1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Địa phương lúng túng với thủ tục giấy báo tử

(Dân trí) - Trong thời gian Bộ Y tế chưa ban hành thông tư quy định về biểu mẫu giấy báo tử, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) đã chỉ đạo Sở Tư pháp các địa phương hướng dẫn UBND cấp xã/phường thực hiện việc này.

Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh mới đây đã đề nghị Bộ Tư pháp xem xét những hạn chế, bất cập của Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn thi hành để đề xuất sửa đổi, bổ sung.

Theo cơ quan này, tại khoản 1 Điều 34 Luật Hộ tịch quy định: “Người có trách nhiệm đi đăng ký khai tử nộp tờ khai theo mẫu quy định và Giấy báo tử hoặc giấy tờ khác thay thế giấy báo tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch”. Tuy nhiên, hiện tại chưa có quy định cụ thể về mẫu giấy báo tử dành cho cấp xã thực hiện nên phần nào cũng gây lúng túng cho địa phương.

Trong văn bản trả lời, Bộ Tư pháp dẫn ra quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 123/2015 của Chính phủ nhấn mạnh: “Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở y tế thực hiện việc cấp giấy chứng sinh, giấy báo tử và cung cấp số liệu thống kê sinh, tử cho cơ quan đăng ký hộ tịch có thẩm quyền theo quy định”.

(Ảnh minh hoạ)
(Ảnh minh hoạ)

Tại Quyết định số 101/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia của Việt Nam về đăng ký và thống kê hộ tịch, Thủ tướng đã giao trách nhiệm cho Bộ Y tế xây dựng thông tư hướng dẫn về việc cấp giấy báo tử và mẫu giấy báo tử. Do vậy, việc quy định biểu mẫu giấy báo tử thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Đến nay Bộ Y tế vẫn đang trong quá trình triển khai việc xây dựng thông tư này.

Chính vì thế, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thời gian trước mắt, Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực (Bộ Tư pháp) đã có chỉ đạo cụ thể tới Sở Tư pháp các địa phương về thủ tục này.

Giải quyết khó khăn cho phụ nữ lấy chồng nước ngoài rồi bỏ về Việt Nam

Sở Tư pháp tỉnh Tây Ninh cũng phản ánh khó khăn của những trường hợp phụ nữ lấy chồng nước ngoài, đã xin thôi quốc tịch Việt Nam để được nhập quốc tịch nước ngoài, con cái được đăng ký khai sinh tại nước ngoài, có quốc tịch nước ngoài nhưng sau đó bỏ trốn vì bị ngược đãi. Người mẹ lại không thể mang giấy khai sinh về Việt Nam để được đăng ký ghi vào sổ hộ tịch và không đăng ký kết hôn được tại Việt Nam…

Theo Bộ Tư pháp, trường hợp trẻ em là con của phụ nữ Việt Nam và người chồng nước ngoài đã được đăng ký khai sinh ở nước ngoài và có quốc tịch nước ngoài, nay theo mẹ về sinh sống tại Việt Nam thì không thực hiện việc ghi vào sổ hộ tịch việc khai sinh đã thực hiện tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (việc ghi vào sổ hộ tịch chỉ thực hiện đối với công dân Việt Nam).

Đối với những trường hợp này, trước mắt, để bảo đảm các cháu có giấy khai sinh để làm thủ tục đi học, Sở Tư pháp cần chỉ đạo cơ quan đăng ký hộ tịch hướng dẫn công dân liên hệ với cơ quan đại diện của nước mà trẻ mang quốc tịch tại Việt Nam để được cấp bản sao giấy khai sinh.

Về lâu dài, Bộ Tư pháp sẽ trao đổi với các Bộ, ngành liên quan như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo,… để tìm cách giải quyết, tháo gỡ.

“Trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, chưa ly hôn nhưng đã bỏ trốn về Việt Nam, hiện đang chung sống với người đàn ông khác nhưng không thể làm thủ tục đăng ký kết hôn do vướng mắc trong việc xác nhận tình trạng hôn nhân là một trong những hệ quả pháp lý tiêu cực của việc kết hôn có yếu tố nước ngoài. Cơ quan đăng ký hộ tịch cần thống kê cụ thể các trường hợp này, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân biết hệ quả pháp lý bất lợi này để gia đình cân nhắc trước khi cho phép con em mình kết hôn với người nước ngoài”- văn bản của Bộ Tư pháp nêu rõ.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm