉnh đổ về, các trường dân lập, tư thục liên tục thu nhận học sinh và chuyện sinh hoạt chật hẹp là điều không tránh khỏi. Nhìn chung tỉ lệ diện tích trên học sinh chỉ khoảng 1 m2/người. Trường nào có diện tích rộng từ 2.000 m2 đến 5.000 m2 thì lượng học sinh nhận vào cũng… tỉ lệ thuận cho bằng trường bạn.
Phòng 50 m2, 49 người
Khu nội trú nam của Trường Dân lập Nguyễn Khuyến (phường 13, quận Tân Bình) diện tích chưa tới 50 m2 nhưng lại chứa đến 48 học sinh và thầy quản nhiệm, tính ra mỗi người chưa được 1 m2. Trong phòng, trường phải cho kê giường ba tầng mới mong đủ chỗ ngủ. “Phòng chật, chúng tôi không dùng máy lạnh mà dùng quạt công suất lớn để tránh dịch bệnh lây lan” - một quản nhiệm tại đây cho biết. Em PCT, một học sinh lớp 11, nói: “Con sợ nhất là mùa nắng nóng, mở hết cửa, quạt máy chạy hết công suất mà người vẫn đổ mồ hôi ướt chiếu, con phải đi lấy cái khăn tắm thấm nước đắp lên người cho mát mới ngủ được”.
Giờ tắm tập thể của nam sinh Trường Dân lập cấp 2-3 Nhân Văn quận Tân Phú bát nháo, quần áo vương vãi, chật chội ngay trước phòng nội trú. Ảnh: QV
Phòng nội trú kê giường tầng là hết chỗ để các em có góc học tập riêng tư. (Ảnh chụp tại Trường Dân lập Ngô Thời Nhiệm, quận 9) Ảnh: QV
Trường Dân lập Đăng Khoa (Cơ sở Nguyễn Đình Chính, Phú Nhuận) còn tệ hơn, mỗi phòng học chưa đầy 30 m2 nhưng chứa từ 40 đến 45 học sinh. Phòng nội trú thì rộng hơn phòng học một chút, tất cả văn phòng của nhà trường đều phải cơi nới thêm. Anh Kim Thơ, quê Tân Phú (Đồng Nai), chuyển cậu con trai tên T. xuống đây học nhưng nhập học khoảng hai tuần thì con anh than chỗ ở chật, ngột ngạt quá. Thương con, anh chuyển thằng bé sang một trường dân lập khác ở Tân Phú nhưng điều kiện phòng ốc cũng chỉ nhỉnh hơn trường cũ một chút. “Ba ơi, ở đây các bạn đều con nhà giàu các tỉnh, chiều thứ Bảy là ô tô đỗ trước cổng trường rước các bạn. Các bạn vào đây ít học, chỉ chơi, quậy phá rồi cuối tuần về nhà. Năm sau, ba chuyển con về quê học đi” - T. năn nỉ ba.
Nỗi khổ… tắm tập thể
Còn tại Trường Dân lập Nhân Văn (quận Tân Phú) quần áo nam sinh phơi la liệt trên lan can; khăn tắm, quần lót thì treo đầy trước phòng nội trú. Khoảng 16 giờ chiều, tan học, thầy quản nhiệm “lùa” học sinh đi tắm tập thể, cứ mỗi đợt khoảng 20 nam sinh vào tắm 10 phút. Trường có hơn 1.200 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 trong khuôn viên khoảng 2.000 m2 xây bốn tầng mà học sinh chưa bao giờ được tắm riêng. “Các bạn nói cháu “nữ tính”, khi tắm chung hay dòm ngó, bình phẩm khiến cháu ngại và mặc cảm lắm. Cháu học ở đây chỉ mong tới ngày cuối tuần được ra ngoài để tự do, thư thả hơn. Bạn nào cuối tuần không về nhà mà ở lại trường thì sinh hoạt cũng rộng rãi, tắm táp cũng thoải mái hơn” - một nam sinh cho biết.
Trường Dân lập Thanh Bình (quận Tân Bình) có lượng học sinh nội trú cũng đông đến khiếp: Hơn 2.000 em. Khu nội trú có khoảng 45 phòng ở, bốn phòng dành cho học sinh tiểu học, 15 phòng bậc THCS và 26 phòng THPT. Trong đó có phòng chứa đến 120 học sinh. Học sinh ở chung phòng đông nhưng chỉ có một phòng tắm, bên trong là một dãy vòi nước để tắm tập thể, không có gì che chắn giữa vòi tắm này với vòi tắm kia. Một thành viên ban giám hiệu Trường Dân lập Thanh Bình cho biết mỗi năm lượng học sinh tăng từ 10% đến 20% nhưng diện tích thì không tăng. Chị Thanh Huyền (Bà Rịa-Vũng Tàu) có con đang học lớp 12 trường này kể: “Tôi cho con ở nội trú mà không yên tâm chút nào vì sợ dịch bệnh, năm ngoái con tôi bị lây nhiễm Rubella và sởi”.
Theo quy định, một trường phổ thông có quy mô 35 lớp phải có diện tích 1 ha đất, đó là chưa kể những hạng mục cần thiết khác để giáo dục toàn diện. Trường ngoài công lập mà không có nội trú sẽ không có học sinh. Trường Nguyễn Khuyến có hơn 80% học sinh ngoại tỉnh nên việc tổ chức nội trú phải ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, do quỹ đất hạn hẹp nên chỗ ăn, nghỉ, vui chơi của học sinh không được thoải mái. Khó khăn chung của các trường dân lập là thiếu quy định cụ thể về tổ chức nội trú cho học sinh trong khi muốn mở rộng khuôn viên cũng rất khó khăn. Riêng Trường Nguyễn Khuyến được cấp đất ở quận 9 từ năm 2005 nhưng đến nay chưa xây dựng trường được vì vướng giải tỏa, đền bù. TSLÊ TRỌNG TÍN, Hiệu trưởng Trường Dân lập Nguyễn Khuyến |