1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đi xe đạp đuổi theo... ô tô

Những ngày Xuân 1968, miền Bắc dồn dập đưa tin thắng lợi của cuộc tổng tiến công và nổi dậy ở miền Nam, hòa cùng lời thơ Bác: "Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua..." thì tôi lại được lệnh đi làm nhiệm vụ.

Khi ấy, tôi là Trợ lý Phòng Huấn luyện, Bộ tư lệnh Binh chủng Pháo binh ở Hà Nội. Một buổi sáng đầu tuần, tôi được gọi lên gặp đồng chí Trưởng phòng Huấn luyện nhận chỉ thị:

- Để đề phòng địch thua đau ở miền Nam, liều lĩnh tấn công ra Nam Quân khu 4, Bộ tư lệnh tăng cường Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 16 cho Trung đoàn Pháo binh 164 ở giới tuyến. Tiểu đoàn đã xuất phát tối hôm qua. Ở ngoài này, Tiểu đoàn 11 trang bị lựu pháo 122mm, nay lại nhận lựu pháo 105mm; cán bộ, chiến sĩ chưa được huấn luyện thay đổi pháo. Đồng chí có nhiệm vụ đuổi theo đơn vị, cùng hành quân vào đó với anh em và trong thời gian chuẩn bị chiến trường phải huấn luyện cho đơn vị sử dụng tốt loại pháo mới trang bị. Trước khi đi, sang Phòng Tác chiến tìm hiểu thêm tình hình...

Thời chiến, mệnh lệnh ngắn gọn vậy, còn làm thế nào để thực hiện, đó là trách nhiệm của quân nhân. Vì phải đạp xe đuổi theo đoàn xe cơ giới nên tôi khẩn trương chuẩn bị mọi việc trong hơn một tiếng đồng hồ: Lấy giấy tờ, tài liệu huấn luyện, bản đồ hành quân, nhận tăng võng, vũ khí và lương thực, thực phẩm khô để tự nấu ăn dọc đường; lại còn phải săn sóc cho "con tuấn mã" là chiếc xe đạp Thống Nhất nữ. Do đó, không thể quên đem theo đồ nghề sửa xe và chiếc bơm. Tôi không kịp viết thư về nhà, vì nếu viết dài thì không đủ thời gian mà viết ngắn, không nói được rõ lại thêm lo lắng.

Tôi xuống nhà bếp nhận một suất bánh mì về nhai vội, chiêu với bát nước đường thay cho bữa ăn trưa còn quá sớm. Khoảng 10 giờ, tôi đạp xe nhằm phía Tây thẳng tiến. Đồng chí trực ban tác chiến Bộ tư lệnh cho biết: Đơn vị từ Vĩnh Yên (Vĩnh Phú), qua Sơn Tây (Hà Tây) lên Hòa Bình, rồi ra Nho Quan-Rịa (Ninh Bình) để bắt vào Đường 15 và có khả năng lúc này đơn vị đang tập kết ở gần thị xã Hòa Bình để tối nay hành quân tiếp. Vì vậy, tôi hối hả đạp xe lên Hòa Bình, với hy vọng gặp được đơn vị trước giờ xuất phát hành quân chặng thứ hai. Nhưng tôi đã không tìm thấy Tiểu đoàn, đành nghỉ đêm tại thị xã Hòa Bình để hôm sau qua dốc Cun, ra Nho Quan về Rịa. Lúc đổ dốc Cun, tôi phải chặt một cành cây to bằng bắp tay, để nguyên cành lá, dùng dây dù buộc vào gác-ba-ga, kéo lê trên mặt đường làm phanh bổ trợ. Lúc ấy, mạng thông tin còn kém phát triển, tôi không có cách nào liên lạc về cơ quan Bộ tư lệnh Binh chủng Pháo binh nên cứ ngày đi đêm nghỉ, bám theo dấu vết đơn vị.

Mấy đêm đầu còn tìm được chỗ nghỉ trong nhà dân. Nhưng đến đoạn đường Nam Thanh Hóa-Bắc Nghệ An, có hôm trời gần tối, không tìm được làng bản, tôi đành phải vào rừng cây cách đường dăm chục mét để "hạ trại". Trước hết, tôi kiếm mấy cành củi thật khô dùng dao găm chẻ nhỏ, đóng hai cành cây tươi có chạc xuống đất, treo hăng-gô lên nấu cơm trước khi trời tối. Lấy nước sôi pha chút ruốc và mì chính làm canh, ăn cho qua bữa tối, rồi treo võng thật cao. Thời chiến tranh nhưng an ninh rất tốt nên chỉ phải đề phòng rắn rết, hoang thú.

Một hôm, trời đã về chiều, tìm trên bản đồ, thấy gần tới một bản nhỏ ghi tên "bản Chuối", tôi đi cố với hy vọng tìm được mái nhà sàn để tá túc qua đêm. Nhưng khi đến nơi chỉ thấy mấy nền nhà cũ, vài ba bụi chuối hoang mọc chen cây xấu hổ, tuyệt nhiên không có một bóng người.

