Dịch vụ “ăn theo” trái bóng thất bát
(Dân trí) - 50 năm chờ đợi, hy vọng và thất vọng. Trái tim cả triệu người hâm mô đang nặng trĩu, nhiều dịch vụ “ăn theo” chiến thắng như bán cờ, băng rôn…lại đón hụt một ngày làm ăn đã tưởng như nắm chắc trong tay.
18h50, phố cà phê Hàng Hành (Hoàn Kiếm, Hà Nội) phủ một không khí trầm buồn. Càng về những phút cuối trận, càng xuất hiện nhiều tiếng xô ghế thô bạo từ những cổ động viên không nén nổi bình tĩnh. Ngoài phố, cũng lác đác xuất hiện những tốp nam nữ cổ động viên “giận dỗi” nẹt pô xe máy, bỏ lại những ai còn bình tĩnh nán lại bên màn hình tivi.
19h15, đường phố Hà Nội trở lại vẻ sôi động như thường nhật. Không mấy khó khăn để nhìn thấy những gương mặt buồn so, lặng im. Một nhóm thanh niên, với bó cờ đỏ sao vàng trong tay phóng xe, nói mà như hét về phía chốt CSGT tại khu vực hồ Gươm: “buồn quá rồi, em chẳng đua đâu”. Nhóm CSGT cười buồn vẻ cảm thông.
Khoảng 19h45, tại khu vực trước cửa tòa Ngân hàng quốc gia xuất hiện tốp cổ động viên đi trên gần 100 chiếc xe máy đốt pháo sáng, vẫy cờ đỏ hò hét. Thi thoảng, từ khu vực quanh hồ Gươm vẫn vọng lên những tiếng reo hò nhưng không phải âm thanh quen thuộc: “Việt Nam vô địch”.
Nhiều cán bộ, chiến sĩ CSGT thở phào nhẹ nhõm trước diễn biến bất ngờ của trận đấu. “Dù buồn về thất bại của đội tuyển, nhưng có lẽ, đêm nay sẽ nhàn hơn rất nhiều so với dự kiến”, trung tá Đoàn thuộc đội CSGT số 1 (CATP Hà Nội) nhận định.
Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo trung đoàn cảnh sát cơ động (CATP Hà Nội) cho biết dự trù trước tình hình căng thẳng sau trận đấu Việt Nam - Malaysia, trung đoàn đã phân chia nhiệm vụ tới từng tổ chiến sĩ. Nhiều cán bộ, chiến sĩ mặc thường phục tham gia đứng chốt từ sớm để ngăn chặn, phòng ngừa diễn biến phức tạp.
Đến 20h, tình hình giao thông tại Hà Nội vẫn khá bình lặng.
Hụt ngày làm ăn
“Mấy tối nay, nằm trọn đêm với cờ, gối đầu lên cờ, ôm cờ vào lòng, vì nhà chật quá mà hàng thì lấy nhiều. Nhưng cũng may, tôi đã kịp trút gần hết hàng ngay trước khi trận đấu bước vào hiệp hai”, Bình, một người buôn cờ tại Lê Lai cho biết.
Nhưng không có nhiều người may mắn như người đàn ông này.
Ngồi thở hắt ra bên vỉa hè phố Đinh Tiên Hoàng, anh Hùng dậm chân bành bạch, vò đầu bứt tai khi tiếng còi mãn cuộc trận đấu Việt Nam - Malaysia vang lên bên chiếc radio cũ mèm. Nằm gục chỏng chơ bên cạnh anh Hùng là bó cờ đỏ sao vàng mới cáu cạnh cùng cả chồng cán tre.
“Tôi chưa hiểu nổi tại sao lại như vậy? Chúng ta đã chờ đợi, đã hy vọng, đã thấp thỏm lo âu trong suốt gần 100 phút. Lỗ bao nhiêu tiền à? Tôi chả biết nói gì bây giờ, cờ đã mua rồi, giờ thì đành mang về giặt khô là hơi”, anh Hùng buồn bã cho biết.
Nhiều người bán cờ trên phố Hàng Đào, Nguyễn Thái Học cùng nở nụ cười méo xệch khi thấy phóng viên giơ máy ảnh.
Nhưng xét ra, “nạn nhân” Hùng chỉ thuộc dạng buôn cò con nếu so với Phan Minh Trường. Máu làm ăn từ ngày còn là sinh viên trường ĐH Ngoại thương khiến Trường bỏ ra nhiều triệu đồng, thuê nhiều sinh viên tại Hà Nội buôn bán rải khắp những điểm nóng của cổ động viên: hồ Gươm, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, khu vực Nhà hát Lớn, vườn hoa Lê Thái Tổ, sân vận động Mỹ Đình…
Ngồi thẫn thờ bên cạnh “ông chủ Trường”, nhiều bạn sinh viên thở vắn than dài, nói vui: “Giờ vẫn kịp ra đường mua lại giá rẻ đợi đến năm sau bán đợt AFF Cup”.
“Thực ra nỗi buồn lớn nhất lúc này không phải về chuyện tiền nong mà là nỗi buồn của riêng tôi và cả triệu người hâm mộ. Chúng ta đã phải chờ đợi quá lâu rồi, 50 năm là bao thế hệ…”, đây là tâm sự chung của rất nhiều người bán buôn cờ mà PV Dân trí ghi nhận được.
Phúc Hưng