1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Điểm mặt” những dự án đường sắt đô thị “đội” vốn… khủng!

(Dân trí) - Trong tổng số 16 dự án đường sắt đô thị (ĐSĐT) mà Chính phủ duyệt tại Hà Nội và TPHCM, đến nay mới có 6 dự án được triển khai. Tuy nhiên, tất cả các dự án này đều chậm tiến độ nhiều năm và mức đội vốn cao nhất lên tới gần 200%.

Dự án ĐSĐT thí điểm TP Hà Nội, đoạn Nhổn - ga Hà Nội

Tổng chiều dài của Dự án là 12,5km, trong đó đoạn đi trên cao dài 8,5km, đoạn đi ngầm khoảng 4,0km. Đây là dự án đường sắt khổ đôi 1.435mm với hệ thống 8 nhà ga trên cao và 4 ga ngầm từ điểm đầu là Nhổn và điểm cuối là ga Hà Nội. Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Pháp.

Chủ đầu tư Dự án là Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (BQLDA). Dự án được phê duyệt vào tháng 4/2009 với tổng mức đầu từ (TMĐT) là 783 triệu Euro, trong đó vốn vay ODA là 653 triệu Euro và vốn đối ứng của Chính phủ là 130 triệu Euro. Thời gian thực hiện từ năm 2009 - 2015.

Tuy nhiên, dự án này đã được phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 4007/QĐ-UBND ngày 28/06/2013 với TMĐT là 1.176 triệu Euro với vốn vay ODA là 899,68 triệu Euro và vốn đối ứng là 276,02 triệu Euro (tăng 50,2% so với TMĐT ban đầu). Thời gian thực hiện được kéo dài thêm 3 năm, từ 2009-2018.

BQLDA cho biết, hiện nay công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng, đang triển khai thi công 4/5 gói thầu xây lắp, dự kiến đến tháng 12/2014 sẽ ký hợp đồng thi công 1 gói thầu xây lắp còn lại.

Dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông

Dự án do Bộ GTVT cấp quyết định đầu tư, ban đầu Bộ này giao cho Cục Đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư nhưng từ 1/9 quyền chủ đầu tư dự án đã được chuyển về Bộ GTVT. Dự án sử dụng vốn vay tín dụng ưu đãi của Trung Quốc.

Dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đội vốn thêm 339,06 triệu USD (Ảnh: Hữu Nghị)

Dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông "đội" vốn thêm 339,06 triệu USD (Ảnh: Hữu Nghị)

Phê duyệt từ tháng 10/2008, Dự án ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông có TMĐT 8.770 tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vốn vay của Trung Quốc là 419 triệu USD và 133,86 triệu USD là vốn đối ứng của Việt Nam. Hiện dự án đang rà soát để điều chỉnh TMĐT thêm 339,06 triệu USD, tăng TMĐT dự án lên 891,92 triệu USD (tăng 61% so với phê duyệt dự án ban đầu).

Trên tuyến ĐSĐT này xây dựng 13,05km đường sắt trên cao, với 12 nhà ga từ Cát Linh đến bến xe Yên Nghĩa (Hà Đông), đường sắt đôi khổ 1.435mm. Tốc độ chạy tàu tối đa là 80km/h.

Ở dự án này, tiến độ thực hiện theo phê duyệt ban đầu là phải hoàn thành vào tháng 11/2013, tuy nhiên thực tế tháng 10/2011 dự án mới khởi công nên dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại ngày 31/12/2015.

Tuyến ĐSĐT số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo

Dự án sử dụng vốn vay của Chính phủ Nhật Bản, do BQLDA đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu đư. Dự án được phê duyệt vào tháng 11/2008 với TMĐT là 19.555 tỷ đồng (tương đương với 131.023 triệu Yên), trong đó vốn vay ODA là 16.485 tỷ đồng và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 3.079 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án là từ 2009 - 2015.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng: “Nếu không nỗ lực thì các dự án ĐSĐT đã chậm còn tiếp tục chậm nữa. Cần thiết phải xin một đại tá công an về làm Phó Giám đốc BQLDA đường sắt của Bộ GTVT để kiểm soát nội bộ và phòng chống tiêu cực”.

Quy mô xây dựng dự án, tổng chiều dài toàn tuyến là 11,5km, trong đó 8,5km đường đi ngầm và 3km đi trên cao. Khổ đường sắt đôi 1.435mm. Hệ thống nhà ga gồm 3 ga trên cao, 7 ga ngầm. Vị trí Depot đặt tại Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm.

Theo BQLDA, trong quá trình triển khai dự án đã gặp một số vấn đề phát sinh nên TMĐT dự án dự kiến sẽ tăng từ 19.555 tỷ đồng lên 51.750 tỷ đồng (tăng 164%). Tiến độ triển khai hiện chậm so với kế hoạch ban đầu khoảng 3 năm.