Đi xe đạp đuổi theo... ô tô - 1

Quân Giải phóng phối hợp với dân quân, du kích và bộ đội địa phương vận chuyển pháo đạn vào chiến trường chuẩn bị đánh địch ở Đồi Tròn, Quảng Trị năm 1972. (Ảnh tư liệu)

Tôi lại lên xe, vừa đi vừa ngó trước ngó sau để tìm một chỗ vừa ý lập "hành cung". May sao trông thấy bên đường có một vết lối mòn đi vào rừng. Tôi rẽ vào, lòng khấp khởi mừng thầm. Ngó vào trong nhà, thấy một thanh niên khoảng 20 tuổi mặc bộ quần áo màu xanh công nhân, làm cho khuôn mặt xanh màu sốt rét rừng của anh như càng tái xanh hơn. Tôi hỏi xin nghỉ nhờ qua đêm nhưng lạ thay, anh một mực chối từ. Tôi bần thần dắt xe ra cách vài chục mét định "hạ trại". Vừa tháo ba lô ở sau xe ra, đang loay hoay tìm chỗ mắc võng và sửa soạn bữa chiều thì lại thấy anh ra gọi vào cho nghỉ nhờ. Anh bảo tôi góp gạo để anh nấu cơm. Khi tôi hỏi anh tại sao lúc chiều khăng khăng không cho tôi vào nghỉ nhờ, anh nói: "Vì tôi thấy anh kỳ lắm, tôi chưa thấy ai lại một mình đi chiếc xe đạp trên đường "Bò lăn" để đuổi theo một đoàn xe cơ giới. Tôi ngại anh là kẻ gian mà tôi chỉ có một mình, tôi sợ anh hại tôi". Lúc ấy, tôi mới để ý đến mình. Chiếc ba lô màu xanh mới nhận, bộ quần áo ka-ki Tô Châu 5 ngày chưa thay đã ngả màu đỏ vì bụi đường, đưa bàn tay lên mặt thì râu ria tua tủa. Và tôi mỉm cười, nhớ lại ánh mắt nghi ngại của anh lúc mới gặp...

Cuối cùng, sau 6 ngày hành quân, tôi cũng tìm được Tiểu đoàn, đang tập kết ở Nam Đàn (Nghệ An) để cơ quan Bộ tư lệnh Binh chủng Pháo binh bàn giao cho Quân khu 4. Đơn vị cũng mới đến trước tôi hai ngày một đêm. Hỏi ra tôi mới biết, đơn vị tận dụng thời gian địch tuyên bố ném bom hạn chế từ Nam vĩ tuyến 20 để hành quân những chặng đầu theo Đường 1. Còn tôi, vì thông tin sai lệch nên cứ cắm cúi đuổi theo trên Đường 15. Nhưng gặp được đơn vị là tôi mừng lắm, quên đi bao mệt nhọc trên đường.

Bàn giao xong, các đồng chí Trợ lý Phòng Tác chiến, Quân lực đi theo Tiểu đoàn từ Vĩnh Yên lại quay ra Hà Nội, còn tôi mang xe đạp gửi vào nhà một trưởng xóm ở Nam Anh (Nam Đàn), lên xe cùng đơn vị hành quân vào giới tuyến. Tôi sống cùng đơn vị hơn một tháng ở dưới tán rừng cao su Vĩnh Linh. Trong tiếng bom đạn địch tập trung đánh phá ác liệt Nam Quân khu 4, tôi đã tập huấn cho cán bộ từ khẩu đội, tiểu đội trở lên về sử dụng pháo, tính toán phần tử và bắn pháo. Hoàn thành nhiệm vụ, chia tay đơn vị, tôi lại một mình đi bộ ra Nam Đàn lấy xe đạp và cũng một mình một xe về Hà Nội. Lần hành quân trở ra, không gấp gáp, tôi có dịp thưởng ngoạn phong cảnh bên đường, có thời gian vào thăm nhà Bác Hồ ở Kim Liên, Nam Đàn. 

Đi xe đạp đuổi theo... ô tô - 2

Đại tá Tô Bỉnh. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Từ ngày rời Hà Nội đến lúc trở về tròn hai tháng rưỡi. Hai tháng rưỡi bặt tin cũng làm vợ tôi ở quê bồn chồn lo lắng. Nửa năm sau, nhân có đoàn cán bộ cơ quan Bộ tư lệnh Binh chủng Pháo binh vào công tác, đồng chí Lương Phát, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 11 gửi thư hết sức cảm ơn Bộ tư lệnh đã cử tôi vào giúp đơn vị huấn luyện chuyển loại pháo, làm cho đơn vị thêm vững vàng trong chiến đấu.

Năm 1972, tôi lại có dịp cùng đơn vị tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị, Tiểu đoàn đã sử dụng lựu pháo 105mm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và sau này Tiểu đoàn 11 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Đại tá TÔ BỈNH

Theo sknc.qdnd.vn