1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Khốn đốn vì “đại công trường” lò gạch:

Đất vành đai an ninh, quốc phòng “bay” theo khói lò gạch

(Dân trí) - Lò gạch thủ công mọc lên như nấm, xã đến nhắc nhở, phạt vi cảnh rồi… mặc kệ vì đó là “phong trào” của cả làng, cả xã. Chính quyền xã bất lực ngồi nhìn những mảnh ruộng, triền đê và cả đất vành đai an ninh quốc phòng dần biến mất theo khói lò.

3 cái chết tức tưởi và nỗi đau người còn sống

Nhiều năm nay, những con đường nhỏ dẫn quanh làng Lai Sơn khoác lên mình tấm áo đìu hiu, vắng vẻ. Thi thoảng, những chiếc xe tải uỳnh uỵch chở than và gạch thành phẩm chạy qua khuấy động không gian và cát bụi, nhuộm cỏ cây hai bên đường một màu vàng vàng, đỏ đỏ đặc trưng của đất gạch.
 
Đất vành đai an ninh, quốc phòng “bay” theo khói lò  gạch - 1
Bà Mùi kiệt sức sau vụ ngộ độc cướp đi sinh mạng của chồng và con trai mình.

3 ngày sau vụ tai nạn lao động khiến 3 người trong gia đình ông Nguyễn Văn Tý tử vong, lò gạch cách nhà ông chỉ chừng 10m vẫn ngày đêm đỏ lửa. Khói nghi ngút bốc lên, hoà cùng khói những lò khác bao trùm không gian của “đại công trường” sản xuất gạch.

Ngôi nhà của ông Tý phía mặt đường chính dẫn vào xã Lai Sơn vẫn chìm trong không khí tang tóc. Gia đình, họ hàng đang làm lễ Tam nhật (3 ngày) cho 2 bố con ông. Người cậu (em bà Mùi- vợ ông Tý) được đưa về quê ở Hải Dương an táng trong nỗi đau của cả hai họ.

Bà Mùi sau khi được cấp cứu đã tỉnh lại, về chịu tang chồng và con. Mặt mếu xệch, nói không thành tiếng vì khóc quá nhiều và vì ảnh hưởng của vụ ngộ độc khói lò gạch đêm hôm trước. Nén nỗi đau, vợ anh Hợp đang mang thai tháng thứ 5 cũng cố gắng cùng anh em, họ hàng lo lắng công việc hậu sự cho bố và chồng mình.

Lật lại hành trình dẫn đến cái chết của 2 bố con ông Tý và cậu em vợ, nhiều người rất bức xúc vì 3 cái chết này hoàn toàn có thể ngăn chặn được nếu chính quyền xã Bắc Sơn, những vị “quan phụ mẫu” ở đây không quá thờ ơ như vậy.
 
Đất vành đai an ninh, quốc phòng “bay” theo khói lò  gạch - 2
"Đại công trường" lò gạch của làng Lai Sơn nhìn từ đỉnh đồi giữa xã Bắc Sơn và xã Hồng Kỳ.

Theo tìm hiểu, gia đình ông Tý bắt đầu đào đất xây lò hồi đầu tháng 6 năm nay. Sau đó, chính quyền xã và thanh tra xây dựng có đến lập biên bản đình chỉ, yêu cầu gia đình phá bỏ phần vỏ lò vừa xây đi. Tuy nhiên, các các bộ xã lại “đánh trống bỏ dùi”, lập biên bản cho có thủ tục rồi bỏ đó. Gia đình ông Tý tiếp tục làm, đến lò thứ 2 thì bi kịch xảy ra.

Dư luận đặt câu hỏi, nếu chính quyền mạnh tay, làm đúng chức năng nhiệm vụ của mình thì bi kịch đau đớn trên có xảy ra?.
 
Cán bộ xã thừa nhận sự bất lực

Tìm đến UBND xã Bắc Sơn, chúng tôi bất ngờ và bức xúc trước thái độ thản nhiên, coi mọi chuyện đã rồi như không của ông Tạ Hồng Thái - Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã. Nói về cái chết của 3 người nhà ông Tý, ông Thái cho biết: “Xã đã cố gắng nhưng người ta vẫn làm thì biết làm sao được.”

