Dịch vụ mua lợn ốm, chết ở Hà Tây
Mới nghe cứ tưởng chuyện đùa. Ấy thế mà ngay ven đường quốc lộ 21, hướng từ thị xã Hà Đông (Hà Tây) đi Chùa Hương, đoạn chạy qua xã Bích Hoà, huyện Thanh Oai lại mọc lên vài biển hiệu quảng cáo: “Chuyên mua lợn ốm chết các loại”.
Thậm chí, chủ nhân của những chiếc biển này còn ghi rõ cả số điện thoại cố định lẫn số cầm tay để khách hàng… tiện liên hệ.
20.000 đồng một con lợn chết
Những biển hiệu quảng cáo kì quặc được bôi bằng mực đỏ lên tường nhà một số hộ dân ở xã Bích Hoà từ hơn một tháng nay. Nó trưng ra mặt đường quốc lộ và đập vào mắt bất cứ vị khách bộ hành nào qua đây. Sự tồn tại của nó gây tò mò chú ý của rất nhiều người. Mua lợn ốm chết làm gì nhỉ?
“Úi dời, mấy cái biển đó của tụi buôn thịt trên chợ Hà Đông ấy. Ngày nào chúng nó chẳng chở lợn qua đây. Chúng nó mua lợn chết ở khắp nơi rồi đem về Hà Đông xẻ thịt bán. Mỡ thì rán lên cho vào can. Những thứ không bán được thì đem tái sử dụng cho cá trê phi ăn. Ở đây ai mà chẳng biết mấy cái trò đó của chúng nó…”, ông Nguyễn Văn Tốn, thôn Mùi, xã Bích Hoà bức xúc.
Có ít nhất 2 biển hiệu “chuyên mua thịt lợn ốm, chết các loại” trên địa phận xã Bích Hoà. Một chiếc nằm ven đường lớn, còn chiếc kia “ém” trong đoạn ngõ nhỏ cách đó chừng vài chục mét. Từ “chuyên” nói về nghề đặc thù của gia chủ. Còn từ “các loại” mới thật đáng sợ. Nghĩa là, dịch vụ này sẽ mua tất tần tật các loại lợn ốm, chết; không kể là lợn gì và mắc bệnh dịch gì.
| |
Dòng quảng cáo trong ngõ |
Xem ra, từ hôm có cái biển hiệu quảng cáo, dịch vụ thu mua lợn ốm, chết đắt hàng hơn vì người dân Bích Hoà thường xuyên phải chứng kiến cảnh “nhân viên chở lợn” phi xe máy vù vù trên đường quốc lộ. Giá một con lợn chết xê dịch từ 20.000 – 30.000 đồng tuỳ thuộc vào loại và cân nặng. Lợn nạc đắt hơn lợn sề khoảng 5.000 đồng. “Nhà tôi có một con lợn vừa chết, đang định đem chôn thì bà hàng xóm chạy sang mách là có người trên phố đang cần mua. Thế là tôi gọi điện. Chỉ 30 phút sau đã có một thanh niên vác rọ tới và bắt lợn đem về…”, ông Nguyễn Văn Đính, làng đạo Thạch Bích (xã Bích Hoà) kể.
Truy tìm “hang ổ” dịch vụ lợn chết
Theo số điện thoại 034.518.798 của “dịch vụ” mua lợn ốm, chết, PV liên lạc được với một người đàn ông:
Anh ơi, nhà mình có mua lợn chết không?
Chết lâu chưa?
Mới chết cách đây chừng vài tiếng
Bao nhiêu cân?
Khoảng 40kg
Nhưng bây giờ chưa có người đến chở đâu
Thế bao giờ các anh đến lấy được?
Khoảng 4 -5 giờ chiều nhé?
Thôi, nếu thế thì để em tự chở đến cho. Nhà mình ở đâu nhỉ?
Đem đến nhà Khánh - Hường ở cuối làng Tuân nhé!
Theo danh sách đăng ký thuê bao do Bưu điện Hà Tây cung cấp, chủ nhân của số điện thoại 034.518.798 là Đặng Như Khả, khu Ao Phe, Do Lộ, Yên Nghĩa, thị xã Hà Đông. Tuy nhiên, theo nguồn tin mà PV có được thì Khả chỉ là nhân vật trung gian giới thiệu khách bán lợn ốm, chết cho gia đình vợ chồng Khánh - Hường ở cuối làng Tuân, xã Yên Nghĩa, Hà Đông.
| |
Dòng chữ đã bị xoá |
Trao đổi với Ông Nguyễn Huy Đăng, chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tây, ông Đăng cho hay, Chi cục thú y đã nhận được thông tin về những biển hiệu ở Bích Hoà được một vài ngày. Gần đây nhất, đoàn kiểm tra bao gồm cả cán bộ thú y và công an thị xã Hà Đông đã xuống tận địa bàn nơi xuất hiện những biển hiệu quảng cáo. Tuy nhiên, khi thấy có lực lượng công an thì một vài người đã vội vàng xoá biển bằng vôi trắng. Đoàn thanh tra của Chi cục cũng tới tận nhà Khánh - Hường để kiểm tra nhưng không bắt quả tang thịt lợn ốm, chết tại nhà này.
Vợ chồng Khánh Hường cho biết có buôn bán sỏ lợn nhưng không hề mua thịt lợn ốm, chết và cho rằng có kẻ nào đó đã ghi bậy bạ nhằm đổ vạ cho nhà mình. Thậm chí, vợ chồng Khánh - Hường còn ký vào bản cam kết là chưa bao giờ buôn bán thịt lợn ốm, chết.
Ông Nguyễn Huy Đăng cho biết, Chi cục thú y Hà Tây sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an và các trạm thú y cơ sở tìm ra bằng được đối tượng có biển hiệu quảng cáo. Trong trường hợp bắt được đối tượng, Chi cục sẽ đề nghị biện pháp xử lý nghiêm khắc thậm chí đưa ra truy tố trước pháp luật.
Chưa biết, cán bộ thú y Hà Tây sẽ làm thế nào để tìm ra kẻ “chuyên mua lợn ốm, chết các loại” và sẽ tìm trong thời gian bao lâu. Chỉ biết, chắc chắn đã có và sẽ có những người ăn phải thịt lợn chết mà không hề hay biết. Điều đáng nói là những biển hiệu quảng cáo xuất hiện đúng vào tháng an toàn vệ sinh thực phẩm và tại một địa phương được đánh giá là có công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tốt nhất nhì ở Thanh Oai, Hà Tây.
Theo Lê Tân
Vietnamnet