TPHCM:
Dịch bệnh tại đô thị ngày càng đáng sợ
Thống kê của ngành y tế TPHCM cho biết, từ đầu tháng 3 đến nay, các dịch bệnh truyền nhiễm do virus gia tăng và ước tính sẽ tăng khoảng 15%. Đây là những bệnh không chỉ chịu ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết, mà còn chịu tác động bởi môi trường, điều kiện sống...
Môi trường đang bị ô nhiễm
Khi đề cập đến vấn đề này, BS Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế TPHCM - đã từng đưa ra quan điểm, đây là hậu quả của môi trường sống chưa tốt ở nhiều khu vực của thành phố.
Thực tế những tháng gần đây đã minh chứng cho nhận định này: 8 ổ dịch về bệnh rubella đều được xác định có nguồn bệnh tại các khu công nghiệp; bệnh tiêu chảy do rotavirus thì xảy ra ở quận 8. Bệnh sốt xuất huyết chủ yếu tập trung tại địa bàn quận vùng ven.
Sau khi khảo sát tình hình dịch tễ tại những địa bàn này, các cơ quan chức năng đã tìm ra điểm chung nhất, đó là điều kiện sống rất chật chội, vệ sinh môi trường sống rất kém.
Truy tìm nguyên nhân sâu xa hơn, đoàn kiểm tra liên ngành còn cho biết đó chính là việc xây dựng nhà cửa, cầu đường loạn xạ hiện nay đã khiến cống rãnh bị bít tắc, nước thải ứ đọng...
Sự hiểu biết của người dân còn hạn chế
BS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm thần kinh, BV Nhi Đồng 1 - đánh giá: Hiện có không ít người dân chưa nhận thức đầy đủ về bệnh. Ví dụ, về bệnh tay-chân-miệng, thậm chí khi nói về căn bệnh này, nhiều người còn không biết đó là một loại bệnh chủ yếu lây qua bàn tay, khi trẻ chơi bò dưới đất hoặc cầm nắm vào đồ chơi nhiễm virus, rồi lại đưa tay lên miệng ngậm, thế là virus theo miệng đi vào cơ thể, gây bệnh.
Hoặc không ít người dân quan niệm, khi phát ban trong bệnh thuỷ đậu hay bệnh rubella thì nên làm mọi cách để ban phát ra càng nhiều càng tốt, vì thế họ cho trẻ uống một số loại thuốc bắc, thuốc tây độc hại, gây biến chứng khôn lường...
Ngoài ra, một quan niệm sai lầm khá phổ biến hiện nay là chỉ cho trẻ chích ngừa khi đã xảy ra dịch bệnh. Thực tế vẫn xảy ra tình trạng thay vì phải thực hiện tiêm ngừa đúng, đủ cho con em mình thì nhiều bậc phụ huynh lại quên, đợi đến khi xuất hiện dịch bệnh mới kéo nhau đến chủng ngừa.
Thực trạng này đã xảy ra tại BV Nhi Đồng 1 trong vài tuần qua, khi số trẻ mắc bệnh thuỷ đậu gia tăng đột biến thì đồng thời số người kéo tiêm ngừa căn bệnh này cũng tăng nhiều, khiến nguồn vaccine dự trữ của BV cạn kiệt.
TS Lê Trường Giang - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM - trong cuộc họp chuyên ngành gần đây, cho biết: “Khách quan mà nói, ngành y tế dự phòng ở nước ta hiện nay vẫn chưa được coi trọng bằng ngành điều trị, nhân lực, vật lực, tài lực chưa được đầu tư đúng mức.
Nếu tình hình không sớm cải thiện, không có sự kết hợp để giải quyết tận gốc rễ vấn đề môi trường sống thì với sự gia tăng và bùng nổ dịch bệnh như cảnh báo của giới chuyên môn hiện nay, sức khỏe sẽ vẫn là nỗi lo lắng của từng người dân”.
Theo Linh Lan
Lao Động