Theo ông Thái, phong trào làm gạch tại Bắc Sơn nở rộ từ năm 2005 cho đến nay. Lò tự phát liên tục mọc lên, xã cũng đã đến đình chỉ, yêu cầu dỡ bỏ nhưng khi xã đi thì người dân lại làm tiếp!?
 
Đất vành đai an ninh, quốc phòng “bay” theo khói lò  gạch - 3
Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn Tạ Hồng Thái "thản nhiên" giải thích về sự bất lực của chính quyền địa phương.

Thống kê của UBND xã Bắc Sơn cho thấy, hiện trên địa bàn xã có 99 hộ dân làm lò gạch thủ công tự phát, mỗi hộ ít nhất có 2 vỏ lò. Đó là chưa kể 18 chủ lò từ nơi khác đến có hợp đồng với xã. Đối với các hộ dân làm lò gạch tự phát, ông Thái cho rằng, họ làm trên đất thổ cư liền kề của gia đình, muốn múc đất lúc nào, múc bao nhiêu là quyền của họ. Không rõ ông Thái có biết đến quy định của Nhà nước về quản lý đất đai, cấm người dân xâm phạm đến tài nguyên đất quá độ sâu 1m?

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công trước năm 2010, ông Thái cho biết xã cũng đã nỗ lực tiến hành. Theo ông Thái, từ đầu năm đến nay, “ngoài trường hợp nhà ông Tý, hầu như không có lò nào tự phát mọc lên”.

Ấy vậy mà, tại Tổ thanh tra xây dựng của xã, anh Ngô Văn Hoàn (Tổ trưởng) lại đưa ra cho chúng tôi bản liệt kê chi tiết… 32 hộ làm lò mới phát sinh trong năm nay. Nhiều người đã làm lò từ trước và nay xây dựng thêm lò mới.

Khi được hỏi về trách nhiệm của chính quyền xã trước tình trạng người dân ồ ạt làm lò gạch trái qui định, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ông Thái thản nhiên thừa nhận: “Chúng tôi thực sự bất lực, người ta làm nhiều quá, không thể ngăn chặn được”. Ông Thái còn viện ra lý do vì đó là người trong làng, lại toàn anh em họ hàng nên… khó làm. Nếu vậy, có lẽ cần có một vị quan phụ mẫu không phải là người trong xã Bắc Sơn đến đây điều hành!?
 
Đất vành đai an ninh, quốc phòng “bay” theo khói lò  gạch - 4
Công trường vẫn ngày đêm hoạt động sau cái chết của 3 người.

Quay trở lại với “đại công trường” sản xuất gạch của xã, ông Thái cho biết, xã quản lý khu vực đê ngòi, cầu Chiền chảy ra sông Công. Tình trạng khoét đê làm gạch chính quyền xã có biết, đã xử lý nhưng “mình đi rồi họ lại lén lút làm, không xử lý được”!? Vậy là, Pháp lệnh Bảo vệ đê điều không hề có hiệu lực tại xã Bắc Sơn?

Theo tìm hiểu, xã Bắc Sơn có tới 600ha đất vành đai an ninh quốc phòng. Diện tích đất này, theo ông Thái, dân đã lấn chiếm làm nhà từ lâu và đến nay họ cũng tự ý múc đất lên làm lò. Hỏi về diện tích bị xâm phạm, ông Thái tậc lưỡi, chép miệng: “Cũng kha khá!”

Chính quyền xã Bắc Sơn thừa nhận sự bất lực, còn chính quyền huyện Sóc Sơn? Đặt câu hỏi xã đã có đề xuất gì với UBND huyện Sóc Sơn chưa, ông Thái nói là đã có đề xuất từ đầu năm. Tuy nhiên, khi chúng tôi đề nghị ông Thái cung cấp văn bản kiến nghị, đề xuất ấy, ông Thái lại không thể đưa ra được!

Dân trí sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin đến bạn đọc về vụ việc này.

Tiến Nguyên