Đây là dự án chưa triển khai thi công, mới hoàn thành thẩm tra thiết kế kỹ thuật, phê duyệt kết quả sơ tuyển 4 gói thầu xây lắp và hồ sơ mời sơ tuyển gói thầu thiết bị, hoàn thành phê duyệt quy hoạch chi tiết Depot và tổng mặt bằng trên cao. Công tác GPMB đang được triển khai.

Dự án xây dựng ĐSĐT Hà Nội - tuyến số 1 (giai đoạn 1)

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) là cơ quan cấp quyết định đầu tư dự án, chủ đầu tư là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (đang thực hiện chuyển giao quyền chủ đầu tư về Bộ GTVT trong tháng 9 này - PV). Dự án sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản.

Dự án được phê duyệt với TMĐT là 19.460 tỷ đồng (tương đương với 147.699 triệu Yên), trong đó vốn vay ODA là 13.972 tỷ đồng và 5.487 tỷ đồng vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Thời gian thực hiện dự án từ 2008 - 2017.

Các dự án ĐSĐT tại Hà Nội và TPHCM đều chậm từ 3-5 năm 

Các dự án ĐSĐT tại Hà Nội và TPHCM đều chậm từ 3-5 năm 

Quy mô dự án, xây dựng đường sắt trên cao đoạn Giáp Bát - Gia Lâm và khu tổ hợp Ngọc Hồi với tổng chiều dài khoảng 15,36km. Tuyến đường sắt bao gồm 3 ga quốc gia và 6 ga đô thị. Tốc độ thiết kế là 80km/h, khổ đường lồng 1.435mm và 1.000mm. Dự kiến, dự án này sẽ phải điều chỉnh cả về quy mô, TMĐT và tiến độ thi công dự án.

Đây cũng là dự án vừa phát hiện tiêu cực và 6 lãnh đạo cấp cao của ngành đường sắt đã bị bắt giữ sau khi nhà thầu JTC của Nhật Bản khai nhận hối lộ 80 triệu Yên để “chạy” thầu.

Dự án ĐSĐT tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên (TPHCM)

UBND TPHCM là cơ quan cấp quyết định đầu tư dự án, chủ đầu tư là BQLDA đườn sắt đô thị TPHCM. Dự án được phê duyệt tháng 4/2007 với TMĐT là 17.387 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án theo phê duyệt ban đầu là 10 năm từ 2007 - 2017. Tuy nhiên, tháng 9/2011 dự án này đã được quyết định điều chỉnh, nâng TMĐT lên tới 47.325 tỷ đồng và tiến độ hoàn thành là năm 2019, đưa vào vận hành khai thác thương mại là năm 2020.

Tuyến ĐSĐT số 1 có tổng chiều dài 19,7km, gồm 2,6km đi ngầm và 17,1km đi trên cao. Toàn tuyến có 14 ga, trong đó 3 ga ngầm, 11 ga trên cao và depot Long Bình tại Quận 9 - TPHCM.

Hiện nay, dự án đang triển khai các gói thầu xây lắp khu vực Nhà hát thành phố, xây dựng đoạn đi trên cao và depot. Cuối tháng 10/2014 dự kiến sẽ hoàn thành GPMB. Tiến độ tổng thể của dự án chậm 2 năm so với kế hoạch đề ra ban đầu.

Dự án ĐSĐT tuyến số 2 (giai đoạn 1), đoạn Bến Thành - Tham Lương (TPHCM)

Cũng như tuyến ĐSĐT số 1, tuyến số 2 do UBND TPHCM cấp quyết định đầu tư và do BQLDA đường sắt đô thị TPHCM làm chủ đầu tư.

Được phê duyệt tháng 10/2010, dự án có TMĐT là 1.374,5 triệu USD, hợp vốn của các nhà tài trợ ADB, KfW, EIB và vốn ngân sách TPHCM. Tuy nhiên, TMĐT của dự án đã được duyệt điều chỉnh lên tới 2.158,85 triệu USD, tăng khoảng 784 triệu USD so với ban đầu.

Tổng chiều dài dự án là 11,322km, trong đó có 9,315 đi ngầm, 0,232km chuyển tiếp, 0,778km đi trên cao và 0,997km nối vào depot Tham Lương với diện tích 25ha. Dự án bao gồm 7 gói thầu chính và đang được tổ chức thực hiện lựa chọn nhà thầu.

Theo phê duyệt ban đầu, thời gian thực hiện dự án từ 2010 - 2018, nhưng hiện nay đang thực hiện công tác điều chỉnh thiết kế nền tảng để hoàn thành thi công vào năm 2019, vận hành chạy thử khai thác vào năm 2020 (chậm 2 năm).

Châu Như Quỳnh